Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 21/08/2009 08:47
Đợi chờ tin vui từ Lễ hội Thánh Gióng
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng hồ sơ Lễ hội Thánh Gióng đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Vậy là Hà Nội lại có thêm một di sản văn hóa nữa bước vào giai đoạn đề cử để trở thành “sản phẩm” ưu tú vinh danh với toàn thế giới.

 Thánh Gióng là một anh hùng trẻ tuổi trong hệ thống thần thoại thời vua Hùng dựng nước. Theo truyền thuyết, Gióng là con một gia đình nghèo ở làng Phù Đổng (Gia Lâm) lên ba tuổi vẫn chưa biết nói cười. Bấy giờ vào thời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân xâm lược nước Văn Lang, tàn sát dân lành. Vua Hùng cho sứ giả đi tìm người tài giúp nước. Nghe lời rao của sứ giả, Gióng đứng dậy và bật nói với mẹ mời sứ giả vào. Gióng xin vua cho một ngựa sắt và một roi sắt. Thế là chàng vươn vai thành một người không lồ ngồi lên mình ngựa, xông vào quân giặc. Giặc tan, Gióng phi ngựa lên núi Sóc (nay thuộc huyện Sóc Sơn) rồi bay lên trời. Đến thời Lý, vua Thái Tổ cho dân Phù Đổng lập đền thời Thánh Gióng và cho mở lễ hội vào ngày 9 tháng 4 âm lịch để nhắc lại chiến công và tôn vinh chàng trai có công bảo vệ đất nước.

Diễn lại cảnh đánh giặc Ân

Ngày xưa tổng Phù Đổng có bốn làng: Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên và Đổng Xuyên thì cả bốn làng cùng tổ chức lễ hội. Trước ngày hội, các làng chọn xong các tướng của Gióng: một hiệu cờ (múa cờ), một hiệu trống (đánh trống), một hiệu chiêng, một hiệu trung quân (chỉ huy đoàn quân), hai hiệu tiểu cổ (tướng tiên phong) và một đội thám mã (trinh sát). Còn quân lính thì có 12 phù giá nội, coi như cận vệ và 120 phù giá ngoại coi như đại quân. Tham gia hội còn có phường múa hát Ai Lao (phường Tùng Choạc), trong đó có một ông trùm, một người đánh trống khẩu, một người cầm cung nỏ (tượng trưng cho người đi săn), một người cầm cần câu (dân chài), hai cầm cờ lau (trẻ chăn trâu), một người hóa trang thành con hổ, 12 người cầm xênh phách. Phường này sẽ hát và múa giúp vui cho hội. Ngoài ra bốn làng còn phải cử 28 bé gái từ 10 – 13 tuổi đóng vai tướng giặc Ân.
 Hội bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng tư bằng rước lễ. Ngày mồng 8 duyệt 28 nữ tướng, ngày mồng 9 là chính hội.

Mở đầu là rước cờ từ đền Mẫu về đền Thượng. Tiếp đến là phường múa Ai Lao diễn trò săn hổ và vây bắt hổ. Trong khi đó ở Đống Đàm (coi như trận địa giặc Ân), 28 nữ tướng cũng dàn thế trận. Họ ngồi trên kiệu. Khoảng quá trưa, đội thám mã về đền thông báo giặc đã đóng quân ở Đống Đàm. Thế là chiêng trống nổi lên, đoàn quân của chàng Gióng tiền về Đống Đàm dưới hình thức một đám rước. Đi đầu là 24 thiếu niên dẹp đường rồi đến tướng tiên phong, ông hổ, phường Ai Lao, các tướng của Gióng và người xem hội.

Chiến trường Đống Đàm là một bãi nhỏ nằm giữa hai con đê. Tại đây đã trải sẵn ba chiếc chiếu, mỗi chiếc có một bát úp trên một tờ giấy trắng. Chiếu tượng trưng cho đồng bằng, bát là núi, giấy là mây. Đám rước tới nơi, các tướng đến các vị trí. Sau khi đã ổn định, trống nổi ba hồi. Hiệu cờ tiến đứng ở chiếu giữa. Trống chiêng nổi lên, bên giặc đốt pháo tỏ ý nghênh chiến. Hiệu cờ giơ thẳng cánh tay trái ra trước, giương lá cờ lệnh lên, mắt nhìn ngọn cờ, hất chân sang trái, rồi lại chuyển cờ sang tay phải, hất chân sang phải. Tiếp đó, dùng chân phải hất cái bát lên, tờ giấy cũng bay theo (ngụ ý sức mạnh của Gióng bạt núi dời mây), đoạn chụm chân, nhảy lên hai lần, miệng hô “Hây! Hây”. Sau đó, ông quỳ gối phải xuống, gập chân trái thành hình thước thợ, dùng hai tay phất mạnh lá cờ từ phải sang trái, uốn đi ba vòng rồi bổ thẳng xuống chiếu. Ông còn làm tiếp như vậy ở hai chiếu bên, ngụ ý chiến đấu ác liệt. Ba đợt phất cờ đó dân gọi là ba ván thuận. Các nữ tướng lúc này cũng quay khăn về phía đền Thượng, tỏ ý bị tan rã. Trống chiêng lại nổi lên, quân của Thánh Gióng đã thắng.

Đám rước trở về đền Thượng mở tiệc khao quân. Nhưng vào giữa bữa tiệc, thám mã cấp báo rằng quân giặc đang vây ở Sòi Bia. Cuộc chiến đấu cũng diễn ra như ở Đống Đàm, có điều là hiệu cờ lại phất cờ từ trái sang phải, gọi là ba ván nghịch. Khi ván thứ ba chấm dứt, quân giặc đại bại, tướng giặc bị bắt giải về đền Thượng cùng với trống chiêng rền vang báo tiếp. Tại đây hai tướng giặc bị hất mũ và phanh áo, ngụ ý bị chém đầu và lột da. Tiếp đó làm lễ dâng thủ cấp giặc. Xong lễ, tiệc khao bắt đầu, không khí chiến thắng lại bao trùm.

Buổi tối có các trò chơi, diễn tuồng… được kéo dài tới tận khuya.

Rước dò hoa tre và chém tướng giặc

Ở đền Sóc (thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) cũng thờ Thánh Gióng, hằng năm mở hội vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch. Nghi lễ đầu tiên là mộc dục (tắm gội) tượng Thánh và các tì tướng của Thánh. Đặc biệt có lễ rước dò hoa tre. Dò hoa tre là những nan tre dài chừng ba gang tay, rộng khoảng 1cm, đầu nan vót xơ bông nhuộm các màu, phần lớn là màu vàng. Các làng Vệ Linh, Phù Mã, Thanh Lai (xã Phù Linh), các làng Xuân Dục Đông, Đan Tảo (xã Tân Minh), Yên Tàng (xã Bắc Phú) và một số làng khác đều rước tới đền Sóc nhiều dò hoa này. Làng Vệ Linh luôn đi đầu đám rước vì là làng “anh cả”. Các dò hoa khi tế lễ xong, người ta đặt một dò lên ban thờ, số còn lại thì tung lên cho mọi người cướp. Ai cướp được coi như cả năm sẽ tốt lành, có thêm lúa gạo, con cái. Đây là một tín ngưỡng rất cổ mà các nhà tân tộc học gọi là tín ngưỡng phồn thực. Tuy nhiên, vì là tín ngưỡng cổ sơ nên giờ đây dân miền núi coi đó là roi ngựa của Thánh Gióng.

Riêng làng Yên Tàng đem đến hội hai cô gái tuổi từ 12 đến 16, mặc áo quần như tướng võ. Trong khi ở đền tế lễ thì hai cô này được đưa tới chân núi, đặt ngồi trên ghế. Đứng cạnh có một chàng trai cầm dao gỗ, một người cầm cờ đứng trên một mỏm đá nhìn về phía cửa đền. Khi trong đền làm lễ vừa xong thì người cầm cờ phất cờ. Người cầm dao gỗ chém vào chân ghế, hai cô gái nhảy ra và liền được người nhà cõng chạy về làng. Đây là trò diễn tượng trưng cho việc Thánh Gióng chém tướng giặc Ân. Vì theo truyền thuyết, giặc Ân do các nữ tướng chỉ huy.

Hồ sơ Lễ hội Thánh Gióng đang được khẩn trương hoàn thiện, đệ trình UNESCO trước ngày 31/8/2009. Chúng ta hãy đón chờ tin vui từ Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc.


Theo Kinh Tế&Đô Thị

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)