Trụ sở Nhà xuất bản Hà Nội xưa và nay
Phố Tống Duy Tân dài khoảng 200m, nối từ phố Trần Phú đến đường Điện Biên Phủ, thời Pháp thuộc có tên Rue Brusseaux; sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đổi là phố Bùi Bá Kỳ; thời tạm chiếm gọi là phố Kỳ Đồng (đứa trẻ kỳ lạ) và từ năm 1964 đổi thành phố Tống Duy Tân. Con phố mang tên một tiến sĩ, một nhà chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ XIX nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm còn có một tên gọi là phố Ẩm thực và Nhà xuất bản Hà Nội là cơ quan văn hóa duy nhất nằm trong con phố nhỏ này.
Nghe kể, ngôi nhà số 4 vốn là nơi ở của một gia đình người Hoa, sau chiến tranh biên giới phía Bắc, họ chuyển đi ta tiếp quản và phân cho các đơn vị. Mặc dù Nhà xuất bản nhận được giấy phân trụ sở nhưng lúc đó ngôi nhà số 4 này lại do một đơn vị khác sở hữu.
Nhận thấy cơ quan không thể “ở nhờ” mãi trong Sở Văn hóa – Thông tin trên phố Hàng Dầu, giám đốc Vũ Cao đã thúc giục Văn phòng Thành ủy và cơ quan phân phối nhà Thành phố bàn giao trụ sở. Từ thúc giục trực tiếp, rồi đến văn bản, giấy tờ được gửi đến các cơ quan công quyền nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Trước tình hình đó, một số cán bộ Nhà xuất bản Hà Nội đã xin ý kiến giám đốc để trực tiếp xuống “đòi” trụ sở.
Tập thể Cán bộ công nhân viên tại trụ sở Nhà xuất bản năm 1986.
Cho đến hôm nay trong số 5 người đi đòi trụ sở ngày ấy chỉ còn lại bác Nguyễn Văn Hoan nguyên cán bộ biên tập đã kể lại: “Chúng tôi đề nghị ông Vũ Cao cho phép đến thẳng số 4 phố Tống Duy Tân, lúc ấy đang nằm trong sự quản lý của Sở Nông nghiệp. Chúng tôi cũng xin đảm bảo với ông Cao là sẽ kiên quyết nhưng không gây ra chuyện gì đáng tiếc”.
Trước khi đi các bác đã chuẩn bị tinh thần phải đòi bằng được, tính đến cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bác Hoan cho biết: Khi tới nơi thì chỉ có một người trực, sau lời chào hỏi, giới thiệu, các bác được người trực giải thích rằng đơn vị anh ấy cũng nhận được lệnh đến nhà khác và bàn giao nhà này. Lệnh thì có rồi nhưng nhà cũng vẫn không nhận được thành ra cứ phải nằm chết ở đây. Buổi nói chuyện hôm ấy trở nên thân mật, thông cảm lẫn nhau. Sau lần “đòi” trực tiếp đó thì hơn một tháng sau, Nhà xuất bản Hà Nội nhận được trụ sở. Trụ sở ngày ấy chỉ là một căn nhà hai tầng vẻn vẹn 60m2 xây dựng, lại qua tay nhiều chủ nên rất dột nát, cửa rả đều bị tháo dỡ và đang có nguy cơ bị xâm chiếm. Vì thế, cán bộ cơ quan vừa phải làm công tác dân vận, lại vừa phải thay nhau bảo vệ trụ sở suốt cả ngày lẫn đêm, đồng thời đôn đốc sửa chữa dọn dẹp. Bởi thế, đã có một chuyện vui được kể lại, đó là một khách đến cơ quan hỏi người bảo vệ: “Anh là bảo vệ ở đây, cho tôi gặp giám đốc”. Người bảo vệ vừa cười vừa trả lời: “Bảo vệ là tôi mà giám đốc cũng là tôi!”. Lúc ấy, người khách mới ngã người biết hóa ra người đang đứng trước mặt chính là giám đốc Vũ Cao - tác giả của bài thơ Núi đôi nổi tiếng.

Trụ sở Nhà xuất bản Hà Nội hiện nay.
Cây đa trong khuôn viên số 4 ngày ấy khá to, gốc của cây đa được cắm đầy chân hương, dưới đất phủ nhiều lớp tro vàng mã, tiền giấy. Buổi ban đầu ấy, công việc đầu tiên của Nhà xuất bản Hà Nội chưa phải là in sách mà là xoá đi một tụ điểm, bói toán và dọn dẹp, sửa chữa lại trụ sở. Gốc đa bây giờ vẫn to nhưng tán đa đã hẹp lại bởi mỗi lần xây dựng mở rộng trụ sở cành đa lại bị cắt tỉa, các tán đa không còn không gian để vươn cành, bám rễ. Hàng năm cơ quan thuê một chuyên gia nông nghiệp chăm sóc để cây xanh mát.
Theo thăng trầm lịch sử, từng ngôi nhà đến con phố nhỏ này có nhiều thay đổi, nhiều nhà tầng được xây dựng và trụ sở số 4 ngày ấy trên diện tích đất gần 300m2, qua nhiều lần cải tạo, đặc biệt là đợt tu sửa lớn cuối năm 2001 đã mang diện mạo như hiện nay là ngôi nhà 3 tầng khang trang với tổng diện tích sử dụng chừng 500-600m2 xây dựng.
Trong một khuôn viên còn chật chội, nhưng với cơ ngơi khang trang, trang thiết bị được đầu tư như hiện nay đã tạo nên sự yên tâm công tác cũng như động lực phấn đấu của toàn thể cán bộ công nhân viên Nhà xuất bản Hà Nội. Đang ở tuổi 35 đầy sức sống, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, biên tập viên Nhà xuất bản đã luôn phát huy những thành quả đạt được, đồng thời không ngừng đổi mới toàn diện các hoạt động xuất bản, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, để luôn xứng tầm là nhà xuất bản duy nhất của Thủ đô.
Đàm Ly
Nhà xuất bản Hà Nội