Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 26/11/2014 09:27
Võ đường của những người... “học lười, chơi giỏi”
"Mình vẫn thầm cảm ơn nhà trường đã mời võ sư Hoàng Thanh Phong của Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong về làm giáo viên dạy thể dục. Được thầy rèn luyện, chỉ bảo mình đã thay đổi tích cực để trở thành người có ích…”
 
 Các bạn trẻ say sưa luyện tập võ thuật tại võ đường Thanh Phong.
 
Đây là tâm sự của Nguyễn Thế Quang, thành viên Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong (thuộc Hội LHTN Việt Nam quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Không chỉ Quang mà rất nhiều học sinh,  thanh niên có cá tính, thậm chí ngỗ ngược  đã thay đổi tích cực với võ thuật cổ truyền Việt Nam.
 
Không còn ngổ nghịch
 
Cái tên Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh phong hay được gọi đơn giản là võ đường Thanh Phong  đã trở nên vô cùng quen thuộc với thanh thiếu nhi và nhân dân Thủ đô nhiều năm nay. Bởi từ trường mầm non đến đại học, từ phường đến xã  trên địa bàn thành phố Hà Nội đâu đâu cũng có các bạn thanh thiếu niên say mê luyện võ. Từ võ đường, tinh thần thượng võ còn hấp dẫn cả các cụ già.  Dưới sự hướng dẫn của tập thể  huấn luyện viên võ đường Thanh Phong, 100 hội viên Câu lạc bộ Sức khỏe Ngoài trời quận Ba Đình đã giành được Huy chương vàng tại Giải võ thuật cổ truyền Hà Nội lần thứ 28 với bài biểu diễn “ Mai hoa Tứ lộ” và Tứ linh đao.
 
Võ sư Hoàng Thanh Phong- Chủ nhiệm Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong được biết đến là người có công lớn gây dựng và phát triển phong trào võ thuật, nhất là phong trào võ thuật học đường, nhằm đưa đến cho các bạn trẻ Thủ đô một sân chơi lành mạnh bổ ích. Từ Câu lạc bộ Giáo dục mở ở đường Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) võ sư Thanh Phong đã phát triển thành Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong với hơn 50 cơ sở trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội. 
 
Trong đó, võ thuật được đưa vào 40 trường từ mầm non đến đại học. Đặc biệt, tại một số trường như:  tiểu học Ba Đình, THCS Nguyễn Công Trứ, THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng… võ thuật cổ truyền đã trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh trong các giờ học thể chất. Võ thuật ngày càng được nhiều học sinh lựa chọn tập luyện vào các giờ học ngoại khóa.
“Người học võ có cái tôi rất lớn nhưng học được võ sẽ rèn luyện sức khỏe, rèn luyện ý chí và lòng tự hào dân tộc. Học võ thuật cũng là học để chiến thắng bản thân” – võ sư Hoàng Thanh Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong chia sẻ.
 
Vì vậy, bất kì ai cũng có thể trở thành thành viên của Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong. Đặc biệt càng những học sinh ngỗ ngược, cá tính, “học lười chơi giỏi”, ban chủ nhiệm câu lạc bộ càng khuyến khích tham gia” – Võ sư Thanh Phong nói.

 
Rèn luyện ý chí
 
Trở thành thành viên của câu lạc bộ không khó nhưng các môn sinh khi mới nhập môn phải thuộc 6 điều võ đường đề ra. Đó là: “Phải tôn sư trọng đạo; Phải nhân ái đoàn kết; Phải giữ gìn kỷ luật; Không khen mình chê người; Không thắng kiêu bại nản; Không sinh tâm đạo tặc”. 
 
“Các môn sinh phải học võ đức chúng tôi mới dạy võ thuật. Bởi học võ là để giúp người giúp mình, phân biệt đúng sai, tốt xấu chứ học võ không phải để cậy thế ức hiếp người khác” – anh Thanh Phong cho biết.
 
Vì vậy, câu lạc bộ đã đào tạo được không ít những “cao thủ” cho các đội tuyển võ thuật của Việt Nam như:  võ sĩ Nguyễn Viết Châu, Nguyễn Ngọc Mỹ, Trịnh Trung Hải, Nguyễn Bá Long… Trong đó, Nguyễn Bá Long từng là học sinh lớp 10G trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nổi tiếng nghịch ngợm đã được các huấn luyện viên trong câu lạc bộ đào tạo, phát triển tài năng và trở thành vận động viên xuất sắc giành nhiều huy chương vàng trong nước và thế giới môn pencak silat.
 
“Cá tính” có tiếng nhưng Nguyễn Thế Quang, học sinh trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng  cũng nhanh chóng được các thầy trong câu lạc bộ “thuần phục”.  Quang kể: “Mình vẫn thầm cảm ơn nhà trường đã mời võ sư Hoàng Thanh Phong của Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong về làm giáo viên dạy thể dục. Được thầy rèn luyện, chỉ bảo mình đã thay đổi tích cực để trở thành người có ích hơn”.
 
Hiện, Thế Quang vẫn tiếp tục sự nghiệp võ thuật, anh là một trong những huấn luyện viên của câu lạc bộ thường xuyên đi giảng dạy cho sinh viên  Học viện An ninh nhân dân, lực lượng Kiểm lâm Việt Nam… Không chỉ Thế Quang, Nguyễn Tuyết Ly (học sinh trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng) cũng đang là một trong những giáo viên nhiệt huyết của trường THCS Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Chị không chỉ truyền niềm đam mê võ thuật đến các em học sinh mà còn dạy cho các em lòng tự hào dân tộc, sống có trạc nhiệm với cộng đồng.
 
Hiện nay, Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong tiếp tục  tập trung phát triển câu lạc bộ võ thuật ở  trường học, các phường, xã trên địa bàn Thủ đô nhằm tạo sân chơi cho thanh thiếu niên nhất là trong dịp nghỉ hè được. Việc làm này đã góp phần truyền bá tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam. Vì vậy, từ 2008 Hiệp hội CLB Unesco Việt Nam tặng bằng khen cho Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong vì  có thành tích trong công tác bảo tồn và phổ biến võ học Phương Đông, góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng, giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc.  
 
Câu lạc bộ võ thuật võ đường Thanh Phong cũng vừa được Trung ương Hội LHTN Việt Nam khen thưởng tại Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VI.


Thành Nam

(Theo tuoitrethudo.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)