Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 27/11/2014 09:10
Khóc với bản quyền

Tình trạng xâm phạm tác quyền nghệ thuật ở Việt Nam vẫn ở tình trạng báo động đến mức trắng trợn, đặt ra cho chúng ta một câu hỏi “liệu những quy định của pháp luật đã đủ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả.


So sánh bìa sách gốc và bìa sách vi phạm bản quyền đang bán tại các nhà sách. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.
So sánh bìa sách gốc và bìa sách vi phạm bản quyền đang bán tại các nhà sách. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

Phổ biến

Các phương tiện truyền thông hầu như không khi nào không bàn đến những lùm xùm về vấn đề liên quan bản quyền.

Nằm trong sự “bát nháo” về vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật hiện nay, vi phạm bản quyền nhiếp ảnh là tràn lan trên diện rộng. Mang tính chất đặc thù và phổ biến nên việc đạo bản quyền nhiếp ảnh là dễ dàng hơn đạo các tác phẩm văn học, sân khấu.

Trao đổi với báo chí Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội Đặng Đình An cho biết: “Việc vi phạm tác quyền trong nhiếp ảnh hiện nay rất phổ biến, bởi vì chỉ cần lấy ảnh chép sang các dạng nghệ thuật khác như tranh vẽ, tranh gốm, in vào đĩa hoặc tranh sơn mài…

Có lẽ vì thế mà bức tranh “Non nước Ba Vì” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quốc Ân được sao chép và bày bán tràn lan mà không được phép của tác giả. Việc xâm phạm bản quyền về tranh ảnh diễn ra khá tràn lan và việc bảo vệ tác quyền đối với tranh và ảnh cũng bị coi nhẹ, hầu như không bị xử lý. Thậm chí, những người liên quan vẫn còn coi là “chuyện nhỏ”, mức phạt vẫn còn quá nhẹ nên thiếu hẳn tính răn đe, nên vẫn thản nhiên vi phạm một cách trắng trợn.

Ngoài hiện tượng xâm phạm bản quyền, tranh, ảnh, việc làm sách giả, sách lậu cũng đang là vấn nạn của ngành xuất bản Việt Nam, khiến cho các nhà xuất bản, công ty sách bị thiệt hại nặng nề, nhà quản lý đau đầu.

Đơn cử vụ việc liên quan cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 của NXB Lao động – Xã hội in hình ảnh cắt ghép của nghệ sĩ Công Lý với hình ảnh phản cảm, đã khiến dư luận hết sức bất bình.

Tình trạng vi phạm bản quyền không chỉ diễn ra đơn thuần ở các loại hình như tranh, ảnh, sách, mà nó còn thường xuyên diễn ra trong lĩnh vực âm nhạc và  không bị giới hạn trong phạm vi biên giới quốc gia.

Một trong những nguyên nhân khiến sách lậu bùng phát chính là việc thực hiện bản quyền tác giả ở Việt Nam chưa hiệu quả, các khâu quản lý kiểm duyệt vẫn làm theo kiểu được chăng hay chớ.

Rất nhiều cuốn sách đã được các nhà xuất bản (NXB), công ty sách mua bản quyền, nhưng có khi sách thật còn chưa bán thì sách lậu, sách nhái đã xuất hiện trên thị trường.

Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Berne về “Bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật”, cam kết với thế giới về việc xây dựng và tuân thủ các biện pháp bảo hộ quyền tác giả, đấu tranh chống nạn vi phạm quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhưng điều đáng buồn là tình trạng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta vẫn diễn ra như cơm bữa.

Trên thực tế, còn nhiều bất cập, nhiều vụ vi phạm bản quyền ở hầu hết các lĩnh vực: Xuất bản, báo chí, âm nhạc, văn học nghệ thuật, chương trình máy tính…

Gần đây, trong lĩnh vực xuất bản, nhiều sách dạy và học tiếng Anh được sao chụp dưới dạng sách in lại, dịch và photo bất hợp pháp; nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và hội họa, văn học bị sao chép lộ liễu; các chương trình truyền hình bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên các trang web trực tuyến…

Đáng lưu ý, những vi phạm trên mạng Internet hiện nay chưa thể kiểm soát được. Việc xử lý vi phạm vì thế chỉ mang tính chất tình thế, nhỏ lẻ.

Nhưng nhiều nhất có lẽ là âm nhạc, gần đây nhất là ca sĩ Sơn Tùng M-TP đạo nhạc khi sáng tác ca khúc Chắc ai đó sẽ về, cụ thể là lấy beat bài Because I Miss You của Jung Yong Hwa (thành viên nhóm CNBLue).

Nghi án đạo nhạc như ca khúc Chờ người nơi ấy là ca khúc trong bộ phim Mỹ nhân kế của nhạc sĩ Huy Tuấn với ca khúc Vitas Opera #1, một tác phẩm nước ngoài... 

Có thể nhận thấy nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc từ thiếu nhận thức đúng đắn và đầy đủ, thiếu ý thức chính trị; pháp luật chưa đầy đủ, hình phạt và mức hình phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, thiếu quan tâm tới đấu tranh phòng chống tội phạm quyền Sở hữu trí tuệ.

Tăng cường tuyên truyền

Ngay sau khi một loạt những lùm xùm về vấn đề bản quyền, ngày 20/11 vừa qua, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) tổ chức hội nghị tập huấn các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan cho rằng, việc xử lý vi phạm bản quyền tại Việt Nam còn nhỏ lẻ, tình thế chưa đủ sức răn đe.

Bà Trần Thị Trường - Phó giám đốc khu vực phía Bắc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhận định: “Các văn bản pháp luật của nhà nước quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đều rất đầy đủ, cập nhật tình hình thế giới, nhưng đưa vào thực tế quả không dễ dàng, ngay đối với những cơ quan quản lý chứ chưa nói đến xã hội.

Có nhiều người không biết luật đọc như thế này nhưng thi hành như thế nào. Những người sử dụng sản phẩm liên quan quyền tác giả, quyền liên quan thì họ rất hiểu. Mà trả tiền bản quyền thì chẳng ai muốn, trong khi các nhà quản lý không hiểu thì họ lách”.

Có lẽ việc cần làm không chỉ là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, mà phải có chế tài xử phạt tăng nặng với giá trị cao hơn giá thị trường mà sản phẩm vi phạm thu được mới mong đạt được hiệu quả.

Chúng ta đang sống trong xu thế toàn cầu hoá với công nghệ ngày càng tiên tiến, mọi hoạt động sáng tạo đều đưa đến sự gia tăng của các loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật đa phương tiện. Cộng thêm sự phát triển của các cách thức truyền đạt mới khiến cho các tác phẩm đến với công chúng một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn và kéo theo việc xâm phạm bản quyền cũng đa dạng và phổ biến hơn.

Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền sẽ vẫn đặt trên vai các chủ thể quyền và nhà chức trách.

Quang Hiệp

(Theo tienphong.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)