Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 29/11/2014 08:46
Bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII: Giữ nguyên ba mức tín nhiệm
Chiều 28.11, Quốc hội (QH) đã họp phiên bế mạc. Trước đó, QH đã tập trung thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó, hai dự thảo nghị quyết được QH thông qua là lấy phiếu tín nhiệm và đổi mới chương trình, SGK nhận được phần đông số phiếu tán thành, mặc dù trước đó có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh các vấn đề này.
 
 
Vẫn giữ ba mức tín nhiệm
 
Tại phần đầu của phiên bế mạc Quốc hội chiều 27.11, QH thông qua Dự thảo Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Một trong những nội dung quan trọng được thông qua là từ nhiệm kỳ sau, QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ và vẫn giữ nguyên 3 mức độ tín nhiệm là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Dự thảo NQ nhận được 405 trong tổng số 453 ĐB tham gia biểu quyết, chiếm 82,49%.
 
Trước đó, tại phiên thảo luận hội trường về nghị quyết này, đại đa số ý kiến thảo luận trong số 23 ý kiến đã đề nghị lấy phiếu hai lần một nhiệm kỳ vào năm thứ hai và thứ tư. Đồng thời chỉ để hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Về điều này, báo cáo giải trình của UBTVQH chiều nay cho rằng, việc lấy phiếu một lần có thuân lợi là kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm, là cơ sở quy hoạch nhân sự cho khóa tiếp, vì thế nên giữ nguyên thời hạn lấy phiếu mỗi nhiệm kỳ một lần vào cuối năm thứ hai hoặc đầu năm thứ ba của toàn nhiệm kỳ. Về đề nghị nên để hai mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, lý lẽ mà UBTVQH đưa ra là ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp làm phân định rõ tính chất khác nhau, xác định hệ quả, xem đây là bước chuẩn bị đối với người giữ chức vụ. Qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm qua, UBTVQH cho rằng về cơ bản đã phản ánh sự đánh giá thận trọng, công tâm của ĐBQH đối với người được lấy phiếu. Đây là sự động viên, khích lệ tích cực để người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đồng thời cảnh báo giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác.
 
Một điểm mới của lần sửa đổi này là nội dung kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của người lấy phiếu được bổ sung. Hệ quả đối với người không được tín nhiệm cũng đã được chỉnh lý. Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
 
Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK
 
Cũng tại phiên bế mạc, QH dành thời gian thông qua Dự thảo NQ về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó, dự thảo NQ khẳng định bộ GDĐT sẽ tham gia tổ chức biên soạn một bộ SGK, trong khi trước đó, nhiều ĐBQH cho rằng bộ này không nên tham gia biên soạn SGK, mà chỉ thẩm định, để đảm bảo tính công bằng khi xã hội hóa viết SGK. Tuy nhiên, UBTVQH vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Theo ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh-thiếu niên và nhi đồng của QH - việc xã hội hóa biên soạn SGK là định hướng đúng nhưng cần có bước đi thận trọng, vững chắc, tránh rủi ro quyền lợi của học sinh, đồng thời phải để Nhà nước chịu trách nhiệm, hạn chế tiêu cực nảy sinh. “Để chủ động cho chương trình đào tạo chung, bộ GDĐT nhận tổ chức biên soạn một bộ SGK nhằm đảm bảo an toàn, quyền lợi của học sinh và cơ sở giáo dục, làm đúng chức năng nhiệm vụ. Bộ không trực tiếp biên soạn mà chỉ chỉ đạo, tổ chức thực hiện” - ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
 
Mặc dù có nhiều ý kiến băn khoăn về kinh phí thực hiện đề án chưa rõ khái toán, dù theo lộ trình nhưng vẫn phải chi tiếp, tăng thêm kinh phí, UBTVQH cho rằng đề án chỉ dự toán kinh phí xây dựng chương trình, biên soạn 1 bộ sách, thẩm định chương trình, SGK, tập huấn giáo viên, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị GD và đổi mới đào tạo bồi dưỡng thường xuyên GV theo yêu cầu mới. Cơ quan này cam kết sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện kinh phí, trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho vùng khó khăn, biên giới hải đảo. Dự thảo nghị quyết cũng thống nhất xây dựng một chương trình, nhiều bộ sách mềm dẻo, phù hợp với từng vùng miền và với xu thế chung của các nước phát triển cao nền giáo dục. Dự thảo NQ nhận được 397 trong tổng số 450 ĐB tham gia tán thành, chiếm 79,88%. Có 42 ĐB không tán thành.
 
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định kỳ họp đã hoàn thành tốt đẹp dù khối lượng công việc khá lớn: Thông qua 18 luật, 11 NQ và 12 dự án luật khác. “Với các nội dung NQ đã được thông qua, Quốc hội giao UBTV, các cơ quan của QH, Chính phủ và các cơ quan tổ chức hữu quan chuẩn bị điều kiện đảm bảo thi hành các điều luật, đồng thời tiếp tục có giải pháp giải quyết hến 3.729 ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp” - ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Ông cũng đánh giá cao kết quả lấy phiếu tín nhiệm, cho rằng kết quả nghiêm túc, công tâm, khách quan và chính xác, được đồng bào cả nước tin tưởng ủng hộ, đồng thời giúp các vị được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm để tiếp tục rèn luyện năng lực, đạt hiệu quả công việc tốt nhất năng lực, hiệu quả công tác.
 
Ý kiến đại biểu quốc hội

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Dân chủ trong nghị trường được thể hiện rất tốt
 
Theo tôi, kỳ họp này chất lượng tốt hơn những lần trước rất nhiều. Theo đó, chương trình kỳ họp lần này có sự bố trí khoa học, thích hợp hơn ở những lần trước. Bên cạnh đó, trong chương trình họp lần này còn có sự linh động trong điều hành của Thường vụ Quốc hội (QH), cụ thể QH đã bố trí những nội dung cần phải nhiều thời lượng thì đã khá hơn lần trước, ví dụ như thảo luận về kinh tế - xã hội hay chất vấn các bộ trưởng thì thời lượng đã được tăng lên. Tuy nhiên, thời lượng để Thủ tướng trả lời chất vấn vẫn còn hơi ít. Ngoài ra, trong điều hành nội dung thì QH dành nhiều cho nội dung tranh luận trên nghị trường, tức là tần suất tranh luận nhiều hơn trước, đồng thời nội dung tranh luận được đưa ra thảo luận kỹ lưỡng, đi đến được những chân lý cuối cùng. Không những thế, những vấn đề khác nhau thì QH đều có lấy phiếu của đại biểu; đồng thời, thường vụ QH rất tôn trọng đại biểu QH và thể hiện dân chủ trong nghị trường rất là tốt.
 
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM): Thời gian chất vấn Thủ tướng chưa đáp ứng được nguyện vọng cử tri
 
Kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng và đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên có những điều tiếc như nếu phiên chất vấn có thời gian dài để cho Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của cử tri hơn. Thứ hai là, trong chương trình làm luật của kỳ này có rất nhiều luật, thông qua 18 luật, và cho ý kiến 12 luật. Tuy nhiên, trong đó có một số luật tuy kết quả biểu quyết thông qua đều quá bán, song tỉ lệ không cao, điển hình như Luật dạy nghề được thông qua với 55% số ĐBQH tán thành. Như vậy chất lượng công tác làm luật còn một số nội dung còn những ý kiến khác nhau không được tranh luận làm rõ vấn đề, đó chính là điều đáng tiếc. Thứ ba là, có nhiều nội dung quan trọng, đáng lẽ ra phải có ưu tiên về những nội dung mà có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu nhưng do khống chế thời gian nên nhiều đại biểu đăng ký rồi nhưng không phát biểu được.
 
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): Cần tập trung vào những vấn đề có tính cốt lõi
 
ĐB Cao Sỹ Kiêm đánh giá việc chuẩn bị văn bản cho kỳ họp này đã có nhiều tiến bộ. Chất lượng chất vấn, giám sát của đại biểu, kể cả về ý thức, trách nhiệm cũng đều được nâng lên. Tuy nhiên, ông Kiêm chưa hài lòng khi QH còn phải dành nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề đột xuất. Cụ thể, ĐB Cao Sỹ Kiêm cho rằng thời gian qua QH dành nhiều thời giờ cho vấn đề giải quyết những chuyện đột xuất, còn những vấn đề thể chế, những vấn đề có tính chất lâu dài, cặn kẽ, cốt lõi thì chưa làm được hết. Khi mà giải quyết những vấn đề bức xúc theo kiểu sở đoản như vậy, chỉ được một lúc thôi vì nó không có cơ bản, nền nếp và nó lại trở lại như cũ. Đáng nhẽ chúng ta phải giải quyết tận gốc vấn đề. Ví dụ như lĩnh vực kinh tế phải giải quyết được vấn đề cơ cấu, thể chế đã. Cứ thế này, thể chế thế này thì nó cứ bộc lộ những cái yếu kém, lộn xộn, rồi dập cái lộn xộn đó đi, khỏa lấp nó đi mà không giải quyết được những vấn đề lâu dài. “Giống như cái mụn nhọt, khi anh thấy mưng mủ, thay vì phải giải quyết tận gốc thì anh lại lấy thuốc rắc bên ngoài. Đúng là nó dịu ngay, nhưng bên trong vẫn còn mưng mủ, rồi nó sẽ bật ra thôi” - ông Kiêm ví dụ. Phi Long (ghi)
 
 
Dương Hà
 
(Theo laodong.com.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)