Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 29/11/2014 11:27
Bản khai sinh Nhà xuất bản Hà Nội

Ngày 24 tháng 11 năm 1979, Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết số 1643/NQ-TU về việc chuyển Nhà xuất bản Hà Nội do Sở Văn hóa - Thông tin quản lý thành nhà xuất bản hoạt động độc lập, chuyên ngành và trực thuộc Thành ủy. Bản nghị quyết này được xem như bản khai sinh của Nhà xuất bản Hà Nội.

 
Sau chiến thắng lịch sử 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới: cả nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Toàn bộ các hoạt động xã hội, trong đó có xuất bản, đều chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng.
 
Tháng 10 năm 1976, Nhà xuất bản Thăng Long được thành lập trên cơ sở phòng Xuất bản thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, với biên chế ban đầu là 5 cán bộ công nhân viên. Đến tháng 10 năm 1977, để phù hợp với bước phát triển của phong trào văn hóa - văn nghệ thành phố, Nhà xuất bản Thăng Long được đổi tên là Nhà xuất bản Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, trụ sở trong khuôn viên 47 Hàng Dầu. Lúc này, Nhà xuất bản có biên chế 16 người, trong đó có 10 biên tập viên, do ông Bùi Hạnh Cẩn làm Giám đốc.
 
Việc ra đời của một nhà xuất bản đã chứng tỏ vai trò và vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong công cuộc phát triển văn hóa - văn nghệ ở Thủ đô. Tuy nhiên, trong những năm đầu, phần do tôn chỉ mục đích chưa rõ ràng, phần do cán bộ quản lý bỡ ngỡ nên hoạt động của nhà xuất bản kém hiệu quả, hai năm chỉ xuất bản được 13 đầu sách. Nhà xuất bản Hà Nội mới thành lập đã đứng trước khó khăn về định hướng phát triển và công tác tổ chức cán bộ.
 
Kết thúc nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa VI (1974 - 1977), chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Hà Nội khóa VII (1977 - 1980), Bộ Chính trị về làm việc với Hà Nội, đề ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới: Hà Nội phải là tấm gương tiêu biểu của cả nước, cả nước vì Hà Nội. Một số cơ quan làm công tác tư tưởng được chính thức thành lập để phục vụ tốt hơn cho công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa của Thủ đô.
 
Nghị quyết 1643/NQ-TU nêu rõ:
 
1- Chuyển Nhà xuất bản Hà Nội thuộc Sở Văn hóa - Thông tin đang quản lý hiện nay thành Nhà xuất bản Hà Nội do Thành ủy trực tiếp lãnh đạo, dưới sự quản lý thống nhất của ủy ban nhân dân Thành phố.
 
2- Nhà xuất bản Hà Nội là cơ quan chính trị, tư tưởng văn hóa của Đảng bộ Thành phố. Nhà xuất bản Hà Nội là một nhà xuất bản tổng hợp, có nhiệm vụ xuất bản các loại sách và tài liệu về chính trị, quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật và các xuất bản phẩm khác phục vụ cho yêu cầu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng bộ Thành phố.
 
3- Ban Tuyên huấn Thành ủy có nhiệm vụ giúp Thành ủy quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của Nhà xuất bản, chỉ đạo về phương hướng xuất bản, kế hoạch đề tài, kiểm tra nội dung xuất bản phẩm và công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là công tác bồi dưỡng chính trị, nâng cao phẩm chất cho cán bộ biên tập của Nhà xuất bản.
 
4- Sở Văn hóa và Thông tin có nhiệm vụ hướng dẫn Nhà xuất bản thực hiện các chế độ, chính sách xuất bản theo đúng luật lệ, quy định của Nhà nước và giúp đỡ Nhà xuất bản thực hiện kế hoạch xuất bản, in, phát hành, giới thiệu sách và vận động quần chúng đọc sách.
 
5- Nhà xuất bản Hà Nội là đơn vị kinh tế hạch toán độc lập, bảo đảm chế độ quản lý kinh tế tài chính, sớm đi tới cân bằng thu chi và có thể lãi, đồng thời phấn đấu hạ giá thành sản phẩm.
 
- Về mặt tài vụ ngân sách: Sở Tài chính giúp ủy ban nhân dân Thành phố hướng dẫn kiểm tra hoạt động của Nhà xuất bản Hà Nội như đối với các ngành, sở khác của Thành phố.
 
- Sở Quản lý nhà đất thành phố có nhiệm vụ phân bổ cho Nhà xuất bản Hà Nội một trụ sở để làm việc và giao dịch công tác.
 
6- Thành lập Ban Biên tập là cơ quan lãnh đạo của Nhà xuất bản Hà Nội, gồm một Giám đốc kiêm Tổng Biên tập và một số phó giám đốc và ủy viên.
 
Nhà xuất bản Hà Nội sẽ tổ chức các phòng biên tập và nghiệp vụ cần thiết.
 
Các Ban Tuyên huấn và Ban Tổ chức Thành ủy có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề tổ chức, biên chế nhân sự cụ thể của Nhà xuất bản Hà Nội sớm trình với Thường vụ Thành ủy để ra quyết nghị.
 
7- Nghị quyết này thay thế Nghị quyết trước về Nhà xuất bản Hà Nội.
 
Sau khi có Nghị quyết số 1643/NQ-TU, toàn bộ ban giám đốc cũ của Nhà xuất bản được điều động làm công việc khác. Có thể nói, Nhà xuất bản Hà Nội, với một vị thế và vai trò mới, một cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động mới đã chính thức được thành lập. Vì lẽ đó, ngày 24 tháng 11 năm 1979 được chọn làm ngày truyền thống của Nhà xuất bản Hà Nội, và từ đây Nhà xuất bản Hà Nội chính thức gia nhập ngành xuất bản với vị thế là một nhà xuất bản hoạt động độc lập, chuyên nghiệp duy nhất của Thủ đô.
 
 
Phòng Biên tập
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)