Điều rất đáng mừng, đó là kết quả lấy phiếu tín nhiệm đáp ứng được sự tin cậy của cử tri, như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Với ý thức trách nhiệm cao và sự chuẩn bị chu đáo, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác. Kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác”.
Ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm chính là ở chỗ, người được lấy phiếu trông vào kết quả để làm tấm gương soi cho chính mình. Năng lực quản lý điều hành của bản thân, nếu không có sự “định giá” bằng lá phiếu, thì sẽ không có cơ hội cho biết mình là ai, tất nhiên là trong tạm thời. Lá phiếu tín nhiệm là động lực để từng cán bộ lãnh đạo phấn đấu, gắn danh dự cá nhân vào trách nhiệm chung.
Nói là tạm thời bởi vì có thể lần lấy phiếu tín nhiệm này thấp, nhưng lần sau sẽ cao hơn hoặc ngược lại. Cho nên, đối với những người có phiếu tín nhiệm thấp, chắc chắn sẽ nỗ lực để cải thiện thứ hạng trong lần lấy phiếu tới. Sự cạnh tranh lành mạnh trong lấy phiếu tín nhiệm sẽ thúc đẩy cho các ngành cùng vươn lên, tạo ra các giá trị mới, bản thân mỗi vị lãnh đạo sẽ suy nghĩ, sáng tạo, tìm ra những chính sách đạt hiệu quả cao hơn.
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã tạo dấu ấn và có sức lan tỏa ngay lập tức. Kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hà Nội từ ngày 2 - 6.12, sẽ có 15 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Kỳ họp HĐND TPHCM từ ngày 9-12.12, sẽ lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh lãnh đạo. Chắc chắn hoạt động lấy phiếu tín nhiệm sẽ tác động đến sự nỗ lực của từng cá nhân, tạo những chuyển biến tích cực trong các ngành, từ đó sẽ có thay đổi chung của địa phương.
Một điều không được cử tri hài lòng là có nhiều phiên họp đại biểu vắng mặt quá nhiều. Bảng điện tử hiển thị cho thấy có phiên vắng đến 25% đại biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu than phiền : “Mấy phiên gần đây số đại biểu vắng họp nhiều quá”. Đáng buồn hơn, như Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra: “Có tình trạng đại biểu bấm hộ người khác”.
Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, giữ chức vụ cao ở các cơ quan Đảng, Chính phủ, cho nên có nhiều công việc cấp thiết phải giải quyết. Tuy nhiên, vắng mặt quá nhiều cho thấy trách nhiệm của một số đại biểu Quốc hội chưa cao.
Dân không bầu ra đại biểu Quốc hội để vắng mặt trong các buổi họp Quốc hội.