Từ chối trả lời phỏng vấn liên quan đến vấn đề dịch thuật, nhưng dịch giả Phạm Nguyên Trường (SN 1953, tên thật: Phạm Duy Hiển, giải thưởng Dịch thuật 2012 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) đồng ý cho phép chúng tôi trích các ý kiến trong trang mạng xã hội của ông về vấn đề sách dịch và dịch sách tại Việt Nam hiện nay. Theo ông Trường, dịch thuật có ba nguyên tắc “cứng”: Từ đổi từ, dịch nghĩa, dịch văn phong trong đó sáng tạo như thể tôi muốn dịch vậy. Dịch thật hay chưa hẳn đã tốt, vì người dịch như vậy chỉ là kẻ theo đuôi xuất sắc mà thôi. Một người sáng tạo vụng về còn hơn người chỉ là cái bóng khéo léo. “Trong mọi trường hợp, khi khó dịch, hãy cứ thận trọng từ đổi từ. Còn người đọc thông minh phải biết liên kết lại. Người đọc đừng đòi hỏi hay và đúng quá, bởi đó là cách ăn sẵn kiểu vua chúa, cứ muốn người ta dọn sẵn ra hết cho mình. Đòi hỏi đúng nhiều quá trong bản dịch là thiếu bao dung” - ông Trường đưa ra quan điểm của mình.
Một điều tra “bỏ túi” của chúng tôi cho thấy: Trước tình cảnh nhiều sách ngoại bị dịch thảm như hiện nay, không muốn để những cuốn sách dịch thảm trở thành những vật trang trí xa hoa và vô dụng trên kệ sách gia đình, để tiết kiệm ngân quỹ gia đình, có nhiều độc giả sau khi bị trở thành nạn nhân của một số sách bị dịch sai, hỏng, muốn trở thành độc giả thông minh đối với mảng văn học dịch, chỉ còn biết đối phó bằng cách thụ động “vui vui” như sau: Thỉnh cầu, mong mỏi dịch giả dịch đúng, hay; tẩy chay, thôi, không đọc sách. Chỉ còn biết ao ước là có một khả năng… siêu nhiên như của một số nhân vật trong bộ phim siêu nhân họ từng xem, có mắt thần, hay tay thần, chỉ cần nhìn, chạm tay vào cuốn sách dịch nào, là biết ngay chất lượng hay - dở, để quyết định mua hay không mua sách. Hay “bạo động” là cùng nhau lập hội bảo vệ quyền lợi độc giả khi mua phải một cuốn sách dịch sai, dịch “rởm”.
Một số giải pháp thiết thực
Cách nay chừng một tháng, một số người quan tâm tới văn học dịch và mong muốn làm trong sáng văn học dịch, đã cùng nhau lập một trang mang tên “Dọn vườn dịch”. Song, việc “dọn vườn” mặc dù có tác dụng thiết thực, nhưng sẽ rất nhọc sức nếu chỉ thực hiện các vụ theo lối lẻ tẻ - vạch ra cái sai trong từng cuốn sách. Về lâu dài, một số bạn đọc cho rằng, những ai còn quan tâm, chú trọng tới việc dịch, truyền bá văn học dịch không thể không bàn tới vấn đề thành lập Hiệp hội dịch thuật Việt Nam hoạt động độc lập, không dựa vào tiền của Nhà nước trong hoàn cảnh hiện nay đã được đặt ra và hiệp hội này có thể tham khảo “Quy ước đạo đức” của Hiệp hội dịch thuật Mỹ.
Ngõ hầu “dọn rác” trong chuyện sách dịch - dịch sách nói chung, thiết nghĩ, cũng có thể tham khảo đề xuất dưới đây của Thiên Lương: Trước mắt, các đơn vị xuất bản cần nhận thức được sự yếu kém của bản dịch của mình và có thái độ cầu thị hơn, hoặc là mời các nhóm dịch giả đến chỉnh sửa lại các bản dịch tai tiếng, hoặc chia sẻ bản quyền dịch cho các nhà sách khác.
Nói chung, bước đầu tiên cần làm là nhà sách nên thu hồi các bản dịch thảm hoạ và sửa lỗi trong các lần tái bản, sau đó các NXB nên chia sẻ bản quyền để thị trường có nhiều bản dịch khác nhau, cho người đọc có quyền lựa chọn. Các kiệt tác văn chương, triết học là đỉnh cao của tri thức, không thể đẩy bạn đọc vào một “đống rác văn hóa dịch” như hiện nay, do đó, kiệt tác phải được dịch lại hoàn toàn. Tính đường xa, các đơn vị làm sách nếu thật sự quan tâm đến sách chứ không chỉ quan tâm đến tiền, thì có thể bán lại, chia sẻ bản quyền bản dịch cho các nhà sách khác, dịch giả khác. Một tác phẩm lớn có nhiều bản dịch là chuyện bình thường…”.