Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 04/12/2014 09:57
Bầm ơi có rét không bầm?

Vụ gặt lại trùng vào những ngày đầu đông. Cái lạnh chưa hẳn đã “cắt da cắt thịt” nhưng cũng đủ để làm người nông dân rùng mình khi sục chân xuống ruộng xâm xấp bùn nước. Tôi về thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai (Hà Nội) để góp thêm một nhân lực thu hoạch gọn mấy sào lúa đã chín, chạy những cơn mưa đón rét đang rình rập.

 
Buổi sáng, ngoài đồng hầu như chỉ thấy người già làm việc. Thửa bên cạnh, có hai vợ chồng già đang lầm lũi gặt lúa. Họ đều đã ngoài 70 tuổi. Tôi cũng tranh thủ giúp hai ông bà được đôi chút. Sự ghé tay san sẻ công việc của một chàng trai trẻ khỏe, dường như đã tạo cho họ chút hứng khởi, vui vẻ rất khó diễn tả. Họ nói chuyện với tôi rất thân thiện. Và, nụ cười móm mém của cụ ông vẫn đeo bám tôi cho đến khi về thành phố.
 
Bà Phục đang thu hoạch lúa
 
Ông bà tên Phục (gọi theo tên con cả) có 3 người con trai. Họ đều thoát ly đi làm ăn xa, người làm công nhân tại khu công nghiệp ở Bình Dương, người buôn bán ở Quảng Ninh, người lại đang mải miết mưu sinh ở Hà Nội, để lại 5 sào ruộng cho bố mẹ chăm sóc. “Không thể bỏ đất trống được, xót lắm. Ông bà còn có sức còn làm được” - ông Phục nói qua tiếng thở khó nhọc mỗi khi cua một đường liềm ngang cây lúa.
 
Ông Phục đang thu hoạch lúa
 
Thời tiết chuyển lạnh với những cơn mưa thất thường đem thêm hơi gió và cái rét hun hút trên những thửa ruộng phần trăm. Những người già như ông bà vẫn phải rướn sức để hoàn thành công việc gặt chạy mưa. Đây là công việc mà đến sức người trẻ như tôi mà còn vừa làm vừa thở hơi tai mới kịp.

Nhìn ông bà bê từng bó lúa, tôi cảm thấy chính bản thân mình là người mắc lỗi.  Ông bà đã đến tuổi “xưa nay hiếm”, lẽ thường đã là tuổi được an dưỡng, nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu… Vậy mà thực tế, họ vẫn phải gồng mình lên để gánh vác những công việc, mà lẽ ra, phải là nghĩa vụ của những lao động trẻ.

Trên những thửa ruộng mùa gặt là những gương mặt người già lầm lũi làm thay công việc của con cái đang mải miết bon chen, mưu cầu hạnh phúc ở những đô thị phồn hoa. Hình ảnh ấy, khiến tôi - một kẻ cũng ra đi từ chân rạ ruộng quê, chợt bùi ngùi, chạnh lòng nhớ cha mẹ ở quê và nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết từ những năm 60 của thế kỷ trước “Bầm ơi có rét không bầm?” (Bầm ơi - Tố Hữu).

Ở thôn quê chỉ còn người già và trẻ nhỏ!

Gia đình bạn tôi không phải là ngoại lệ. Tôi đã đi không ít nơi và đều nhận thấy tình trạng lao động chính ở nông thôn phần nhiều chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Lượng lao động trẻ ở nông thôn đã bị hút về các đô thị lớn và các khu công nghiệp. Chính điều này khiến cho kinh tế nông thôn ngày càng trở nên thiếu sức sống và kém phát triển.

Quê tôi một vùng duyên hải miền Trung cũng đang trong thực trạng ấy. Kinh tế các hộ gia đình gặp khó khăn. Một số cụ ông cụ bà đến già vẫn sống lầm lũi một mình, dẫn đến những cái chết thương tâm.

Cái chết của cụ Dần đến bây giờ nhiều người trong xã vẫn còn nhắc lại. Khi những đứa trẻ chăn trâu trong thôn bảo đã mấy ngày không thấy ông Dần cho trâu ra bãi. Người làng lo lắng đến nhà thì đã thấy mùi tử khí bốc ra. Cụ ngã và chết cạnh bếp từ hôm nào. Ngày cụ mất, trong nhà không còn lấy một hạt gạo.

Rồi bà Trạm sống bằng nghề mót lúa. Năm tháng tuổi già của bà là những buổi trưa đi hết cánh đồng này sang cánh đồng khác. Một trưa nọ khi đang ngồi ăn cơm, hai đứa cháu nghe tiếng nổ “bụp” thật khẽ trong bụng bà. Bát cơm ăn dở, bà chết giữa mâm vì bị bục dạ dày… Bà đau bụng đã lâu nhưng vẫn chịu đựng đến lúc chết.

Sau mỗi cái chết như vậy, người ta buồn và khóc nhiều cho số phận người già đơn thân, khi con cái đã chọn con đường tha hương kiếm sống. Và mỗi năm, lứa học sinh ở các vùng quê, chưa kịp lớn đã tấp tểnh ngong ngóng đến ngày hết lớp 9 để theo chân đám anh chị ra phố tìm việc.

“Giàu thôn quê không bằng ngồi lê kẻ chợ”.

Ra thành phố, phần lớn lao động trẻ ở nông thôn gia nhập vào những nhóm nghề dịch vụ, công việc lao động giản đơn không cần qua đào tạo nghề như: buôn bán nhỏ, giao hàng, bảo vệ, đánh giầy, khuân vác, giúp việc, bưng bê… Hoặc một bộ phận lao động nữ trẻ thường bị cuốn hút như có mê lực, ma lực vào những công việc dịch vụ khá nhạy cảm, nhiều tệ nạn như tiếp khách quán karaoke, quán bia, nhà hàng, lễ tân nhà nghỉ, cà-phê đèn mờ, mát-xa… Đương nhiên, ma lực của đồng tiền và kèm theo đó là biết bao cạm bẫy đang chờ họ, nhưng ma lực thì khó cưỡng!

Đưa ra một số câu phỏng vấn về cuộc sống và công việc của những người làm việc chân tay nặng nhọc ở thành phố thì câu trả lời nhận được tương tự là: “Cực lắm, lấy được đồng tiền của người ta đâu phải dễ”. Nhưng khi tôi căn vặn thêm: “Cực vậy sao không về quê?” thì tất cả đều cười và lắc đầu: “Về quê thì lấy gì mà sống, trên này vất vả mấy cũng còn có đồng ra đồng vào!”.

Đối với những lao động trong các công việc dịch vụ nhạy cảm, nhiều tệ nạn thì câu trả lời là: “Công việc cũng nhàn, chỉ tiếp khách, khách uống nhiều mình sẽ được thưởng phần trăm hoa hồng, hơn nữa còn được khách boa rất nhiều. Lương thì đáng mấy đâu, có hơn 2 triệu à. Nhưng có đêm được boa cả triệu bạc, hạn hữu có những đêm tiền boa còn hơn tiền lương cả tháng ấy chứ…”, Phạm Hương - nhân viên tiếp rượu quán bia Hải X. nổi tiếng Hà Nội cho hay.

Khi tôi hỏi: Chị tốt nghiệp đại học rồi sao không kiếm một việc đúng chuyên ngành đã học? Chị nói: “Làm bưng bê cho khách ở đây, mỗi tháng cũng có thu nhập từ 10- 15 triệu đồng, thời gian linh động nên có thể nhảy mấy quán liền, còn xin việc chị học ra đâu có dễ, mà nếu có xin được lương cũng không đủ sống”.

Theo tính toán của người viết, thì có một thực tế là nhiều ngành lao động dịch vụ phổ thông như hiện tại có thu nhập rất cao. Thậm chí hơn hẳn so với những công chức nhà nước đã qua đào tạo có bằng cử nhân hay thạc sĩ, tiến sĩ. Một thực tế bi hài, đó là những lao động trẻ nông thôn đang thiêu đốt tương lai trong những công việc dịch vụ rất nhạy cảm, phức tạp tại mọi hang cùng ngõ hẻm các đô thị phồn hoa, họ tự hào vì thu nhập của họ (từ tiền boa của khách) lên tới 40 – 50 triệu đồng/tháng!

Không qua đào tạo nhưng thu nhập cao, cao hơn những người được đào tạo và có học vấn. Thế thì, so với việc làm ruộng của cha mẹ/ông bà ở quê, thì đó là một phép so “không tưởng”.

Tính ngay như gia đình tôi có 8 sào lúa, mỗi năm làm hai vụ, năng suất trung bình mỗi sào 2,5 tạ, cả năm được 3 tấn. Nếu tính theo giá hiện nay là 6 triệu đồng/ tấn thóc, vị chi,  một năm gia đình tôi thu nhập là 18 triệu đồng; bình quân là 1,5 triệu đồng/ tháng cho 4 lao động chính. Nếu chia ra thì mỗi người chỉ làm được 375.000 đồng/tháng, chưa trừ tiền giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc… Có những năm mất mùa, nhiều gia đình cả vụ chỉ được một thúng thóc.

Sinh viên ra trường thì thất nghiệp. Bám ruộng sản xuất nông nghiệp thì cực nhọc, thu nhập quá thấp. Lao động trẻ ở nông thôn nhao ra thành phố, kiếm việc đơn giản mà thu nhập cao… dường như đang là mảnh đất “mầu mỡ giả ảo” mê hoặc họ thực sự. Tạo thành một xu hướng tâm lý chung phổ biến. Điều này, làm cho các em ở quê chán học vì không có động lực: “Học nhiều cũng thế thôi, làng đầy người học xong có xin được việc đâu”. Bùi Huy Hoàng học sinh trường THPH Thạch Thành 3 tỉnh Thanh Hóa nói.

Bên cạnh đó, việc không có hiểu biết và các kỹ năng sống ở thành phố, không được đào tạo nghề, thiếu hiểu biết về pháp luật, nên hệ lụy là một bộ phận lao động nông thôn ra đô thị kiếm sống đã bị sa lầy vào các tệ nạn xã hội; cờ bạc, mại dâm, ma túy rồi HIV thậm chí là phạm tội nghiêm trọng… làm cho đời sống nông thôn ngày nay không còn yên bình và mang đầy nhức nhối.

Số liệu điều tra về lao động và việc làm của thanh niên nông thôn cho thấy, cả nước hiện có trên 22,5 triệu thanh niên chiếm 26% dân số, 33,7% lực lượng lao động xã hội thì trong đó 75% là thanh niên nông thôn. Với số lượng lao động nông thôn lớn như vậy mà thực trạng bỏ đồng ruộng ra thành phố mưu sinh tràn lan không qua đào tạo như hiện nay, khiến cho chất lượng lao động xã hội đang đi xuống.


Bùi Đức

(Theo thoibaonganhang.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)