Cải cách kinh tế Nhật sẽ giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc
Cuộc bầu cử sớm diễn ra giữa tháng 12 này sẽ quyết định không chỉ đơn thuần là nội các và người đứng đầu chính phủ, mà nó còn quyết định cho vận mệnh nước Nhật trong tương lai. Cuộc chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế Nhật Bản trong vòng 2 năm qua đang đứng trước giờ phút cam go nhất để chứng tỏ rằng nó có đủ khả năng để tiếp tục hay không, hay nước Nhật sẽ lại một lần nữa chìm vào bóng tối của sự suy thoái trong vòng hơn hai mươi năm qua.
Đúng là đã rất lâu rồi, người Nhật mới lại sống trong một thời điểm căng thẳng đến thế, có lẽ là chỉ sau khi nước Nhật bại trận ở thế chiến thứ hai và xây dựng lại mọi thứ từ đống tro tàn. Quãng thời gian bùng nổ kinh tế kéo dài hơn hai mươi năm sau đó và tiếp theo đó cũng từng ấy thời gian của khủng hoảng và giảm phát kinh tế, người dân Nhật đi hết từ trạng thái này sang trạng thái khác.
Từ mừng rỡ và tự hào trước bước tiến thần kỳ của nền kinh tế hậu chiến, cho đến chán nản và cam chịu khi chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế và hai mươi năm giảm phát. Nhưng chưa khi nào người Nhật lại phải đứng trước sự chọn lựa một cách khó khăn hơn lúc này: Tiếp tục tiến bước với không ít mạo hiểm, hoặc quay lại bóng tối của quá khứ.
Dễ dàng nhận thấy sự lựa chọn ấy khó khăn như thế nào với người Nhật. Tỷ lệ ủng hộ và phản đối các chính sách kinh tế được thực thi suốt hai năm qua của thủ tướng Shinzo Abe đang khá sít sao, với 37% cho bên ủng hộ và 30% cho bên không. Không ai nghi ngờ về mục đích của Abenomics, nhưng sự hiệu quả trong thực tế và những vấn đề gặp phải đang khiến cho tỷ lệ không ủng hộ thủ tướng Abe không phải là nhỏ.
Chưa kể một loạt các vấn đề trọng tâm khác của nước Nhật ở thời điểm hiện tại cũng khiến cho tỷ lệ ủng hộ thủ tướng Abe giảm sút khi quan điểm của ông tương đối khác biệt với mong muốn của người dân. Như vấn đề tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, vấn đề lương thực hoặc tái diễn giải hiến pháp để tăng cường sức mạnh quân sự Nhật.
Như bất cứ một nhà cải cách đầy quyết tâm và tham vọng nào khác, thủ tướng Shinzo Abe giờ đây cũng đang đứng trước một vấn đề muôn thuở: thuyết phục người dân đặt thêm niềm tin vào các chính sách của ông. Phe đối lập đang chĩa mũi dùi vào những lập trường đang khiến dư luận phản ứng của ông Abe như nhà máy điện hạt nhân hay diễn giải hiến pháp, nhưng ngay cả trong vấn đề kinh tế vốn là trọng tâm trong các chính sách của mình, thủ tướng Abe cũng đang vấp phải sự hoài nghi không hề nhỏ.
Trên thực tế, việc thủ tướng Abe yêu cầu bầu cử sớm khiến giới chuyên gia quan ngại về thời điểm diễn ra. Nhật Bản vừa có quý thứ hai liên tiếp suy giảm tốc độ tăng trưởng, một biểu hiện của sự suy thoái kinh tế, vốn là một đòn bất lợi cho nội các của thủ tướng Abe.
Trong bối cảnh phản ứng của dư luận đang không mấy khả quan cho chính phủ, thì việc kinh tế Nhật không những không có dấu hiệu tiến triển mà lại giảm tốc càng khiến cho uy tín của ông Shinzo Abe thêm lung lay.
Dù đứng trước tất cả những khó khăn ấy, các nhà phân tích vẫn nghiêng về phương án ông Shinzo Abe sẽ tiếp tục đắc cử trong cuộc bầu cử sớm sắp tới. Lý do đơn giản vì việc triển khai Abenomics trong hai năm qua đã thực sự đưa nước Nhật vào quỹ đạo của một cuộc cải tổ kinh tế lớn lao mà không ai có thể dừng lại, dù đảng phái nào có lên cầm quyền chăng nữa. Trong bối cảnh đó không ai khả dĩ có thể làm tốt hơn ông Abe ở cương vị thủ tướng. Giới chuyên gia cho rằng đó chính là lý do ông Abe tổ chức bầu cử sớm trong bối cảnh khá bất lợi cho mình.
Nhưng dù đắc cử, thì cái giá phải trả sẽ là thay đổi quan điểm trong một số vấn đề cốt yếu theo hướng mà người dân và phe đối lập mong đợi, một sự nhượng bộ cần thiết để thủ tướng Abe tiếp tục có điều kiện triển khai các kế hoạch cải cách kinh tế lớn lao của mình. Trong bối cảnh mọi thứ vẫn đang bộn bề hiện tại, sẽ rất ít có nhân vật nào dám đứng lên thay ông Abe để giải quyết mọi vấn đề.
Việc Nhật Bản thể hiện triển vọng tiếp tục đi theo hướng cải cách nền kinh tế dựa trên các biện pháp của thủ tướng Shinzo Abe đồng nghĩa với tín hiệu vui cho nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cả ba mũi tên chủ đạo của Abenomics đều được đánh giá tích cực cho những nền kinh tế trung bình trong khu vực, trong đó chính sách cải cách doanh nghiệp và nới lỏng tiền tệ đang thúc đẩy các tập đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, còn chính sách thúc đẩy mạnh tiêu dùng cũng khiến thị trường Nhật mở ra rộng hơn với hàng hóa xuất khẩu của các nước trong khu vực, nơi Nhật đang cố gắng mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế.
Ước tính chỉ trong năm 2013, tức năm đầu tiên Abenomics được triển khai, con số đầu tư của các công ty Nhật vào thị trường Đông Nam Á lên tới 22,8 tỷ USD trong khi con số này ở Trung Quốc chỉ là 9 tỷ USD, trong đó Việt Nam nằm trong top dẫn đầu những nước thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vốn đang được hỗ trợ bởi chính sách bơm vốn và sụt giá đồng Yen của chính phủ Nhật.
Doanh thu tăng vọt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn ở nước ngoài tính đến thời điểm hiện tại đang là thành quả không thể rõ ràng hơn, hãng Nippon Airways đã tăng lợi nhuận ròng trong nửa năm 2014 lên tới 78% trong khi Panasonic cũng nâng dự báo lãi cả năm lên 25%, lãi ròng của Hitachi cũng chạm mốc 2,1 tỷ USD.
Nhật Bản vì thế không có lý do gì để không tiếp tục thúc đẩy mạnh chính sách kích thích tăng trưởng trong tương lai, được đánh giá là một xu thế mới trong khu vực và trên thế giới, một luồng sóng mà những quốc gia biết tận dụng có thể thu được những thành quả không nhỏ.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
(Theo motthegioi.vn)