Lan tỏa “Nghĩa tình Trường Sơn”
Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, nguyên Trưởng ban Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Trong 5 năm (2009-2013), với số tiền gần 140 tỷ đồng do các nhà tài trợ và bạn đọc đóng góp, tiêu biểu là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã triển khai nhiều hạng mục công trình tình nghĩa, tri ân đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong..., từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến Đường Trường Sơn, hiện đời sống, gia cảnh còn nhiều khó khăn. Chương trình đã xây dựng và bàn giao hơn 1.400 căn nhà tình nghĩa, 19 trạm xá quân-dân y kết hợp, trao tặng hàng nghìn suất học bổng, nhiều công trình dân sinh. Chương trình cũng đã và đang xây dựng 5 đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn, mỗi công trình trị giá từ 10 đến 15 tỷ đồng…

Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh làm Lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn trong khuôn viên Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Cùng với chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, ba năm qua (2012-2014), Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã vận động và nhận được tài trợ trị giá hơn 91 tỷ đồng cho các hoạt động tình nghĩa. Việc xét duyệt các đối tượng nhận tài trợ ở các cấp hội được tiến hành chặt chẽ, khẩn trương, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, có sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương. Nhờ có nguồn tài trợ đó, ba năm qua, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã hỗ trợ xây dựng được 1.714 căn nhà tình nghĩa tặng các đối tượng; tặng gần 2.600 sổ tiết kiệm, suất trợ cấp; 278 suất học bổng và nhiều đồ dùng sinh hoạt cho gia đình các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ban Công tác Nữ của hội còn vận động các tổ chức từ thiện nhận nuôi dưỡng 11 nữ chiến sĩ Trường Sơn cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trợ cấp suốt đời cho 216 chị em nữ chiến sĩ Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn với mức 500.000 đồng/tháng.
Thường trực Trung ương hội được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã tích cực phối hợp với Binh đoàn 12 làm hồ sơ để Nhà nước quyết định công nhận Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Binh đoàn 12, đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, đang xây dựng “Bảo tàng ngoài trời” trên Đường 20 Quyết thắng thuộc tỉnh Quảng Bình. Hội cũng đã đề xuất ý tưởng, lập Đề án xây dựng “Công viên đồi hoa trắng”-một công trình văn hóa tâm linh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc để tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi của Trường Sơn và cả nước.
Một công việc trọng tâm trong hoạt động truyền thống là thông tin truyên truyền giáo dục về Trường Sơn. Hội đã lập trang thông tin điện tử, đến nay đã có hơn 60 vạn lượt người truy cập. Đã xuất bản 20 đầu sách với hàng nghìn quyển trong ba năm qua.
Hằng năm, Trung ương hội và Ban liên lạc các tỉnh đều tổ chức các đoàn về thăm chiến trường xưa, thắp hương tri ân liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà, giao lưu, cảm ơn chính quyền nhân dân địa phương nơi đã từng giúp đỡ các đơn vị Trường Sơn năm xưa, kể cả trên đất bạn Lào anh em. Có nhiều chuyến đi rất tình cảm và xúc động.
Trung ương hội đã phát động phong trào “Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, giúp nhau làm kinh tế xóa đói, giảm nghèo”. Đã có nhiều gương sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào các hoạt động tình nghĩa hơn 5 tỷ đồng, giúp nhau xóa nghèo được 1.600 hộ, đưa 2.800 hộ từ cận nghèo lên mức sống bình thường.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua thể hiện trách nhiệm, tâm huyết, sự cố gắng của các cấp hội từ Trung ương đến địa phương, với sự giúp đỡ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp.
Ban chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trong cuộc họp mới đây xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội trong năm 2015 và những năm tiếp theo vẫn là các hoạt động tình nghĩa. Hiện vẫn còn gần 10.000 liệt sĩ là bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn vẫn đang nằm trên đại ngàn Trường Sơn; hàng nghìn người và con cái của những người đã từng công tác trên tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin chưa được hưởng chế độ; hàng vạn dân công hỏa tuyến chưa có chính sách đãi ngộ, hàng nghìn gia đình hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh còn có đời sống khó khăn. Chính vì lẽ đó, “Nghĩa tình Trường Sơn” cần tiếp tục lan tỏa.
Bài, ảnh: ĐỖ PHÚ QUÝ
(Theo qdnd.vn)