Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 24/12/2014 09:11
Logic giản dị của Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, có lẽ là không vô tình khi kể lại câu chuyện ở Hàn Quốc. Ấy là mức độ “báo động đỏ” khi số lượng văn bản lên đến 15.000. Một ủy ban rà soát do đích danh tổng thống đứng đầu ngay lập tức đã được lập ra, và con số 15.000 đã được thu hẹp xuống chỉ còn 5.000 văn bản sau đó. “Giảm như vậy thì đất nước mới phát triển được”- ông nói đầy hàm ý.

 


Cái logic của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thật ra là chân lý quá đỗi giản dị. Một quốc gia pháp quyền “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” thì hành lang luật pháp, thể hiện trong các văn bản các loại, chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là chúng không thừa, không thiếu và quan trọng hơn, người dân có thể biết, có thể hiểu, có thể tuân theo.

Không ngoa rằng người dân Việt Nam đang sống trong “một rừng văn bản”, trong một hệ thống mà chính Bộ trưởng Cường có lần cũng than thở rằng “phức tạp nhất thế giới”.

Và “rừng” văn bản này, đặc biệt là những văn bản có tính chất “lệ làng”, đang khiến không chỉ đất nước bị kiềm hãm, không thể phát triển, mà còn biến người dân thành nạn nhân của lạm quyền.

Có lẽ, dư luận còn chưa quên câu chuyện “dắt bò ra đường phải nộp phí” ở Hà Tĩnh, hay ở Thiệu Công (Thanh Hóa): 16 khoản thu với số tiền gần 2 triệu đồng cho những khoản thu, từ kích cầu xây dựng nông thôn mới, quỹ người cao tuổi, quỹ đền ơn đáp nghĩa, an ninh quốc phòng, khuyến học, tu sửa nhà văn hóa, vệ sinh môi trường cho đến quỹ bãi rác.

Nhưng Hà Tĩnh, nhưng Thanh Hóa không phải là cá biệt.

Nhưng “phí dắt bò” chỉ là một trong 375 loại phí và 75 loại lệ phí.

Nhưng những văn bản “đặt thu” chỉ là một trong điệp trùng 100.000 văn bản quy phạm các loại, theo kết quả rà soát của chính Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Cường nêu nguyên tắc địa phương phải chấp hành các luật của trung ương, bởi nếu để tự tiện cho họ quyền ban hành văn bản thì sẽ xảy ra tình trạng “phép vua thua lệ làng”.

Nhưng thưa bộ trưởng, nếu chỉ thổi còi thôi, với những văn bản vi phạm là chưa đủ. Người dân mong muốn được “sống và làm việc” trong một hệ thống pháp luật đừng có phức tạp nhất thế giới.

Bởi giá như từ câu chuyện báo động đỏ Hàn Quốc, ngay trong thời gian tới số văn bản mà người dân cần phải biết để tuân theo có thể giảm được một nửa.

Đào Tuấn

(Theo laodong.com.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)