10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu
1. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới.
Tại kỳ họp lần thứ 38, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức đưa Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) vào Danh mục Di sản Thế giới. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Thế giới hỗn hợp giữa văn hóa và thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam trong tổng số 31 Di sản Thế giới hỗn hợp trên toàn cầu.
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)
2. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh và là phương tiện nghệ thuật để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.
Việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc đặc biệt này, đồng thời sẽ giúp cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản.
3. Liên hoan tuyên truyền lưu động “Biên giới và biển đảo Việt Nam” với hơn 2.000 tuyên truyền viên, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Diễn ra trong những ngày cả nước cùng hướng về Biển Đông trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, từ ngày 13 đến 16/6, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… tổ chức liên hoan tuyên truyền lưu động với chủ đề “Biên giới và biển đảo Việt Nam”.
Với hơn 2.000 tuyên truyền viên, các đội tuyên truyền lưu động đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương như: diễu hành, triển lãm tranh cổ động, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân tại nhiều địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ngãi; biểu diễn phục vụ các chiến sĩ hải quân chiến hạm Đinh Tiên Hoàng tại Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa...
Đợt ra quân tuyên truyền lưu động Biên giới và biển đảo Việt Nam đã góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, đanh thép cùng cả nước khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
4. Liên hoan Phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ III/2014 với 130 bộ phim được tuyển chọn từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hơn 30.000 lượt khán giả.
LHP quốc tế Hà Nội lần thứ III (Haniff 2014) diễn ra từ ngày 23 đến 27/11 có sự vượt trội về quy mô, chất lượng và sự hiệu quả trong các hoạt động nghề nghiệp so với 2 kỳ LHP trước. 130 bộ phim được Haniff 2014 tuyển chọn từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ có chất lượng cao, phong phú về thể loại, nội dung và có nhiều tìm tòi trong bút pháp thể hiện.
Đặc biệt, vị thế phim Việt Nam được nâng cao thông qua chất lượng của 43 bộ phim tham dự LHP. Trong đó, phim truyện dài “Đập cánh giữa không trung” và phim ngắn “Ngoài kia có gì?” đã giành hai giải thưởng của Ban Giám khảo (hạng mục Phim dài dự thi và Phim ngắn dự thi). Giải thưởng của Ban Giám khảo là giải quan trọng thứ hai của LHP.
5. Khuyến cáo, ngăn chặn và loại bỏ các hiện vật ngoại lai không phù hợp tại các di tích lịch sử văn hóa, công sở, nơi công cộng... trong cả nước.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/8/2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngay sau khi ban hành, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của xã hội, các cơ quan, đoàn thể và đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí.
Các làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình), làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng)... trước đây chủ yếu sản xuất, chế tác và kinh doanh các mặt hàng sư tử, tỳ hưu, đèn đá... dáng dấp ngoại lai nay đã chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuần Việt. Các biểu tượng linh vật Việt theo bộ mẫu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành đã bắt đầu được những làng nghề này đưa vào chế tác, sản xuất.
6. Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”.
Đây là năm đầu tiên triển khai Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm” hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc do LHQ khởi xướng. Thể hiện sự cam kết của Việt Nam sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Ngày Quốc tế Hạnh phúc sẽ được tổ chức thường niên và trở thành một ngày có ý nghĩa trong năm của người Việt Nam.
7. Sự kiện “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” năm 2014 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
“Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là sự kiện mang ý nghĩa chính trị - thời sự sâu sắc, được dư luận đánh giá cao, góp phần tuyên truyền tới đồng bào các dân tộc và bạn bè quốc tế về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Đồng bào 32 dân tộc anh em đến từ 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trong cả nước và hơn 10.000 du khách tham dự sự kiện đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về biển đảo, biên giới như tổ chức các lễ hội truyền thống: Lễ cúng thần sóng biển (lễ cúng Po Riyak) của ngư dân dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận; Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của ngư dân biển Quảng Ngãi; Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân biển Đà Nẵng. Đặc biệt, Triển lãm tư liệu, sách, tranh, ảnh cổ động về chủ quyền biên giới, hải đảo; trưng bày đá chủ quyền Trường Sa kết hợp chiếu phim tư liệu về chủ quyền biển đảo cùng hoạt động ký tên vào bản đồ Việt Nam và xác lập Kỷ lục quốc gia về tấm Bản đồ Việt Nam có nhiều chữ ký nhất...
8. Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18
Ngày 23/4/2014, Phái đoàn của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đã sang Kuwait làm việc với Ủy ban Olympic châu Á (OCA) xin rút đăng cai ASIAD 18. Lý do xin rút là do Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện thể thao lớn như ASIAD, việc chuẩn bị chưa được chặt chẽ, chưa có Đề án để đảm bảo tổ chức thành công ASIAD. Lãnh đạo OCA đều tỏ ra thông cảm với Việt Nam, cho rằng việc rút đăng cai ASIAD là điều nên làm.
9. Việt Nam được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất thế giới dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch.
Trong năm 2014, rất nhiều các trang web du lịch, tạp chí du lịch, trang du lịch của các báo nổi tiếng thế giới bình chọn, xếp hạng cao: Việt Nam trong top 20 quốc gia đẹp nhất thế giới (Tạp chí Rough Guides), Hà Nội là điểm đến hàng đầu thế giới (TripAdvisor), vịnh Hạ Long là một trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất trên thế giới (Buzz Feed- Mỹ) chuyên về thông tin xã hội và tin tức giải trí; Du lịch Sơn Đoòng là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới năm 2014 và Phú Quốc là một trong 15 điểm đến tốt nhất mùa đông năm 2014 (National Geographic); Touropia xếp Hội An trong danh sách 10 kênh đào nổi tiếng nhất thế giới...
Tuy nhiên, việc Việt Nam được Travel and Leisure xếp thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất thế giới có tính bao quát (chọn điểm đến quốc gia) và nhấn mạnh vào tiêu chí an toàn, thân thiện dành cho khách du lịch.
10. Thể thao Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ II-Asian Paragames II tại Incheon, Hàn Quốc
Tham gia Đại hội với 6/23 môn nhưng với nỗ lực quyết tâm cao, các VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ, phá kỷ lục thế giới và châu Á ở các môn Cử tạ và Bơi lội, xếp hạng 10/43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội.
Khánh An
(Theo petrotimes.vn)