Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 07/01/2015 09:53
Kỷ niệm 36 năm Ngày Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng (7-1-1979 / 7-1-2015): Hành động cao cả, sáng ngời chính nghĩa

Tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Cam-pu-chia hình thành sớm trong lịch sử, được củng cố, vun đắp cùng dòng chảy của thời gian và được nhân lên mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.

 
Tháng 4-1975, mặc dù cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thắng lợi nhưng nhân dân Cam-pu-chia không được hưởng niềm vui hòa bình. Chính quyền Khơ-me Đỏ do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri đứng đầu đã thi hành một chính sách đối nội cực kỳ phản động đối với đất nước Cam-pu-chia. Những chính sách mà chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xa-ri thực hiện đã gây hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực: Sản xuất đình đốn, đời sống xã hội bị đảo lộn, các giá trị văn hóa truyền thống bị xóa bỏ, hàng triệu người Cam-pu-chia bị giết dã man mà không hề được xét xử. Bản luận tội tại tòa án quốc tế xử tội diệt chủng của các cựu lãnh đạo Khơ-me Đỏ (tháng 8-1979), nêu rõ: “Trong thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền ở Cam-pu-chia, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri đã xô đẩy đất nước Cam-pu-chia rơi xuống “địa ngục”, với 3.314.768 người bị tàn sát, gần 570.000 người bị mất tích, 141.848 người bị tàn phế, hơn 200.000 trẻ em bị mồ côi”. Những người Cam-pu-chia sống sót sau họa diệt chủng của chế độ Pôn Pốt - Iêng Xa-ri đã kêu lên những lời ai oán: “… Tất cả những cảnh phố xá tấp nập, xóm làng xanh tươi, gia đình sum họp với lời ca, tiếng hát trong những ngày hội của dân tộc trước đây đã biến mất. Cả nước biến thành con số không, không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tín ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không tiêu tiền, không buôn bán, không chùa chiền v.v.. và không có cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc. Chỉ còn căm thù và uất hận”.
 
Bộ đội tình nguyện Việt Nam và chiến sĩ cách mạng Cam-pu-chia. Ảnh tư liệu
 
Về đối ngoại, Nhà nước Cam-pu-chia Dân chủ ra sức kích động thù hằn dân tộc chống Việt Nam. Không dừng lại ở tuyên truyền, ngay sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng (30-4-1975), tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri đã cho quân đánh chiếm đảo Phú Quốc (3-5-1975) và Thổ Chu (10-5-1975). Mặc dù phía Việt Nam đã phản đối nhưng quân Khơ-me Đỏ vẫn không chịu rút khỏi các vị trí đã chiếm. Do đó, với tinh thần kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, LLVT Việt Nam buộc phải đánh đuổi quân Khơ-me Đỏ ra khỏi biên giới lãnh thổ.
 
Về phía cách mạng Cam-pu-chia, ngày 2-12-1978, tại vùng giải phóng Xnuôn, tỉnh Kra-chi-ê, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia được thành lập. Sau khi ra đời, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đề nghị Việt Nam giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia “không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn, mà phải cứu giúp cả một dân tộc”.
 
Tiếp tục những hành động gây hấn, ngày 22-12-1978, chính quyền Khơ-me Đỏ do tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ri cầm đầu đã huy động 19 sư đoàn trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng kéo đến biên giới phía Đông và tiến vào khu vực Bến Sỏi (Tây Ninh), mở đường tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Quân Khơ-me Đỏ ráo riết cướp bóc tài sản, bắn giết nhân dân Việt Nam với mức độ rất tàn bạo và dã man.
 
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, từ ngày 23-12-1978, các đơn vị chủ lực Việt Nam trên toàn tuyến biên giới được lệnh của đồng chí Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh chiến dịch, đã mở cuộc phản công lớn quét sạch lực lượng địch xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, tiêu diệt khối chủ lực tập trung của quân Khơ-me Đỏ, hỗ trợ cho các LLVT cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia tiến công và giành quyền làm chủ đất nước.
 
Ngay sau khi quân-dân Việt Nam mở cuộc phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, ngày 23-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia xác định, do sinh lực địch nhất định sẽ bị quân và dân Việt Nam tiêu diệt hoặc kìm chân tại chỗ, nên đây là thời cơ tốt nhất để các LLVT cách mạng đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia cùng với nhân dân và binh sĩ khởi nghĩa trên toàn quốc, đánh vào đầu não của bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, đập tan chế độ độc tài khát máu của chúng. Tiếp đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đã phát động toàn dân tận dụng thời cơ và sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, tập trung lực lượng đứng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, giành chính quyền về tay nhân dân.
 
Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam đã cùng với LLVT yêu nước Cam-pu-chia mới tiến công truy quét quân xâm lược diệt chủng. Mở đầu chiến dịch tiến công, phản công, Quân đoàn 4 được lệnh tiêu diệt địch ở Bến Sỏi. Sau đó, lần lượt Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân đoàn 2 Quân đội nhân dân Việt Nam bước vào chiến đấu.
 
Ngày 24-12-1978, Quân khu 7 đánh dọc theo đường 10 và 13, chiếm Kra-chi-ê (30-12-1978). Ngày 25-12-1978, Quân đoàn 3 đánh dọc đường số 7 chiếm Snông Chúp, phát triển về thị xã Công Pông Chàm. Quân khu 5 đánh dọc đường 19 thọc sâu vào Phnôm Pênh. Đến ngày 2-1-1979, ba cụm quân chủ lực của địch (mỗi cụm 5 sư đoàn) án ngữ các trục đường số 1, đường số 7 và đường số 2 về Phnôm Pênh bị tiêu diệt một bộ phận và tan rã, ta giải phóng toàn bộ vùng Đồng bằng sông Mê Công. Đến 17 giờ ngày 7-1-1979, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng LLVT cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia hoàn toàn làm chủ Phnôm Pênh.
 
Chiến thắng ngày 7-1-1979 của cách mạng Cam-pu-chia có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại. Từ đây, nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ri và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
 
Sự hy sinh xương máu, chí nghĩa, chí tình của Quân tình nguyện Việt Nam đã được quân đội và nhân dân Cam-pu-chia ca ngợi, tôn vinh, như Tiến sĩ Chhay Yi Heang, Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, khẳng định: “Chế độ diệt chủng Pôn Pốt không chỉ là kẻ thù của nhân dân Cam-pu-chia mà còn là kẻ thù của nhân loại. Việc nhân dân, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX”.
 
 

LÊ VĂN PHONG
 
(Theo qdnd.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)