Văn học đang... sống mòn
Văn học đang sống mòn vì thiếu tác phẩm hay
Có thể lý giải các bạn chọn viết như thế vì nó dễ viết nhưng ngược lại tác phẩm mang nặng tính cá nhân, không bắt kịp nhu cầu đọc của bạn đọc”. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks nhận xét: "Các tác giả trẻ trong nước đa phần viết theo cảm nhận chủ quan, để thỏa mãn cá nhân trước tiên chứ không phải viết vì bạn đọc”. Trong khi đó, theo nhà văn Đoàn Thạch Biền: "Viết tình cảm, tự sự thì không có gì sai nhưng bạn trẻ nào cũng viết thì đâm ra thừa, dễ gây nhàm chán nơi bạn đọc”.
Đó là những lý do chính để văn học trẻ lặng lẽ, nhạt nhòa. Sáng tác không thiếu nhưng không gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc. Năm ngoái, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM nhân dịp hội sách in một loạt sách 8X nhưng bộ sách đầy tâm huyết của đơn vị này cũng không gây được ấn tượng nào. Phần lớn các tác phẩm của các tác giả trẻ chưa tạo được ấn tượng bởi những tác phẩm của thế hệ này đều xoay quanh chuyện cá nhân, khai thác yếu tố sex để... câu khách. Họ mài bản thân ra để sáng tác nên chỉ quẩn quanh với những câu chuyện vụn vặt, không lối thoát, không tư tưởng. Nhà văn Xuân Hà cảnh báo rằng: "Đã và đang xuất hiện xu hướng thương mại hóa cùng những biểu hiện bắt chước, lai căng... trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của văn học nghệ thuật. Có nhiều tác giả rất nổi tiếng, được nhiều người biết tên, nhưng khi được hỏi tác phẩm của tác giả đó thì nhiều người lại lắc đầu bảo chưa đọc. Có những trường hợp nổi tiếng là do được lăng-xê quảng bá nhiều, với một hay hai tác phẩm chưa thể coi là đã định hình tài năng. Để rồi sau đó bị chìm vào quên lãng...”. Ở một góc nhìn khác, nhà văn Nhật Chiêu cho rằng, giải thưởng văn học của ta chưa tạo ra ảnh hưởng, không đánh động được dư luận. Tác phẩm được giải cũng chỉ một số người biết, chứ công chúng thì không hề hay và không thể bán được. "Ở nước ngoài, cụ thể là giải booker của nước Anh, nếu đoạt giải là bán chạy và được đưa vào dạy trong trường đại học ngay. Còn ở ta thì không có ấn tượng gì với bất kỳ giới nào!”- nhà văn Nhật Chiêu nói. Còn nhà văn Lại Văn Long thì nêu lên hiện tượng có tính cảnh báo: "Dưới con mắt của người đọc, tôi thấy văn học chúng ta trong những năm gần đây như một vườn hoa yên ả, nhìn thì phong phú về màu sắc, nhưng chẳng thấy bông hoa lạ lùng, đột phá để người thưởng ngoạn được reo lên thích thú hay phải lặng người suy tư... Bây giờ hội thơ có ở khắp nơi, ngày thơ ở đâu cũng tưng bừng long trọng. Thế mà sao không có những bài thơ hay như những thời kỳ thơ chưa được "chăm sóc” và… "xã hội hóa”? Các giải thưởng văn học hàng năm cũng chẳng tạo được không khí sôi động hay sự quan tâm của xã hội. Nói theo cách của Nam Cao, văn học chúng ta đang… "sống mòn”!
Thiếu sự định hướng, thiếu giá trị chuẩn mực để sáng tác, thiếu nhà phê bình chỉ đường... đang là nguyên nhân gây khủng hoảng cho văn học Việt Nam được coi là đang thiếu chuẩn, thiếu những giá trị thực, để từ đó người viết trẻ hướng theo. Những người viết trẻ bây giờ đang bị mất phương hướng sáng tác, bị hỗn loạn bởi những giá trị thẩm mỹ và lý luận sáng tác, sáng tạo. Nguyên nhân là do sự tiếp nhận ồ ạt nhiều phong cách sáng tác, nhiều trường phái của văn học nước ngoài, trong khi đó, đặc biệt là những người trẻ, chưa có những định hình, định hướng nên dễ bị ảnh hưởng, bắt chước. Việc thiếu những nền tảng để làm chổ dựa, dễ gây ngộ nhận về giá trị của tác phẩm.
Trong khi đó, vấn đề phê bình tác phẩm văn học gần đây gần như bỏ lửng. Trên các báo chỉ có những bài viết PR về những tác phẩm mà hiếm thấy những bài phê bình giá trị và đúng nghĩa! Thiếu vắng các nhà phê bình văn học, người đọc, người viết như đi trong đêm, tự mò mẫm. Văn học rất cần đến giới phê bình và sự giúp sức của truyền thông.
Nguyễn Thịnh
(Theo daidoanket.vn)