Hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Bộ sách lớn nhất về Thăng Long - Hà Nội
PV: Thưa ông, dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đặt ra mục tiêu gì ?
Ông NKO: Văn hiến Thăng Long là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần của thủ đô được kết tinh từ truyền thống của dân tộc và từ tinh hoa của mọi miền của Tổ quốc Việt Nam. Trong suốt 1000 năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội với vai trò, tính chất đặc thù của đô thị - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia đã trở thành khu vực địa lý - lịch sử đặc biệt được vun đắp, tạo dựng cũng như quan tâm nghiên cứu, nhất là trên phương diện lịch sử và văn hoá. Điều này làm nên bề dày văn hiến Thăng Long, trái tim của cả nước, niềm tự hào của dân tộc. Ý thức được điều đó, ngay từ khi xây dựng dự án, NXB Hà Nội đã xác định Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ nhằm hệ thống hoá, tổng kết các giá trị về mọi mặt của văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua tiến trình 1000 năm lịch sử. Tủ sách sẽ giúp bạn đọc hiểu về Thủ đô vừa đầy đủ và có hệ thống, vừa khái quát và sâu sắc. Từ đó kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, định hướng phát triển thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong thời gian ngắn nhất, đưa thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.

PV: Văn hiến Thăng Long đã được vun đắp, tạo dựng và phát triển suốt 1000 năm lịch sử. Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến phải có mức độ đồ sộ và công phu như thế nào để chuyển tải được cả một quá trình dài của văn hiến Thăng Long đến với bạn đọc, thưa ông ?
Ông NKO: Để có thể chuyển tải một cách hệ thống và toàn diện nền văn hiến Thăng Long đến đông đảo độc giả, Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến do NXB Hà Nội triển khai sẽ bao gồm nhiều đầu sách có tính chất tổng kết văn hiến Thăng Long - Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực. Tủ sách được chia thành 6 mảng: Địa lý, Lịch sử, Văn hoá - Xã hội, Văn học - Nghệ thuật, Kinh tế, Tư liệu - Tổng hợp. Trong mỗi lĩnh vực có cả các đầu sách chuyên sâu và các đầu sách mang tính tổng quát. Với cơ cấu đề tài hợp lý, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước những kiến thức cần thiết về hoàn cảnh thiên nhiên và cư dân trên mảnh đất này, để từ đó có thể nhìn thấy bước phát triển về mọi mặt của Thăng Long qua các giai đoạn lịch sử. Tủ sách cũng sẽ nêu lên những đặc trưng của văn hoá, con người Thăng Long, những phẩm chất tốt đẹp về đạo đức và lối sống, về trí tuệ và tài năng được nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác, tạo nên niềm tự hào cho nhân dân Thủ đô và toàn quốc… Tủ sách sẽ phản ánh một cách hoàn chỉnh bộ mặt tinh thần của Thăng Long - Hà Nội trước đồng bào trong nước và bè bạn nước ngoài. Để xây dựng nên Tủ sách, NXB Hà Nội đã thông qua Hội đồng Tư vấn khoa học do Giáo sư Vũ Khiêu làm Chủ tịch Hội đồng và các Ban tư vấn chuyên môn giới thiệu, mời các nhà khoa học, các tác giả ở nhiều lĩnh vực tham gia tổ chức biên soạn các đầu sách.
Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, với khoảng trên dưới 100 đầu sách sẽ là bộ sách lớn nhất về Thăng Long Hà Nội từ xưa đến nay. Những đầu sách được biên soạn trong Tủ sách không phải là các đề tài nghiên cứu khoa học nhưng do yêu cầu về chất lượng, việc biên soạn, xuất bản được tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình của một đề tài khoa học. Tác phẩm được xây dựng trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu khoa học đã được đầu tư thực hiện, các sách, tài liệu đã công bố kết hợp với việc tổ chức nghiên cứu mới và sưu tầm, xử lý tài liệu trong quá trình biên soạn. Chính vì vậy, Tủ sách cung cấp cho bạn đọc những kiến thức, hiểu biết cả ở bề sâu và bề rộng, đồng thời cũng trở thành nguồn tư liệu quan trọng cho nhiều ngành nghiên cứu sau này.
PV: Việc điều tra, sưu tầm tư liệu về Thăng Long - Hà Nội diễn ra ở cả trong và ngoài nước. Chắc hẳn quá trình này có rất nhiều điều thú vị, thưa ông ?
Ông NKO: Từ trước đến nay, hoạt động điều tra, sưu tầm tư liệu đã được một số cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện. Tuy nhiên, về cơ bản đó mới chủ yếu là những cuộc điều tra, sưu tầm lẻ tẻ, chưa có hệ thống, kết quả còn tản mạn và mới được xử lý bước đầu.
Công tác điều tra, sưu tầm trong khuôn khổ Dự án được tiến hành một cách có hệ thống, đảm bảo các yêu về tính toàn diện và triệt để. Công tác điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long ở trong nước chủ yếu là những tư liệu đang được bảo tồn, lưu giữ trên đất Hà Nội trong giới hạn hành chính hiện nay. Ngoài ra, có kết hợp khảo sát, điều tra, sưu tầm bổ sung tư liệu ở một số tỉnh, thành. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tư liệu về Thăng Long - Hà Nội hiện có rải rác ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Ý, Trung Quốc… Đặc biệt ở Anh và Hà Lan đang lưu trữ khối lượng tư liệu khá lớn của công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan về Thăng Long - Hà Nội. Để đảm bảo khai thác được nguồn tư liệu này, NXB Hà Nội đã tổ chức một đợt điều tra, sưu tầm tư liệu nước ngoài và đã khai thác được khoảng 9000 trang A4 tư liệu của công ty Đông Ấn Anh (600 trang) và Công ty Đông ấn Hà Lan (8400 trang) tại Thư viện Quốc gia Anh và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hà Lan. Đây là bộ tư liệu rất quý, lần đầu tiên ở nước ta sưu tầm được khá đầy đủ và hệ thống. Những tư liệu này phản ánh khá cụ thể về tình hình thương mại, kinh tế, xã hội, văn hoá, tín ngưỡng… của Đàng Ngoài mà thực ra phần lớn liên quan đến toàn bộ đời sống của Thăng Long thế kỷ XVII - địa bàn cư trú và hoạt động chính của họ. Trong số đó, có nhiều sự kiện ghi chép rất thú vị mà các bộ chính sử nước ta ghi chép rất sơ sài hoặc không ghi chép. Tháng 4 năm 1637, tàu Grol của VOC và toàn bộ thủy thủ đoàn buông neo ở vùng cửa sông Thái Bình. Toàn bộ thương phẩm, vốn kinh doanh và các nhân viên kinh doanh của VOC được đưa lên Kẻ Chợ bằng thuyền địa phương. Trong quá trình buôn bán (từ tháng 4 đến tháng 7), viên Giám đốc Carel Hartsinck đã ghi chép toàn bộ các hoạt động diễn ra hàng ngày tại Kẻ Chợ, từ việc mua bán, đặt hàng, tiếp xúc với quan lại, thăm cung điện, viếng lăng mộ của hoàng gia, vào chầu phủ Chúa, mô tả cảnh chiêu đãi, đàn hát, cách ăn mặc của cung tần mỹ nữ, cách chúa Trịnh đối xử với người nước ngoài... Tư liệu khác là năm 1644 thương điếm Hà Lan đã ghi chép rất dài và tỉ mỉ về cuộc nổi loạn của các con Chúa tại kinh thành, trong đó chép tỉ mỉ về việc các hoàng tử đã sử dụng các tuyến đường phố ở kinh đô để đặt mai phục, việc chúa phải vất vả rút lui ra khỏi cung điện... Lồng trong các đoạn mô tả chiến sự là những thông tin về đời sống, kiến trúc đô thị Thăng Long thời kỳ này... Có thể nói, giá trị của nguồn tư liệu của điều tra sưu tầm, khai thác được cả trong và ngoài nước về nghiên cứu lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội là vô cùng lớn. Việc khai thác triệt để những thông tin quý giá trên sẽ góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu phục dựng bức tranh toàn cảnh của Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm lịch sử.
PV: Thưa ông, đến nay Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý về Hà Nội trong khuôn khổ dự án đã diễn ra như thế nào và đạt được những kết quả gì?
Ông NKO: Cùng với việc điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long, NXB Hà Nội đã tổ chức cuộc vận động Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội. Ngoài các nguồn tư liệu được sưu tầm, tập hợp tại các trung tâm lưu trữ, các thư viện, các viện nghiên cứu, các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương, ở nhiều gia đình, cá nhân hiện đang lưu giữ, sở hữu, kế thừa các tư liệu có giá trị về văn hiến Thăng Long. Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua nguồn tư liệu quý hiếm này hiện còn đang được lưu giữ trong dân. Việc tổ chức cuộc vận động Hành trình tìm kiếm cũng nhằm giới thiệu một địa chỉ tin cậy cho những người có tâm huyết, nhiệt tình đóng góp xây dựng kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long. Đây cũng là dịp để những người yêu Hà Nội thể hiện tình cảm với ước muốn được góp sức lực, tinh thần cho việc khơi thông và truyền lưu mạch nguồn văn hiến Thăng Long.
Đến nay, Ban Tổ chức đã thu thập được 412 tập tư liệu - một khối lượng tư liệu đáng kể có giá trị từ các tổ chức, cá nhân tham gia. Số tư liệu này sẽ được phân loại, thẩm định và bổ sung vào kho dữ liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Mặt khác NXB cũng đã tổ chức khảo sát tại một số tỉnh thành (Hải Dương, Thanh Hoá…) để tiếp cận với các nguồn tư liệu được lưu giữ trong dân. Hiện nay, đã thu thập được một số nguồn tư liệu có giá trị như những tư liệu về phong trào Đông Kinh nghĩa thục do PGS.TS Chương Thâu sưu tầm được từ Pháp, Nhật Bản; một số cuốn sách cổ về Hà Nội của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc…
PV: Đây là một dự án chưa có tiền lệ, mang tính đặc thù cao, tính chất công việc phức tạp. Những người thực hiện dự án đã gặp những khó khăn gì?
Ông NKO: Chúng tôi cũng đã lường trước được những khó khăn phức tạp, nhưng trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi chúng tôi vừa làm, vừa tự tìm cách khắc phục. Do dự án có tính đặc thù cao nên nhiều văn bản pháp quy chưa cập nhật đủ các chuyên ngành đặc thù của dự án, gây lúng túng cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai các hạng mục của dự án.
Lực lượng tham gia thực hiện dự án gồm các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín ở nhiều lĩnh vực, kiêm nhiệm và tham gia nhiều công việc khác. Do đó, để đảm bảo tiến độ của dự án là một nỗ lực không nhỏ. Khối lượng công việc của dự án rất lớn, nhiều hạng mục triển khai đồng bộ cùng lúc, trong khi lực lượng cán bộ tham gia thực hiện dự án khá mỏng, phần nhiều chưa có nhiều kinh nghiệm đối với lĩnh vực mới mẻ này. Chính vì vậy, chúng tôi vừa làm, vừa tự học hỏi mới có thể đáp ứng các yêu cầu đề ra. Nhiều đề tài đòi hỏi các kiến thức sâu rộng, kết cấu sách khoa học với yêu cầu chất lượng cao. Để đảm bảo yêu cầu về chất lượng sách, có những cuốn phải tập trung trí tuệ, sức lực của tập thể các nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện nhiều lần.
Tuy nhiên, đến nay về cơ bản dự án đã đi được 2/3 quãng đường. Dự kiến tháng 9 năm nay, 10 bộ sách đầu tiên của tủ sách sẽ được xuất bản và tháng 10/2010, 100 bộ sách sẽ xuất bản hết. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức, hoàn thành dự án kịp tiến độ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
PV: Xin cảm ơn ông !
?xml:namespace>
?xml:namespace>
?xml:namespace>
?xml:namespace>