Văn hóa Việt phải có diện mạo và chất lượng mới
Được sự đồng ý của GS.TS. Đinh Xuân Dũng - ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Thể thao & Văn hóa trích đăng bài viết của ông tại Hội thảo này.
Từ bài học thực tiễn
Khi kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện một chủ trương nào đó của Đảng và Nhà nước, lâu nay, chúng ta thường rút ra kết luận: Đường lối, chủ trương đúng, nhưng tổ chức thực hiện kém. Điều đó, về cơ bản, là đúng, song cũng phải nhận thấy một thực tế khác, đó là tính khả thi, tính lịch sử cụ thể của chủ trương đó.
Tôi nhớ, một nhà nghiên cứu nước ngoài có nhận xét: Ở các nước còn nghèo, vì sốt ruột mà thường hay đề ra các mục tiêu lớn, hoành tráng, có tính lý tưởng, song thiếu tính khả thi nên dễ rơi vào thất vọng vì không thực hiện được. Phải chăng, đây là bài học thực tiễn đối với chúng ta?...
GS.TS Đinh Xuân Dũng. Ảnh: TTXVN
28 năm qua, một loạt luật liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực văn hóa được xây dựng như: Luật Di sản, luật Báo chí, luật Xuất bản, luật Sở hữu trí tuệ, luật Điện ảnh... Tuy vậy, còn một số chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật rất chậm được thể chế hóa, lại không đồng bộ, lạc hậu nhanh và đôi khi không được thể chế hóa. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (tháng 11/1987) đến nay đã 27 năm, song một số chính sách vẫn chưa được thực hiện hoặc vừa triển khai thực hiện đã nhanh chóng lạc hậu như: "Tiến tới thành lập Quỹ văn hóa Việt Nam theo hướng huy động mọi lực lượng, mọi khả năng cả ở trong nước và ngoài nước" và "khẩn trương nghiên cứu để sớm ban hành các cơ chế thù lao nghệ thuật, đảm bảo cho nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống và tiếp tục sáng tạo chủ yếu bằng nhuận bút" (trích Nghị quyết của Bộ Chính trị số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987)...
Chính vì việc thể chế hóa chậm, lạc hậu, nhiều chính sách còn chắp vá, giải quyết tình thế, cho nên "cơ chế xin – cho" còn khá phổ biến đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn ra như thế trong những năm tới, thì tâm lý nghi ngại tính hiệu quả của các Nghị quyết vẫn khó tránh khỏi...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN
Đến “một đột phá chiến lược”
Phải chăng, phát triển văn hóa trong thời kỳ mới phải trở thành một đột phá chiến lược, cùng với ba đột phá trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ) trở thành sức mạnh đột phá tổng hợp để tạo nên bước phát triển mới, nhanh và bền vững của đất nước. Xin lưu ý rằng, cội nguồn sức mạnh tạo nên bước phát triển kỳ diệu của Nhật Bản ở đầu thế kỷ XX cũng chính từ văn hóa và trong thế giới hiện đại, người ta khẳng định văn hóa là một trong bốn trụ cột của sự phát triển.
Ý nghĩa chiến lược của sự đột phá này thể hiện không phải chỉ là tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa cụ thể phục vụ con người, mà chủ yếu là đưa văn hóa vào kinh tế, tạo ra bằng được trong các sản phẩm kinh tế, kinh doanh, dịch vụ tỷ trọng ngày càng cao của hàm lượng chất xám, hàm lượng trí tuệ và đó là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất nâng cao chất lượng sản phẩm kinh tế, chuyển từ một nền kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên, khoáng sản, nguồn nhân lực giá rẻ... sang một nền kinh tế phát triển theo chiều sâu.
Lâu nay, quan niệm văn hóa "đi theo sau kinh tế" vẫn còn khá phổ biến. Đột phá và kinh tế, xét cho cùng, chính lại bắt đầu từ văn hóa, với ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn của nó, với ý nghĩa văn hóa không phải là nhân tố ở bên cạnh, bên ngoài kinh tế, mà nằm ngay trong kinh tế.
Có nghĩa là, khi Nghị quyết 33 yêu cầu làm cho văn hóa không chỉ đứng ngang hàng với kinh tế, mà phải thấm sâu vào kinh tế, không có nghĩa chỉ ở mặt đạo đức, ứng xử văn hóa trong các hoạt động kinh tế, mà đòi hỏi văn hóa là nhân tố trực tiếp làm nên chất lượng của các sản phẩm kinh tế…
Từ mục tiêu chung của công cuộc đổi mới trong những năm tới, cần phải khẳng định rằng, văn hóa Việt Nam phải có một diện mạo mới và chất lượng mới...
Một số giải pháp chủ yếu:
- Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, có kế hoạch chăm sóc, bồi dưỡng tài năng trong tất cả các lĩnh vực văn hóa; tôn trọng tự do sáng tác, xây dựng quan hệ chân thành, cởi mở đối với đội ngũ những người hoạt động văn hóa, có chính sách trọng dụng người tài, đồng thời chăm lo định hướng chính trị và ý thức trách nhiệm công dân nhằm phát huy cao nhất sự đóng góp của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo cho sự nghiệp phát triển văn hóa.
- Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa…
- Có kế hoạch triển khai chương trình giáo dục văn hóa, giáo dục thẩm mỹ, nhấn mạnh bốn giá trị lớn mà văn hóa phải chăm lo nuôi dưỡng cho thanh niên là: Lý tưởng sống; Năng lực trí tuệ; Vẻ đẹp đạo đức; Bản lĩnh văn hóa…
(Theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng)
|
(*): Tít bài do Thể thao & Văn hóa đặt.
GS.TS Đinh Xuân Dũng
(Theo thethaovanhoa.vn)