Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 14/01/2015 10:38
Không lơ là, chủ quan với tai nạn giao thông

Những kết quả về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong năm 2014 đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên. Mặc dù vậy, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn đang là nỗi ám ảnh hằng ngày, hằng giờ của mỗi người dân khi ra đường, để lại những hậu quả khôn lường.

 
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác trật tự ATGT năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, nhấn mạnh: Không được lơ là, chủ quan đối với công tác bảo đảm ATGT.
 
Cùng dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng; Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
 
Lần đầu tiên giảm số người chết vì TNGT xuống dưới 9000 người/năm
 
Kết thúc năm ATGT 2014, TNGT trên cả nước tiếp tục giảm cả ba tiêu chí. Trong đó, xảy ra hơn 25.300 vụ, làm chết 8.996 người, bị thương hơn 24.400 người. So với năm 2013, giảm hơn 4000 vụ (giảm 13,8%), giảm 373 người chết (4%) và hơn 5000 người bị thương (17,2%). Đây là lần đầu tiên, số người chết vì TNGT trên cả nước giảm xuống dưới 9000 người. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kết quả này là thành công rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Trong một thời gian ngắn đã khắc phục những khâu yếu về thể chế, "gỡ nút thắt" để có hành lang pháp lý tốt hơn. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng như: Cảnh sát giao thông, kiểm soát quân sự, thanh tra giao thông… đã ngày đêm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
 
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2014. Ảnh: Bảo Linh
 
Đối với kết quả bảo đảm trật tự ATGT trong quân đội, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết: Năm 2014, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. TNGT trong toàn quân năm 2014 giảm sâu ở cả ba tiêu chí. Bên cạnh đó, Thượng tướng Trương Quang Khánh đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ Công an, các địa phương quan tâm, xử lý triệt để, tiến tới xóa bỏ hiện tượng xe sử dụng biển kiểm soát (BKS) quân sự giả. Năm 2014 có 4 trường hợp cá nhân sử dụng xe BKS quân sự giả để lưu hành và đều được xử lý quyết liệt, trong 6 tháng cuối năm 2014, không xảy ra vụ việc nào tương tự.
 
Cam kết tiếp tục giảm TNGT
 
Hầu hết các địa phương trên cả nước đều có số người chết vì TNGT giảm, trong đó, 10 địa phương giảm hơn 20% như: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nam Định, Cà Mau, Bắc Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn. Kinh nghiệm ở những địa phương này đã chỉ ra nhiều cách làm hiệu quả. Đó là định hướng để năm 2015, các địa phương thực hiện được cam kết tiếp tục giảm TNGT từ 5-10% cả ba tiêu chí.
 
Tỉnh Lạng Sơn có năm thứ 4 liên tiếp TNGT giảm cả ba tiêu chí. Theo ông Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã thành lập Ban ATGT tại các xã, phường, thị trấn, đổi mới phương thức vận động, tuyên truyền. Đặc biệt chú ý đến các đối tượng dễ gây TNGT ở từng địa bàn để giáo dục, tuyên truyền, răn đe. Trong tuần tra, xử lý vi phạm, tỉnh phân cấp rõ ràng, lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh phụ trách các tuyến quốc lộ, còn các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ do công an huyện đảm trách. Đối với tỉnh Quảng Ninh, năm 2014, số người chết vì TNGT giảm 27%. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình kiểm tra nồng độ cồn với lái xe. Tỉnh cũng xây dựng mô hình khu dân cư văn hóa với 500 khu dân cư tham gia. Tại các khu dân cư này không có trường hợp nào vi phạm quy định về ATGT. Năm 2015, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
 
Kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. (Trong ảnh: Kiểm tra tải trọng xe trên tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội). Ảnh: Khánh Hồng
 
Mặc dù vậy, tại một số địa phương, tình hình TNGT không có nhiều chuyển biến, thậm chí 9 địa phương còn có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 5 tỉnh tăng hơn 10%, gồm: Quảng Trị, Kon Tum, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre. Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã nhận khuyết điểm về việc TNGT trên địa bàn tăng cao, một trong những nguyên nhân nổi cộm là do lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 đang thi công qua địa bàn chưa tốt dẫn đến gây nguy hiểm cho phương tiện.
 
Mạnh tay với xe quá khổ, quá tải
 
Năm ATGT 2014 xác định hai nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm là siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Hiện tượng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến quốc lộ từ tỉnh này sang tỉnh khác là một vấn đề nhức nhối suốt thời gian dài, không chỉ gây hư hỏng hạ tầng giao thông, mà còn trực tiếp uy hiếp đến ATGT. Nhiều địa phương đã xử lý mạnh tay, kiên quyết với các trường hợp xe quá khổ, quá tải. Như tại tỉnh Hà Nam, ngay từ đầu năm 2014, tỉnh đã thành lập 7 tổ liên ngành chốt thường trực tại các vị trí ra vào khu vực cung cấp vật liệu xây dựng, trạm kiểm tra tải trọng xe hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần. “Đặc thù của Hà Nam là địa phương có nhiều xe chuyên chở vật liệu hoạt động. Việc tăng cường kiểm tra tải trọng phương tiện được sự đồng tình cao của người dân, các chủ xe, chủ doanh nghiệp cũng đã tự giác hơn”, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, chia sẻ.
 
Địa bàn Hà Tĩnh vốn là nơi xe “hổ vồ” chở vật liệu xây dựng ngang nhiên vi phạm tải trọng. Thời gian cuối năm 2014, đầu 2015, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo quyết liệt xử lý xe quá khổ, quá tải, tập trung kiểm soát tải trọng ngay tại nguồn như mỏ vật liệu, bến cảng, kho hàng… Ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: Đến nay, tình hình xe quá tải trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết. Mặc dù vậy, trong năm 2015 không thể chủ quan, bởi chỉ cần lực lượng chức năng lơi lỏng, xe quá tải sẽ hoạt động trở lại, nên phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách nhưng cũng lâu dài.
 
Đối với xử lý xe quá tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, tất cả các xe quá tải trọng đều bị xử phạt theo quy định và phải quay lại nơi xuất phát dù là đang chở loại hàng hóa gì, đến khi nào kiểm tra đúng tải trọng mới được đi tiếp. Các địa phương không phải làm bãi hạ tải mà đây là trách nhiệm của lái xe, chủ xe. Theo đề nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần bổ sung thêm quy định vượt tải trọng bao nhiêu phần trăm phải bị truy tố vì đây là hành động cố tình phá hoại tài sản quốc gia.
 
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 là siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, biến tinh thần này thành quyết tâm chính trị, hành động cụ thể. Từ đó, tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo đảm ATGT, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông, giảm TNGT cả ba tiêu chí, đặc biệt là những vụ TNGT nghiêm trọng, cải thiện ùn tắc giao thông. Phó thủ tướng nhấn mạnh, trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến xã, phường, xây dựng, triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với địa phương, đơn vị. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục hiện tượng chủ quan, lơ là, buông lỏng của một số địa phương.
 
 

MẠNH HƯNG
 
(Theo qdnd.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)