Phương Tây “dịu giọng” với Nga
Tổng thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc và Thủ tướng Đức A.Méc-ken tại cuộc họp báo ở Béc-lin, ngày 14-1. Ảnh: AP
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Béc-lin sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) ngày 14-1, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) G.Xtôn-ten-bớc (Jens Stoltenberg) khẳng định, NATO không muốn tìm cách đối đầu với Nga và mong muốn có mối quan hệ hợp tác, xây dựng hơn với Nga. Tuy nhiên, người đứng đầu NATO cũng hối thúc Nga “chấm dứt sự ủng hộ đối với lực lượng ủng hộ liên bang hóa tại miền Đông U-crai-na” và sử dụng ảnh hưởng của mình để “yêu cầu lực lượng này tôn trọng thỏa thuận Min-xcơ đã đạt được giữa các bên”.
Trong khi đó, theo Đài Tiếng nói nước Nga, Thủ tướng Đức A.Méc-ken cũng lên tiếng phản đối việc “đóng băng” văn kiện hợp tác giữa Nga và NATO vốn được ký kết năm 1997, tại Pa-ri (Pháp). Bà A.Méc-ken cũng cho rằng, an ninh châu Âu sẽ ổn định hơn nếu các nước có mối quan hệ hợp tác tốt với Nga. “Chúng tôi muốn có mối quan hệ hợp tác chính trị với Nga. An ninh châu Âu luôn tốt hơn nếu chúng ta không đối đầu với nhau. Để đạt được điều này, các bên cần thực hiện theo những điều kiện nhất định như bảo đảm các quy tắc cơ bản về toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia”, Roi-tơ dẫn lời Thủ tướng A.Méc-ken.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở trong tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na. Phương Tây cáo buộc Nga “giật dây” gây ra cuộc xung đột ở miền Đông U-crai-na trong khi Mát-xcơ-va kiên quyết bác bỏ cáo buộc. Kể từ tháng 7-2014, Mỹ và EU đã chuyển từ trừng phạt các cá nhân và một số công ty sang các biện pháp nhằm vào một loạt lĩnh vực kinh tế của Nga. Tuy nhiên, châu Âu đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với lệnh trừng phạt bởi mối liên kết hợp tác kinh tế, thương mại đan xen phụ thuộc lẫn nhau giữa EU và Nga.
Trên thực tế, một số nước châu Âu còn phụ thuộc vào Nga nhiều hơn là Nga phụ thuộc họ. Hàng triệu gia đình châu Âu được sưởi ấm bởi khí đốt của Nga. Theo AP, trong số những người giàu nhất ở Đức, có hơn 300.000 người hoặc hưởng lương trực tiếp hoặc có những hợp đồng thương mại với Nga. Thêm vào đó, ở nhiều nước châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao khiến ảnh hưởng từ các biện pháp trả đũa của Nga thêm trầm trọng. Trước thực tế này, giới truyền thông thậm chí đã ví von rằng, EU đang tự dồn mình vào chân tường, bởi sau hơn hai thập niên kể từ khi Bức tường Béc-lin sụp đổ, châu Âu lại tự mình dựng lên một bức tường Béc-lin mới - bức tường của những lệnh trừng phạt chống Nga.
Theo giới phân tích, đây chính là lý do vì sao nhiều quốc gia EU không còn mặn mà trong việc gây thêm áp lực đối với nước Nga. Nội bộ EU ngày càng lo ngại về những hậu quả từ “sự sụp đổ có thể xảy ra” đối với kinh tế Nga. Nếu kịch bản đó xảy ra, rất có thể sẽ kéo theo một sự sụp đổ khác đối với nền kinh tế của châu Âu. Xuất phát từ những lo ngại ấy, một số quốc gia châu Âu đã đề nghị giảm bớt biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Mới đây nhất, Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) đã lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây dừng việc đe dọa Nga bằng các lệnh trừng phạt. Tổng thống P.Ô-lăng-đơ khẳng định, kinh tế Nga khó khăn thực tế không đem lại lợi ích nào cho EU. "Tôi không đồng tình với chính sách làm cho mọi việc xấu đi để đạt được mục đích. Tôi nghĩ phải ngừng các lệnh trừng phạt ngay bây giờ", New York Times dẫn lời ông P.Ô-lăng-đơ nói trên đài phát thanh France Inter.
Trên thực tế, cả Nga và phương Tây đều không phủ nhận họ đều cần đến nhau và sự hợp tác giữa hai bên là điều cần thiết cho một châu Âu ổn định, an toàn, nhất là sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn Báo Charlie Hebdo ở thủ đô Pa-ri (Pháp) cách đây hơn một tuần, gây rúng động toàn thế giới. Tờ Wall Street Journal dẫn tài liệu được chuẩn bị cho cuộc họp các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 19-1 tới đây tại Brúc-xen (Bỉ) cũng cho biết, EU có thể giảm đáng kể các biện pháp trừng phạt Nga và nối lại đàm phán về một loạt vấn đề. Dự kiến, tình hình U-crai-na và mối quan hệ với Nga sẽ là những chủ đề chính của cuộc thảo luận. Tài liệu cho biết, EU sẽ đề xuất việc củng cố quan hệ với Nga trong chính sách ngoại giao, hợp tác thương mại và một loạt ngành sản xuất. Đặc biệt, tài liệu cũng đề cập đến sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa EU và Nga trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, giải quyết tình hình Trung Đông cũng như các vấn đề Li-bi và I-ran.
VĨNH AN
(Theo qdnd.vn)