Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 20/01/2015 04:20
Hướng tới kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2015): Mối quan hệ giữa Đảng với Dân qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với bút danh XYZ, tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc” nhằm nâng cao trình độ lý luận, phẩm chất đạo đức, đặc biệt tác phong công tác của người cán bộ, đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng. Trong tác phẩm này, Người đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa Đảng và Dân, đây là mối quan hệ gắn bó hai chiều. Dân tìm thấy Đảng với tư cách là người tập hợp, lãnh đạo quần chúng làm cách mạng; Đảng tìm thấy lực lượng to lớn nơi Dân, thông qua nhân dân, Đảng thẩm định đường lối, chính sách, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập đã xác định rõ mục đích, lý tưởng và nhiệm vụ là lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, giàu mạnh, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”1.

Đảng được hình thành và phát triển từ trong dân tộc, trong các tầng lớp nhân dân lao động; nếu không có sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng thì Đảng không có sức mạnh. Giữ mối liên hệ gắn bó với quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng là vấn đề sống còn của một đảng cách mạng chân chính. Đây là một trong những quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Bác chỉ rõ: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”. Đảng có giữ được vai trò lãnh đạo hay không Đảng có còn là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc hay không, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đó là uy tín của Đảng và sự ủng hộ của quần chúng. Đảng liên hệ, gắn bó với quần chúng không chỉ tìm thấy lực lượng ở quần chúng mà Đảng còn có thể kiểm tra được đường lối, chủ trương của mình do quần chúng phát hiện những điều không phù hợp, kiến nghị để Đảng kịp thời sửa đổi. 

Sức mạnh của Đảng là ở nơi quần chúng, sức mạnh đó có được khơi dậy, phát huy hay không tuỳ thuộc vào việc Đảng có quy tụ, tập hợp và quan trọng hơn là có giải quyết được những nhu cầu của quần chúng hay không. Đảng lãnh đạo thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên, vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận rõ: "Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”.

Để xứng đáng với vai trò người lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự đặt cho mình nhiệm vụ nâng cao trình độ mọi mặt để không phải theo đuôi quần chúng, coi trọng rèn luyện về phẩm chất đạo đức, trí tuệ để luôn luôn là những người ưu tú "Ham học tập để nâng cao trình độ của mình. Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để dân tin, dân phục, dân yêu”.

Với những cán bộ giữ trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước càng phải chú ý rèn luyện bản thân để vừa có thể lãnh đạo phong trào phát triển, vừa gần gũi, nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân phản ánh với Đảng, đặc biệt là phải giữ vững tính tiền phong gương mẫu để trở thành tấm gương sáng cho đảng viên và quần chúng làm theo. Người nhắc nhở: "Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”. Nhiều cán bộ, đảng viên có quan điểm sai lầm rằng: dân chúng trình độ thấp làm sao có thể giám sát, kiểm tra được những công việc mang tính chuyên môn của cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức. Thực ra, qua nhiều kênh khác nhau nhân dân có thể biết được những việc làm tốt, ích nước, lợi dân cũng như những việc làm khuất tất của cán bộ, đảng viên. Người dân có thể không biết chi tiết nhưng những cảm nhận của họ có thể là thông tin tham khảo rất bổ ích cho các cơ quan có thẩm quyền. "Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó”.

Trong cuộc sống có rất nhiều người tài, nhưng không ít người trong số họ lại kiêu ngạo, xem thường người khác, dần dần họ không còn được tín nhiệm trước mọi người, không được mọi người ủng hộ, trở nên bị cô lập. Hiện nay, Đảng ta khẳng định để lựa chọn, đánh giá cán bộ phải lấy hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo. Quan điểm này là sự cụ thể hoá quan điểm của Bác. Người yêu cầu lựa chọn cán bộ, phải là "những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ”. Theo Bác thì gần gũi với quần chúng là tiêu chuẩn chung của mọi cán bộ, đảng viên, nếu ai chưa thực hiện được thì phải cố gắng học tập, rèn luyện. Không những thế, Người đã chỉ ra: "Ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của quần chúng để thêm cho kinh nghiệm của mình”.

Cán bộ là những người được giao giữ những chức vụ trong bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể... liên quan nhiều đến quyền lực, đến tài chính và những lợi ích khác, rất dễ mắc vào những cám dỗ, sống xa hoa, cách biệt với cuộc sống của nhân dân. Căn bệnh này hết sức nguy hiểm đối với uy tín, kỷ luật của Đảng, tác động xấu đến việc thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng trong cuộc sống.

Người lấy những ví dụ điển hình về kết quả của các phong trào khi cán bộ coi trọng mối liên hệ với quần chúng: "Kinh nghiệm các địa phương cho biết: nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng”.

Phương châm trong lãnh đạo theo Người là bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì phải đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần thì dù chưa có sẵn, phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc.

Người cũng yêu cầu mỗi cán bộ phải đi sâu, đi sát quần chúng, nắm bắt những bức xúc của nhân dân để đề ra chính sách phù hợp, có chính sách phải nhanh chóng phổ biến đến dân giúp họ hiểu và thực hiện. Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là ý nguyện và mục đích của đảng viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích. Bên cạnh những quy định của pháp luật nhằm chế ước những hành vi sai trái của cán bộ thì sự kiểm tra, giám sát của quần chúng là biện pháp rất hữu hiệu nhằm giáo dục, ngăn ngừa và phát hiện những tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Bởi vì, cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng. Vì vậy, để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Đồng thời, do sự dùi mài của dân chúng, cán bộ và dân chúng đều tiến bộ, lại do đó cán bộ và dân chúng đoàn kết chặt chẽ thêm.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản  Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015) trước thềm Đại hội Đảng các cấp, việc quan tâm nghiên cứu những tư tưởng này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm những kinh nghiệm lịch sử, những lời chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hôm nay. Hiện nay, xây dựng, chỉnh đốn Đảng được coi là nhiệm vụ then chốt, cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang là vấn đề cấp bách trong toàn hệ thống chính trị. Nhiệm vụ này chỉ có kết quả khi Đảng coi trọng việc củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và Dân, có những cơ chế cụ thể nhằm phát huy vai trò của quần chúng trong công tác tham gia xây dựng Đảng.

Nguyễn Trung Dũng - Giảng viên Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Trường sĩ quan Chính trị

* Trích dẫn trong bài từ "Hồ Chí Minh toàn tập”. Nxb CTQG. H2011
 
(Theo daidoanket.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)