Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 21/01/2015 09:29
Năm 2015: Quyết dẹp bất cập về lễ hội

Thông qua tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích thực hiện tốt, hỗ trợ, gắn kết phát huy vai trò tạo động lực phát triển du lịch cho mỗi địa phương. Cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động dịch vụ từng bước được nâng cao. Việc hạn chế đốt đồ mã, chấn chỉnh lưu thông, sử dụng đồng tiền có mệnh giá nhỏ đã tạo sự đồng thuận trong xã hội.

 
Trải qua thời gian với không ít cách làm khác nhau, luôn thay đổi để phù hợp với thực tiễn, nhiều lễ hội ở nước ta đã đi vào nền nếp và khuôn khổ, có bản sắc và đậm tính dân tộc. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít lễ hội khi kết thúc vẫn đọng lại những dư âm buồn.
 
Hình ảnh chưa đẹp tại lễ hội chùa Hương 2014
 
Người dân cả nước không lâu nữa sẽ đón Tết cổ truyền Ất Mùi. Vì thế các cấp, ngành cũng bắt tay vào công cuộc quản lý lễ hội nhằm chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại; bên cạnh đó phát huy những ưu điểm mùa lễ hội trước đã đạt được. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) mới đây đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015.
 
Đây được xem là Hội nghị quan trọng để các cấp quản lý văn hóa ở nước ta vừa nhìn lại các mặt đã làm được cho mùa lễ hội trong năm qua, cũng vừa tìm hướng đi phù hợp nhằm chấn chỉnh các mặt tồn tại trước đó để mùa lễ hội năm 2015 “đẹp” về tất cả mọi mặt.
 
Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), năm 2014 hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi trên khắp các địa phương trong cả nước, đa dạng về loại hình, nội dung lễ hội phong phú, hình thức hấp dẫn đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh, đảm bảo an toàn trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.
 
Thông qua tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích thực hiện tốt, hỗ trợ, gắn kết phát huy vai trò tạo động lực phát triển du lịch cho mỗi địa phương. Cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động dịch vụ từng bước được nâng cao. Việc hạn chế đốt đồ mã, chấn chỉnh lưu thông, sử dụng đồng tiền có mệnh giá nhỏ đã tạo sự đồng thuận trong xã hội. Chất lượng dịch vụ lễ hội gắn với phát triển du lịch từng bước được quan tâm.
 
Tuy nhiên, đó chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm” các lễ hội ở nước ta năm qua. Thực tế, các báo cáo của cơ quan chuyên trách về lễ hội của Bộ VH-TT&DL vẫn chỉ ra rằng, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số lễ hội chưa bảo đảm. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, bày bán thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm, treo gia súc, gia cầm sống gây phản cảm vẫn diễn ra ở các lễ hội tại chùa Hương, đền Đức Thánh Cả, Phủ Dày, chợ Viềng, đền Trần…
 
Bên cạnh những điều chưa đẹp đó, hiện tượng người ăn xin, chèo kéo khách viết sớ, khấn thuê, xem tướng kiểu mê tín dị đoan vẫn diễn ra ở chùa Keo, phủ Tây Hồ, đền Bà Chúa Kho, Phủ Dày. Đồng thời, dịch vụ đổi tiền lẻ, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ vẫn diễn ra ở đền Trình - chùa Hương, chùa Keo, Thái Bình… Việc quy hoạch hàng quán, dịch vụ trong khu vực lễ hội chưa được kịp thời chú trọng; việc trang trí lễ hội bằng các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, in nhiều chữ nước ngoài vẫn còn tồn tại…
 
Thực tế lễ hội tại nước ta được và chưa được như đã nói trên, dường như năm nào cũng có, xảy ra như điều tất yếu, tựa như câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Để xảy ra những điều hạn chế của lễ hội thời gian qua có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó trọng tâm vẫn là con người - chủ nhân của các lễ hội.
 
Thực tế chỉ ra rằng, rất nhiều du khách tham gia lễ hội đã thái quá về niềm tin tín ngưỡng nên đã cố chen lấn xô đẩy, cầu lộc, cầu danh, rải tiền lẻ, đốt vàng mã khói ngập trời. Đồng thời, trong công tác quản lý lễ hội, sự phối hợp giữa các ban, ngành thiếu chặt chẽ, thiếu kiên quyết xử lý các tiêu cực; chậm khắc phục hạn chế của lễ hội từ các năm trước.
 
Trước những thực trạng tồn tại của lễ hội năm qua, với dự báo tình hình năm 2015 sẽ diễn ra nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước với quy mô lớn, đặc biệt là các sự kiện, lễ hội lịch sử cách mạng sẽ được tổ chức đồng thời với các ngày lễ lớn ở các cấp. Bộ VH-TT&DL cho biết trong năm 2015, bộ yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.
 
Bên cạnh đó, các ban quản lý lễ hội cần hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ, tiền dầu đúng nơi quy định; quy hoạch sắp xếp hàng quán dịch vụ, nơi trông giữ các phương tiện hợp lý, mỹ quan; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, kiên quyết không bố trí hộ kinh doanh đổi tiền lẻ, bán đồ mã, các dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng trong khu vực lễ hội, di tích… Đồng thời thường xuyên tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động của lễ hội theo quy định của pháp luật.
 
Tất cả những động thái này, đều nhằm “văn minh hóa” mà vẫn giữ gìn được bản sắc của các hoạt động lễ hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên thiết nghĩ, rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn để có thể hài hòa những nét truyền thống của các lễ hội trong môi trường hiện đại. Đó cũng là một biện pháp để bảo tồn và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
 
Bài và ảnh Quỳnh Trang
 
(Theo thoibaonganhang.vn)
 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)