Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 22/01/2015 09:09
Thành tựu ngoại giao Nga 2014: Vượt qua mọi thử thách

Nội dung chính trong tuyên bố thành tựu ngoại giao Nga năm 2014 tập trung vào 2 mảng chính là cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine và mối quan hệ Nga-Mỹ-EU-NATO.

 
Vấn đề Ukraine không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự
 
Ngày 21-1 tại Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tiến hành buổi họp báo lớn giới thiệu với đại diện các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài về thành tựu chính sách ngoại giao của nước này năm 2014.
 
Những nội dung chính được ông Lavrov đề cập về thành tựu ngoại giao của Nga trong năm 2014 - một năm đầy biến động trên chính trường quốc tế - tập trung vào 2 mảng lớn là vấn đề Ukraine và mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, Liên minh châu Âu và Khối hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương.
 
Về vấn đề Ukraine, ông Lavrov cho biết, Moscow quan ngại về sự bùng nổ bạo lực ở miền đông nước này và sẽ làm hết sức mình để cứu vãn hòa bình ở đất nước này. Nga cho rằng, vấn đề hòa bình và hòa giải dân tộc ở Ukraine không thể giải quyết bằng các biện pháp quân sự, mà chỉ bằng các biện pháp hòa bình.
 
Bộ trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, những ai lớn tiếng cáo buộc Nga gửi binh sĩ và vũ khí đến Ukraine, thì trước hết cần đưa ra bằng chứng về những hoạt động như vậy. Từ khi bắt đầu cuộc nội chiến ở đông nam Ukraine đến nay, nhiều lần Kiev và Washington đã đưa ra những tuyên bố vô căn cứ như vậy.
 
Nga ủng hộ bất cứ hình thức nào của cuộc đàm phán về Ukraine và tin tưởng rằng Tổng thống Poroshenko đã sẵn sàng thảo luận về kế hoạch do Tổng thống Putin đề xuất. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi Mỹ và EU nhận thức được rằng, bạo lực không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị của Kiev.
 
Lễ khai mạc hoành tráng của Olimpic mùa đông 2014 được tổ chức ở Sochi-Nga là biểu tượng vượt qua khó khăn của Nga
Lễ khai mạc hoành tráng của Olimpic mùa đông 2014 được tổ chức ở Sochi-Nga là biểu tượng vượt qua khó khăn của Nga
 
Việc cung cấp vũ khí và viện trợ quân sự cho Ukraine đang củng cố quyết tâm của Kiev trong việc dùng các biện pháp quân sự để chống lại nhân dân nước mình. Lệnh tổng động viên mới được ban hành và sự chuẩn bị cho tình trạng chiến tranh của Kiev đang là “liều thuốc độc”, dập tắt những hy vọng hòa bình đang rất yếu ớt ở mảnh đất này.
 
Nga đề xuất, các bên tham chiến và các nước trung gian hòa giải cần giữ vững nguyên tắc, 2 bên tham chiến phải rút vũ khí ra khỏi miền đông Ukraine, tái xây dựng đời sống chính trị trên toàn vùng Donbass, trong đó có thông qua con đường tiến hành các cuộc bầu cử địa phương, và Nga sẽ hết sức ủng hộ tiến trình này - ông Lavrov tuyên bố.
 
Tuy nhiên, ông Lavrov nhấn mạnh, ở Ukraine đang manh nha những mầm mống của Chủ nghĩa phát xít mới và biểu hiện của nó là những cáo buộc mang tính chất xét lại về việc Liên Xô xâm lược nước Đức và Ukraine, phủ nhận sạch trơn đóng góp của Liên Xô trong công cuộc giải phóng châu Âu và châu Á khỏi ách phát xít.
 
Công lao to lớn và sự hy sinh vĩ đại của hơn 20 triệu chiến sĩ Hồng quân và nhân dân ở hàng chục nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết đã bị bóp méo, xuyên tạc. Đây là một sự phỉ báng lịch sử đã được toàn thế giới công nhận. Nga không cho phép và đề nghị cộng đồng quốc tế cần chặn đứng những toan tính viết lại kết quả Thế chiến II.
 
Cũng liên quan đến vấn đề Ukraine, ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga đề xuất với cộng đồng quốc tế củng cố nguyên tắc không chấp nhận đảo chính như là phương tiện thay đổi chế độ, bởi một cuộc đảo chính không hẳn đã đại diện cho ý nguyện của toàn thể nhân dân, việc thay đổi một chế độ chỉ được phép thông qua lá phiếu của nhân dân.
 
Vấn đề Ukraine không thể giải quyết bằng các biện pháp quân sự
Vấn đề Ukraine không thể giải quyết bằng các biện pháp quân sự
 
Nếu không bảo đảm được nguyên tắc này, thế giới sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn, các chế độ có thể sẽ bị lật đổ bởi ý nghĩ điên rồ của một nhóm thiểu số chống đối. Ở bất cứ đất nước nào cũng có những đảng phái với quan điểm đối lập, nếu cứ phản đối là lật đổ chính quyền thì thế giới này sẽ ra sao?
 
Liệu Mỹ có chấp nhận việc các đảng phái đối lập phản đối chính quyền của đảng Dân chủ và biểu tình bạo loạn, lật đổ chính phủ của ông Barak Obama, bất chấp đề nghị tổ chức tuyển cử sớm, tương tự như cuộc chính biến trên quảng trường Maidan, lật đổ Tổng thống hợp hiến Yanukovych hay không? Điều này chắc chắn là không.
 
Mối quan hệ với châu Âu, Mỹ và NATO: Cần hợp tác trên cơ sở bình đẳng
 
Mở đầu về mối quan hệ với Mỹ, ông Lavrov nhận xét: Lời lẽ của Tổng thống Barak Obama cho thấy rằng Washington muốn thống trị toàn thế giới nhưng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Hoa Kỳ không thể đơn độc giải quyết bất cứ một vấn đề nào. Moscow kêu gọi Washington trở lại với xu hướng hợp tác, mang tính chất xây dựng.
 
Nga đã nhiều lần tuyên bố, Mỹ sẽ không thể giải quyết được các sự vụ quốc tế phức tạp nào nếu thiếu Moscow. Điện Kremlin có những đóng góp không nhỏ, thậm chí là đóng vai trò không thể thay thế trong giải quyết sự vụ ở các “điểm nóng” Syria, Iran, Triều Tiên… và hiện nay là Ukraine.
 
Tuy nhiên, ông Lavrov nhấn mạnh là các cuộc đối thoại như vậy chỉ có thể xúc tiến trên cơ sở bình đẳng và tính đến lợi ích của nhau, còn mọi cố gắng hòng cô lập Nga đều sẽ không mang lại kết quả gì. Ngoại trưởng Nga đưa ra tuyên bố trên, khi bình luận về lời phát biểu của Tổng thống Barack Obama trước Quốc hội Hoa Kỳ.
 
Nga tuyên bố hợp tác chỉ có hiệu quả khi được xây dựng trên cơ sở bình đẳng
Nga tuyên bố hợp tác chỉ có hiệu quả khi được xây dựng trên cơ sở bình đẳng
 
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu tại nghị viện nước này đã một lần nữa cáo buộc Nga “hiếu chiến” ở Ukraine khi đưa quân sang miền đông Ukraine và tuồn vũ khí hạng nặng cho phe ly khai Donbass.
 
Đồng thời, Tổng thống Mỹ còn nói rằng, hậu quả của những hành động “thiếu tính xây dựng” của Moscow đã làm cho Nga bị cô lập về chính trị và ngoại giao, còn nền kinh tế của Nga thì “tả tơi từng mảnh”.
 
Vậy thông tin của truyền thông Mỹ về việc một đại diện cấp cao của quân đội Mỹ sẽ thảo luận với các quan chức Ukraine về những chuyển đổi sắp tới của Vệ binh Quốc gia Ukraine, khi họ được quân đội Mỹ huấn luyện để chiến đấu hiệu quả hơn với dân quân Donbass là như thế nào?
 
Bộ trưởng Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng nối lại hợp tác với Mỹ và NATO, quan tâm phát triển hợp tác với EU và mong muốn các bên cùng hợp tác để vượt qua mọi vấn đề nảy sinh do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, mối quan hệ này phải tuân thủ theo những điều kiện bình đẳng.
 
Moscow không mong muốn và sẽ không cho phép bất kỳ cuộc "chiến tranh lạnh" nào xảy ra. Cho đến thời điểm hiện nay, gần một nửa số nước thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Nga. Tuy hiện nay, điều này chưa thể tới ngay lập tức nhưng châu Âu cũng đã hiểu rằng, cấm vận Nga là EU đã tự “mua dây trói mình”.
 
Ông Lavrov khẳng định, vấn đề “Dòng chảy phương Nam” (South Stream) bị đóng nguyên nhân chính là do thái độ kỳ thị của EC đối với Nga. Châu Âu cần Nga nhưng lại đưa ra những phán quyết hết sức bất công và luôn miệng đòi xiết chặt cấm vận. Châu Âu đã muốn làm khó Nga thì Moscow sẽ có câu trả lời tương ứng.
 
Năm 2015, Nga sẽ có thêm nguồn năng lượng mới từ các tổ chức hợp tác quốc tế như EAEC, SCO hay BRICS
Năm 2015, Nga sẽ có thêm nguồn năng lượng mới từ các tổ chức hợp tác quốc tế như EAEC, SCO hay BRICS
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng “an ủi” rằng, việc thiết kế lại tuyến đường ống mới mang tên "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" cũng sẽ góp phần nâng cao an ninh năng lượng của châu Âu. Tuy nhiên, trước đó ông đã nói rằng, EU sẽ phải tự xây dựng lấy cơ sở hạ tầng đển đón nhận dòng khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố, sang năm 2015 Nga cũng sẽ được tiếp thêm nguồn năng lượng mới thông qua các cơ cấu hợp tác toàn cầu. “Nga sẽ tận dụng vị thế Chủ tịch SCO và BRICS trong năm 2015 để cấp xung lực mới cho hoạt động của các cơ cấu này” - nhà lãnh đạo cơ quan đối ngoại của LB Nga thông báo.
 
Ông Sergei Lavrov cũng nhận định, việc ký kết thỏa thuận về Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC), bắt đầu có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, sẽ là “bước tiến lớn quan trọng thúc đẩy đà liên kết hội nhập trên không gian hậu xô-viết”. Đây chính là bước đi mở đường cho các nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu cùng tiến bước vào thị trường đầy tiềm năng này.
 
Giới phân tích cho rằng, đây là một sự kiện lịch sử không chỉ đánh dấu sự kết nối chặt chẽ hơn về kinh tế, theo một tiến trình tự nhiên hợp quy luật giữa Nga với các nước đối tác thuộc Liên Xô (trước đây), mà còn có khả năng làm thay đổi cấu trúc địa-chính trị và địa-kinh tế của toàn bộ châu lục.
 
Mặt khác, trong bối cảnh mối quan hệ kinh tế giữa phương Tây và Nga đang chịu tác động của các tham vọng chính trị thì liên minh này càng củng cố chiến lược chuyển hướng của Nga sang thị trường đầy tiềm năng và triển vọng châu Á - Thái Bình Dương để phát huy những thế mạnh của mình và vượt qua mọi thử thách khó khăn trong giai đoạn này.
 
 
Thiên Nam
 
(Theo baodatviet.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)