Chiến đấu cơ Mig 21 số hiệu 4324 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Quân chủng Phòng không-Không quân được thành lập khá muộn so với các quân chủng, binh chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, thế nhưng, Bác Hồ luôn tin tưởng, quân chủng này sẽ lập nhiều thành tích xuất sắc, đánh thắng kẻ thù xâm lược trên bầu trời Việt Nam. Vào đầu năm 1967, Bác Hồ căn dặn bộ đội không quân: Nếu đồng chí nào bắn rơi được một chiếc máy bay của Mỹ thì Bác sẽ thưởng ngay cho đồng chí đó một chiếc huy hiệu mang hình ảnh của Bác và trên chiếc máy bay sẽ được vinh dự in hình một ngôi sao đỏ. Vâng lời Bác dạy, các phi công hết sức phấn khởi, ra sức thi đua đánh giặc để trên ngực áo được đeo huy hiệu có in hình Bác và trên máy bay mình lái có những “ngôi sao đỏ chiến công”. Cũng từ đó, phong trào diệt máy bay địch phát triển mạnh mẽ. Cùng với chiếc “Én bạc 4324”, người đầu tiên lập công là phi công Lê Trọng Huyên vào ngày 30-4-1967, bắn rơi 1 chiếc “thần sấm” F-105 trên bầu trời Bắc Thái (nay là Bắc Kạn và Thái Nguyên). Chiến công này được thể hiện bằng ngôi sao đỏ đầu tiên trên máy bay. Phát huy thành tích đạt được, “Én bạc 4324” đã xuất kích 69 lần, đối mặt với không quân Mỹ 22 lần, thực hiện 16 trận không chiến. Chỉ trong năm 1967, có 9 phi công của không quân Việt Nam lần lượt điều khiển chiếc "Én bạc 4324", bắn rơi 14 máy bay của Mỹ với 4 chủng loại (9 chiếc F105, 3 chiếc F4, 1 chiếc A4, 1 chiếc RF101). 6 trong số 9 phi công chiến đấu cùng “Én bạc 4324” được Đảng, Nhà nước tuyên dương và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, gồm: Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Ngọc Ngự.
Tìm hiểu được biết, theo quy định, máy bay Mig 21 được sử dụng tới 1.200 giờ bay, nhưng đến tháng 12-1967, sau khi lập nhiều chiến công xuất sắc với 14 ngôi sao đỏ, “Én bạc 4324” chỉ mới sử dụng hết khoảng 800 giờ bay (bằng 2/3 thời gian quy định). Tuy còn 400 giờ bay chiến đấu nữa, nhưng để lưu lại một vật chứng với nhiều chiến công xuất sắc của bộ đội không quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định giao cho Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân đưa máy bay cất giấu vào nơi bí mật, bảo quản suốt 7 năm. Đến ngày 4-12-1974, “Én bạc 4324” được đưa về Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) và ngay ngày hôm sau, nó được ghi vào danh mục hiện vật lưu giữ đặc biệt mang số BTQĐ 5800K/ 4324. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 3) cho 12 hiện vật, nhóm hiện vật, trong đó có chiến đấu cơ Mig 21 số hiệu 4324.
Bài và ảnh: Minh Trang
(Theo qdnd.vn)