Làng văn hóa khoa bảng
 |
Một góc đình Đông Ngạc, nơi hàng năm diễn ra lễ báo cáo thành tích học tập của con em làng Đông Ngạc |
Ông giáo làng về hưu Phạm Quang Đại - xóm 3, xã Đông Ngạc vui vẻ kể lại một câu chuyện truyền miệng: “Làng Đông Ngạc thời cổ tên là làng Đống ếch vì giai thoại, trong làng có nhiều học trò đọc sách ran ran như tiếng ếch kêu”. Người mở đầu cho trào lưu học tập ở làng Đông Ngạc là Tiến sĩ Phan Phu Tiên. Vào thời vua Trần Thuận Tông, cụ thi khoa Bính Tý 1393, đỗ Thái học sinh, khai hoa cho làng Đông Ngạc. Cụ Phan Phu Tiên còn có thêm một lần nữa đỗ tiến sĩ vào năm 1429. Sau đó, cụ làm nghề dạy học và là người đứng đầu của trường Đại học đầu tiên của Việt Nam - Quốc Tử Giám.
Làng Đông Ngạc (xã Đông Ngạc) có 4 dòng họ lớn: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn. Sau này, làng có thêm dòng họ Hoàng từ nơi khác nhập cư vào. Cả 5 dòng họ này đều có nhiều người đỗ tiến sĩ, bảng nhãn và hoàng giáp. Một tài liệu viết về làng văn hóa khoa bảng Đông Ngạc đã tổng kết, từ đời Lý đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, họ Phạm ở làng Đông Ngạc có 16 vị tiến sĩ; họ Phan có 7 tiến sĩ, 28 cử nhân thời phong kiến và 50 người đỗ tú tài; họ Nguyễn có 5 tiến sĩ, 30 cử nhân và 40 tú tài… Và mặc dù đến nhập cư sau (đầu thế kỷ 19), nhưng họ Hoàng cũng không làm hổ danh làng Đông Ngạc khi đóng góp vào bảng vàng thành tích học tập của vùng đất này 3 vị tiến sĩ. Họ Hoàng sau này có Phó bảng Hoàng Tăng Bí, thân sinh của cố Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám.
Một câu chuyện thú vị khác liên quan đến cụ Phạm Quang Trạch - một bảng nhãn của dòng họ Phạm được ông Phạm Quang Đại kể lại: Thông minh, dĩnh ngộ, từ nhỏ cụ Trạch rất chăm học. Các gốc cau ở vườn nhà cụ, hết thảy vì ngày đêm cụ qua lại đọc sách, do vịn tay vào nên đều nhẵn bóng. Đến mùa đông, đêm ngồi học, cụ lấy khăn vải tẩm nước đặt lên đùi, khiến cụ lạnh nên không thể ngủ gật khi đang học.
Nối tiếp truyền thống cha ông, những người con Đông Ngạc hôm nay cũng rất hiếu học. Năm học 2007-2008, xã Đông Ngạc có 87 em học sinh đỗ đại học, hàng trăm em đỗ cao đẳng… Đây là thành tích không nhỏ của một vùng quê ven đô.
Nhà nhà khuyến học
 |
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc giới thiệu về các di tích gắn liền với truyền thống hiếu học của người dân địa phương |
Tôi đến Đông Ngạc đúng vào ngày xã tổ chức phổ biến kinh nghiệm cho các bà mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Trời nắng gắt nhưng hàng trăm phụ nữ trong xã vẫn đến tham dự. Ông Nguyễn Quang Thậm - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc cho biết: “Cha mẹ nào cũng yêu thương và quan tâm đến con cái. Nhưng ở Đông Ngạc, sự quan tâm này vừa được thực hiện theo bản năng, vừa là truyền thống gia đình để lại”. Ông Thậm cho biết thêm, từng gia đình, từng dòng họ ở Đông Ngạc có quỹ khuyến học riêng để hàng năm tổ chức trao thưởng.
Theo ông Phạm Quang Đại: “Trong bản Điều lệ của Hội đồng gia tộc họ Phạm soạn năm 1937 có ghi: Nếu sau này quỹ hội dồi dào thì sẽ đặt ra những học bổng của họ để cấp cho những con em trong họ, xét ra có tài, thông minh, có hạnh kiểm tốt mà vì nhà nghèo không thể đi học được”. Ngày nay, hội đồng gia tộc họ Phạm đã, đang tiếp tục thực hiện nguyện vọng và phong trào khuyến học của gia tộc. Từ năm 2006, hội đồng gia tộc đã cấp được 12 suất học bổng cho các cháu học sinh nghèo trong họ, với mức 200.000 đồng/tháng/suất. Ngày 1-6 hàng năm, Ban Thanh niên của họ tổ chức lễ phát thưởng cho con em trong họ đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến xuất sắc. Phần thưởng tuy không lớn, nhưng là nguồn động viên tinh thần hiệu quả cho các em.
Có một điều dễ nhận thấy khi trò chuyện với người dân Đông Ngạc là ý thức về gia tộc, dòng họ được phân chia khá rõ ràng: đây là người họ Nguyễn, kia là người họ Phạm,… khiến cảm nhận của khách lạ ban đầu như có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các dòng họ trong việc học hành, thăng tiến. Nhưng tìm hiểu sâu thì sự thực lại khác hẳn. Các dòng họ Đông Ngạc giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Chính vì vậy khi tôi ngỏ ý tìm hiểu về làng văn hóa khoa bảng Đông Ngạc, ông Phạm Quang Đại liền kể vanh vách về những tiến sĩ của dòng họ Hoàng: người này từng là bộ trưởng, vị kia là bác sĩ nghiên cứu, chế tạo thành công vaccine phòng bại liệt… Rồi cụ kể làu làu về từng dòng họ trong làng với niềm tự hào khôn xiết. Câu chuyện các cụ xưa kể lại, bảng nhãn Phạm Quang Trạch có bạn thân là cụ Phan Vịnh Phúc. Cụ Trạch đỗ đạt trước nên đã khích lệ bạn, động viên bạn học hành đỗ đạt như mình.
Mặc dù cách trung tâm thành phố Hà Nội chỉ hơn 10km, song Đông Ngạc vẫn còn những nếp nhà cấp bốn ẩn sau những lùm cây cao vợi, những ngõ nhỏ dẫn vào lát gạch chỉ xếp nghiêng và tường cũ rêu phong. Và con người Đông Ngạc vẫn sẽ giữ bản chất hiếu học và cần mẫn.
(Theo Anninhthudo.vn)