KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3.2.1930 – 3.2.2015): Hiện thực hóa lòng Dân thành ý Đảng
LTS: Tiếp tục vấn đề về củng cố, xây dựng khăng khít thêm mối quan hệ “lòng Dân - ý Đảng” trong bối cảnh hiện nay, Pháp Luật TP.HCM giới thiệu bài viết của TS Lê Văn In, nguyên Phó Hiệu trưởng Học viện Cán bộ TP.HCM.
Trong mối quan hệ lòng dân - ý Đảng, cần phải xem lòng dân là đầu vào - đầu ra là ý Đảng, có nghĩa là lòng dân là gốc của ý Đảng - ý của Đảng phải xuất phát từ ý của dân.
Năm 2015, một sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước là đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Thiết nghĩ muốn sự kiện này thành công và được nhân dân cả nước nhiệt liệt đồng tình ủng hộ hết mình thì trước hết Đảng phải đặt mình đúng với nguồn nguyên của mình là sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân mà phục vụ. Yêu cầu đó đòi hỏi Đảng phải trực tiếp đi vào nhân dân, hỏi nhân dân xem nhân dân muốn cái gì, mong mỏi điều gì. Từ đó thiết kế các chủ trương, đường lối cho đúng, cho sát và cho phù hợp với lòng dân. Đảng không nên làm theo kiểu “nghĩ thay” cho dân, sau đó mới đi hỏi dân. Phải hỏi dân trước để làm ra văn kiện, có nghĩa là văn kiện hóa lòng dân. Lòng dân là sự thật, là khách quan, là sáng suốt vì không bị áp lực, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, tập thể, tập đoàn nào, tầng lớp nào. Lòng dân gắn với lợi ích của nhân dân, của đất nước, của Tổ quốc, của Đảng.
Vậy Đảng phải hỏi dân cái gì?
Phải quyết chiến với tham nhũng tới cùng
Điều đầu tiên phải đặt ra hiện nay là lòng dân hiện nay muốn cái gì? Câu hỏi này không khó trả lời. Lòng dân muôn thuở không có mong muốn gì khác ngoài mong muốn của Bác Hồ: Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng có nhà ở (đó là ba con đường đi đến hạnh phúc), ai cũng được học hành, đất nước được hòa bình - độc lập - giàu mạnh.
Từ thực tiễn cho thấy người dân thấy rất rõ những nguyên nhân mà họ chưa được hưởng (mặc dù điều kiện cho phép) trọn vẹn những điều mong muốn vô cùng giản dị, vô cùng thiêng liêng ấy của Bác Hồ. Cụ thể, hãy làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất, mất mát tiền của, mồ hôi, nước mắt của nhân dân bởi nạn tham nhũng, lãng phí và xa hoa. Chỉ cần chống thành công hai thứ giặc - tham nhũng; lãng phí và xa hoa là nhân dân được nhờ, đất nước được nhờ. Nếu ráng hết sức kêu gọi nhân dân đẩy mạnh sản xuất, làm ra thật nhiều của cải, tiền bạc mà không chống thành công hai thứ giặc này thì cũng không khác nào “gió vào nhà trống”.
Đảng phải quyết liệt hơn trên mặt trận chống tham nhũng. Trong ảnh: Phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2. Ảnh: LD
Phải nhai “cục xương” bộ máy cồng kềnh
Mặt khác, qua thực tiễn mấy chục năm cải cách hành chính, người dân rất mừng và ủng hộ những thành tựu mà Đảng và Nhà nước, nhân dân ta đã làm được những kỳ công chưa từng có trong nền hành chính nước nhà. Nhưng có thể nói người dân hiện nay biết rất rõ, rất mong muốn Đảng và Nhà nước hãy tập trung hơn nữa đột phá vào khâu, vào “cục xương” khó nhai nhất, vào sự trì trệ nhất của công cuộc cải cách hành chính, đó là khâu tổ chức bộ máy nhà nước cùng với đội ngũ cán bộ, công chức hùng hậu và cơ chế vận hành “thiên la địa võng” hiện nay. Phải làm sao cho bộ máy nhà nước tinh gọn, vận hành đầy uy lực và có hiệu quả cao xứng đáng với lòng mong muốn của nhân dân. Một bộ máy cồng kềnh, tầng tầng với đội ngũ công chức hùng hậu hiện nay chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân về nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, xa hoa, kém hiệu lực, kém hiệu quả.
Có thể nói chừng nào chưa thật quyết liệt tấn công, đột phá vào “khúc xương” khó nhai nhất trong cải cách hành chính này thì chừng đó những khuyết tật cố hữu níu kéo trì trệ làm cho chúng ta thụt lùi so với các nước, chừng đó chúng ta cũng không thể khắc phục đẩy lùi được vấn nạn trước nhân dân, trước xã hội.
Thực tế, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 vừa rồi cũng đã có hẳn một nghị quyết về tinh giảm bộ máy và biên chế. Đó là điều may mắn, Đảng ta đã nhìn thấy. Nhưng liệu có quyết tâm làm đến cùng mang lại lòng mong muốn của người dân hay không, chúng ta phải chờ. Nếu không lại trở lại “vũ như cẫn” mà thôi. Càng tinh giảm lại càng phình ra. Đó mới là có tội, có lỗi với nhân dân.
Đừng ngại minh bạch với nhân dân
Vấn đề thứ hai phải đặt ra là lòng dân kỳ vọng gì nhất vào đại hội Đảng lần này?
Kinh nghiệm muôn thuở để lại, khi sự nghiệp của đất nước, của nhân dân được trao cho đội ngũ những người xứng đáng vừa có tài vừa có đạo đức thì đất nước, nhân dân được nhờ. Vì vậy thiết nghĩ Đảng, Nhà nước phải có chủ trương, chính sách, cơ chế tuyển chọn và trọng dụng những người hiền. Chúng ta phải đổi mới cách làm cũ, mặc nhiên theo tuần tự được đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo, quản lý đất nước, các ngành, các cấp và các địa phương, mà đáng ra những vị trí ấy phải là những vị trí của những người hiền tài được Đảng, Nhà nước và nhân dân bầu hoặc tiến cử. Chừng nào mà người hiền không có đất dụng võ ngay trên quê hương của mình, phải cắp nón ra đi làm thuê cho nước ngoài để vinh thân, chừng đó chúng ta chưa thể tạo ra một cú hích cần thiết cho bộ máy lãnh đạo, quản lý của đất nước.
Không có lý do gì nói Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc, của đất nước mà người dân lại đứng ngoài cuộc. Chỉ thử nêu một vấn đề: Tại sao người dân lại không được biết sự tín nhiệm của Đảng đối với những người đang giữ trọng trách trong Đảng (trong việc lấy phiếu tín nhiệm ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới đây). Thực tế cho thấy khi nhân dân biết sự tín nhiệm của những người giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước, người dân đồng tình ủng hộ và có sức thúc đẩy lớn cho những ai còn kém tín nhiệm.Vậy tại sao chúng ta không cho dân biết kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng. Chúng ta còn ngại dân ở điểm nào, trong khi chúng ta xem nhân dân luôn ủng hộ Đảng. Không lẽ khi dân biết mà Đảng yếu đi? Tôi khẳng định là không thể như thế được.
Minh bạch và công khai là vũ khí sắc bén để chống tham nhũng có hiệu quả nhất. Hiện chúng ta đã có minh bạch nhưng lại hạn chế công khai, tức là chúng ta đã tự làm cùn đi vũ khí sắc bén của mình. Minh bạch và công khai chỉ làm cho Đảng và Nhà nước ta mạnh lên mà thôi, không hề vì minh bạch và công khai mà Đảng và Nhà nước ta yếu đi. Vì chúng ta có mạnh, có bản lĩnh được dân tin cậy chúng ta mới minh bạch và công khai.
TS LÊ VĂN IN
TÁ LÂM ghi
(Theo plo.vn)