Cực đoan chạy theo tấm bằng đại học
 |
Thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2009 - Ảnh: Như Hùng |
Có phải thầy Dũng “không giống ai”?
Trong môi trường giáo dục mà người nghiêm túc, trung thực như thầy Dũng thì bị trả thù, còn những người thiếu trách nhiệm, thiếu tự trọng lại có thể được trả bằng tiền (mua bán điểm, mua bán bằng cấp) quả là đáng báo động. Phải chăng việc xin và cho điểm trong trường đại học giờ đây đã quá phổ biến? Phải chăng do thầy Dũng “không giống ai” mới ra nông nỗi?
Phạm Tấn Triển |
Dưới đây là ba ý kiến từ hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về tòa soạn trong những ngày qua.
Việc sinh viên Trần Xuân Thanh không thể hoàn thành chương trình đại học có thể do một phần từ gia cảnh khó khăn, nhưng trên hết vẫn là do năng lực bản thân hạn chế mà vẫn cố chạy theo tấm bằng đại học một cách cực đoan.
Hiện nay có một thực tế là các trường nghề mở ra không có người học, các trường đại học mọc lên quá nhiều, các đơn vị thu nhận lao động chủ yếu đánh giá ứng viên qua cái “mác” đại học, và nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con cái phải vào được đại học để có danh có tiếng.
Thực tế này góp phần thôi thúc những học sinh không có khả năng nhưng vẫn cố vào đại học như Trần Xuân Thanh. Bản thân sinh viên này vốn yếu kém về năng lực, không tuân theo quy chế quy trình đánh giá thi cử hiện tại, thiếu lòng tự trọng để phấn đấu, và đâu đó sự tồn tại của các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đã khiến Thanh dễ dàng có suy nghĩ cực đoan về tính nguyên tắc của thầy Dũng, dẫn đến hành động tàn ác.
Rồi đây những nhà giáo chân chính sẽ cảm thấy e dè trong việc bảo đảm đánh giá đúng mực năng lực học trò. Bản thân những sinh viên chân chính cũng sẽ rất bất an về sự không công bằng trong kết quả đánh giá, thi cử. Ai đã từng học hành nghiêm túc cũng đều muốn được đánh giá, thi cử trung thực. Bản thân từng làm nghề giáo, tôi rất hiểu khi cho điểm dưới trung bình chẳng phải thầy cô muốn làm khó, ghét bỏ sinh viên mà do muốn giữ công bằng cho người học.
Nếu phải dạy và học theo kiểu “huề cả làng” cho yên ổn thì chẳng còn ai muốn học hành, phấn đấu, thầy cô giáo cũng cảm thấy mình không công bằng với các sinh viên khác. Tai hại hơn, đối với xã hội là cho ra lò một thế hệ lao động lười nhác, ỷ lại và thiếu ý thức.
Để không còn những chuyện đau lòng xảy ra trong giáo dục, phải đào tạo được những con người có ý thức và tự trọng bản thân, tôn trọng cái chung và tôn trọng luật lệ. Đây là kết quả của một quá trình giáo dục dài hơi và có hệ thống, ngay từ trong mỗi gia đình, tới nhà trường và cả xã hội.
Sự dồn nén từ con người bất lực trước cuộc sống
Chúng ta thường đứng ở góc độ chủ quan nên thường lên án thầy hoặc trò trước những chuyện trái với đạo lý “tôn sư trọng đạo” hay “lương sư hưng quốc” như thế!
Nhưng nguyên nhân gây ra sự xung đột giữa thầy và trò xuất phát từ cái gì thì chúng ta chưa bình tâm để suy nghĩ. Không phải chỉ những người trong cuộc mới suy nghĩ mà cả xã hội, cả các chuyên gia tâm lý học phải phân tích, tìm hiểu cội nguồn của nó để có hướng ngăn chặn những điều tệ hại có thể sẽ xảy ra.
Giữa thầy Dũng và “kẻ thủ ác” không có sự hận thù cá nhân nào để khiến thầy phải hứng chịu thau axit oan nghiệt ấy! Cái thầy hứng chịu ấy là cả một sự dồn nén của một con người bất lực trước cuộc sống: thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, học suốt mấy năm ở bậc đại học mà chẳng có mảnh bằng để mưu sinh chỉ vì thiếu nợ một môn.
Và chúng ta có khi nào tự hỏi để học được mấy năm học đó, anh sinh viên “thủ ác” ấy có vượt qua nhiều nỗi khó khăn trong hoàn cảnh gia đình, bản thân... và cuối cùng chỉ là số không? Tất cả sự dồn nén ấy đã ập lên thầy Dũng, người thầy bất hạnh! Không riêng cậu sinh viên nông nổi này, tại Trung tâm Y tế Bà Rịa từng có một chuyện tương tự xảy ra cách đây gần 10 năm.
Đó là trường hợp một bác sĩ đa khoa tốt nghiệp đại học không có việc làm, phải làm không công cho bệnh viện để chờ biên chế. Người bác sĩ này chủ yếu nhờ “phụ cấp” của ban giám đốc bệnh viện và tiền khám bệnh tư để lo cho mẹ già và đứa em đang học cấp III. Nhằm giúp anh, ban giám đốc bệnh viện đề nghị anh đi học tu nghiệp chuyên khoa nhi để bổ sung vào biên chế thiếu của bệnh viện. Nhưng anh đâu hiểu mà chỉ biết nếu đi học thì ai lo nuôi mẹ, ai lo cho em đi học và tiền đâu để lo cho bản thân suốt thời gian tu nghiệp!
Thế là quá bức xúc, anh bác sĩ “thất nghiệp” ấy mang rựa tới bệnh viện chém những đồng nghiệp đang họp đầu tuần! Khi ấy mọi người lên án nhưng đồng nghiệp của anh, kể cả những người bị anh chém phải nằm viện đều xin giảm án cho anh.
Nói như thế không có nghĩa chúng ta đồng tình với cái ác. Nhưng đằng sau bản án là sự trăn trở, day dứt của chúng ta khi chưa tìm hiểu căn nguyên để xảy ra những tình huống đau lòng như thế!
Dương Văn Ngọc |
(Theo Tuoitre.com.vn)