Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 30/01/2015 04:07
Độc và lạ với “Con đĩ đánh bồng”

Từ bao đời nay, nơi sát Thủ đô phồn hoa và nhộn nhịp, có một làng quê năm nào cũng lặng lẽ mở hội theo lệ làng. Dù không tuyên truyền ồn ào, xong hội làng nơi đây lại được nhiều khách thập phương biết đến với điệu múa hết sức độc đáo “con đĩ đánh bồng”. Đó là làng Triều Khúc, tên Nôm là Kẻ Đơ, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

 
Làng Triều Khúc có hai ngôi đình: đình Sắc là nơi giữ sắc thờ và đình Đại (đình chính) là nơi thờ vị thành hoàng một anh hùng dân tộc thế kỷ thứ VIII: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ.  Tích xưa kể rằng, dưới thời An Nam đô hộ phủ, khi đó nước ta đang nằm dưới ách cai trị hà khắc của bọn quan đô hộ Nhà Đường, chúng ra sức vơ vét của cải của dân, bắt người dân Việt phải đóng siêu cao thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766 – 780), nhân Giao Châu có loạn, Phùng Hưng cùng với em là Phùng Hải dấy binh phát động cuộc khởi nghĩa chống chính quyền đô hộ. Được sự giúp đỡ của người cùng làng có nhiều mưu lược là Đỗ Anh Hàn, ông đem quân vây phủ khiến Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ sinh bệnh mà chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ coi chính sự đất nước. Khi Phùng Hưng mất, con trai ngài là Phùng An lên ngôi, nhớ công đức của phụ vương, Phùng An cho các bậc hiển thần đi tìm nơi có dấu tích của ngài để lập đền thờ. Xuân Tân Mùi (791), ngôi miếu nhỏ ở Triều Khúc được xây dựng lại thành Đại cổ miếu, nay là hai ngôi đình tại làng Triều Khúc. Ngoài ra trong đình còn thờ Vũ sứ thần, người đã có công truyền nghề thêu cho người dân nơi đây. Theo tục lệ, lễ hội làng Triều Khúc xưa kia kéo dài từ ngày 9 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch, năm nào tùng tiệm lắm cũng chỉ rút ngắn hai ngày.
 
Bên cạnh giai thoại về vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng thì điều mà khiến tôi tò mò về ngôi đình cũng như lễ hội nơi đây chính là điệu múa vô cùng đặc sắc với tên gọi cũng hết sức độc đáo “Con đĩ đánh bồng” – một loại hình nghệ thuật truyền thống riêng có của lễ hội làng Triều Khúc. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, sau khi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng thắng giặc Đường ở Thành Tống Bình (làng Triều Khúc bây giờ) đã nghĩ ra và sai nam giả nữ múa bồng nhằm khích lệ động viên quân sĩ. Không giống với những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, do gắn liền với tế lễ ở đình làng, chốn linh thiêng nên đội múa cũng được lựa chọn rất đặc biệt, chỉ có nam được tham gia. Xưa kia múa bồng thường do bốn người đàn ông trung niên đảm nhiệm, ngày nay để điệu múa sinh động hơn đội múa đông người hơn khoảng 8 đến 12 người và là các nam thanh niên khỏe mạnh được mặc yếm đào, trang điểm, khăn mỏ quạ, phía trước bụng đeo một cái trống dài gọi là trống bồng nhảy múa uốn éo, lẳng lơ, bông đùa bên những người khiêng kiệu rước vào trong đình, nhằm gây tiếng cười thoải mái, tạo sự chú ý của người xem. Chính vì vậy mà dân gian ta có câu: “Lẳng lơ như đĩ đánh bồng”. Cùng lúc trong đình tế lễ, múa bồng ngoài phương đình thì ngoài sân trước cửa phương đình và trước cổng tam quan là đám múa lân, múa rồng cũng rộn ràng, uốn lượn theo tiếng trống phách. Cứ như vậy, sự vui nhộn và ồn ào, sôi nổi của đám múa rồng, múa bồng khiến bất cứ ai tới dự lễ hội cũng không khỏi xốn xang, rạo rực.
 
Đến với lễ hội, du khách còn được hòa mình vào nhiều trò vui cũng như tìm hiểu được nhiều tục lệ khác gắn liền với tích truyện về một vị Vương hết lòng vì dân - Phùng Hưng, như hội đấu vật, tục chạy cờ… và để hiểu rõ hơn về những tục lệ riêng có của lễ hội làng Triều Khúc và những hội làng khác tại Hà Nội, độc giả hãy tìm đọc cuốn “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” của PGS.TS Lê Hồng Lý thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, do Nhà Xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010.
 
 
Trần Thọ
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)