Du lịch Hà Nội - Tiềm năng và thách thức
Trong quá trình phát triển du lịch, Hà Nội đã tạo dựng được những bước tiến nhất định, mang lại những thành công và được bạn bè quốc tế biết đến, tạo đà cho những bước bật mới trong tương lai. Trải qua hơn 1.000 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Hà Nội vẫn luôn là nơi hội tụ của những tài năng và trí tuệ cả nước, nơi bồi đắp những tinh hoa văn hóa, tạo lập nền móng vững chắc, giúp Thăng Long – Hà Nội thực hiện được sứ mệnh là trái tim của đất nước, trung tâm kinh tế - chính trị, hành chính của quốc gia; trung tâm về văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, kỹ thuật, công nghệ và giao lưu quốc tế, tập trung sức mạnh và hào khí của cả dân tộc. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội đã từng bước được phát huy phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn thu hút du khách bốn phương.
Không chỉ là nơi có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều lễ hội, nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, Thăng Long còn được mệnh danh là đất trăm nghề, là nơi quy tụ và phát triển của nhiều làng nghề, phố nghề truyền thống nổi tiếng như đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… cùng với đó là nét ẩm thực tinh tế gắn với tên tuổi Hà Thành như phở, chả cá Lã Vọng, bánh Tôm Tây Hồ… chẳng thế mà Hà Nội đã từng được một độc giả mạng MSN bình chọn xếp hàng thứ 3 trong 10 thành phố có đồ ăn ngon và đáng thưởng thức nhất thế giới. Nhiều tạp chí, sách báo nước ngoài đã tốn nhiều giấy mực ngợi ca Hà Nội như một thành phố đáng đến nhất trong khu vực. Tạp chí Lữ hành và Giải trí (Travel & Leisure) – một tạp chí du lịch lữ hành hàng đầu thế giới – 5 năm liên tiếp đã bình chọn Hà Nội là một trong 10 thành phố hấp dẫn nhất châu Á. Du khách đến Hà Nội, cho dù là những người lần đầu tiên hay những người nước ngoài đã sống ở Việt Nam lâu năm, tất cả đều ấn tượng bởi Hà Nội vô cùng náo nhiệt và năng động nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng với những nét văn hóa độc đáo. Sự phát triển của du lịch Thủ đô ngày nay góp phần tạo nhiều việc làm và thu nhập cho xã hội, mang đến cho du khách nhiều sản phẩm du lịch mang đậm ý nghĩa lịch sử nhưng vẫn thể hiện được nét mới, hiện đại của Thủ đô. Song sự phát triển mạnh mẽ ấy cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn lao cho ngành du lịch Thủ đô còn non trẻ. Khó khăn vì bản thân du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Trong khi đó sản phẩm du lịch Hà Nội chưa thực sự phong phú, chưa thể hiện được rõ nét bản sắc văn hóa của Thủ đô; thiếu các dịch vụ giải trí, đặc biệt là dịch vụ giải trí về đêm, dường như chỉ có một điểm duy nhất mà du khách nhớ tới đó là chợ đêm phố cổ Hà Nội; hệ thống khách sạn có giá phòng cao cũng là vấn đề đáng quan ngại; thêm vào đó là nguồn nhân lực du lịch tuy dồi dào nhưng yếu cả về kỹ năng và phong cách phục vụ; công tác quảng bá du lịch cũng chưa thực sự được trú trọng và hiệu quả.
Hà Nội đã bước qua 1.000 năm tuổi, một thành phố cổ kính đang chuyển mình trong quá trình hội nhập. Trong những năm tới, cũng như nhiều ngành kinh tế khác, sự phát triển của du lịch Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ tình hình kinh tế - chính trị - xã hội và những định hướng phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu đang tạo những cơ hội to lớn đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với phát triển du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trong tương lai.
Cuốn sách “Du lịch Thăng Long – Hà Nội” do TS. Trương Sỹ Vinh chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010 sẽ là cẩm nang cho những độc giả quan tâm tới Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt là những ai quan tâm tới du lịch Thủ đô ngàn năm tuổi.
Thọ Trần
Nhà xuất bản Hà Nội