Giật mình khi bước sang tuổi 30, lại nghe lũ bạn lên kế hoạch trốn con để “ăn mảnh” trong dịp Valentine mà tôi cảm thấy chạnh lòng. Ước mong có một bóng hồng sánh bước, có một người bạn gái để tôi thấy mình bận rộn hơn. Nhưng với tôi Valentine năm nay vẫn là ngày lễ chung.
Có khá nhiều câu chuyện xung quanh ngày lễ liên quan đến đạo Thiên chúa này, song người ta nhắc nhiều đến giai thoại liên quan đến vị linh mục có tên Valentine ở Roma. Dưới thời trị vì của vị hoàng đế La Mã Claudius, hoàng đế muốn có trong tay một đội quân hùng mạnh để có thể bành trướng khắp nơi và thu phục vào vương quốc mình những vùng đất rộng lớn. Ông cho rằng, chỉ có những người đàn ông độc thân mới có sức mạnh phi thường và là những chiến binh tốt, nên ông ra lệnh cấm những chiến binh trẻ kết hôn. Thấy điều luật quá vô lý và bất công, Valentine đã bí mật làm lễ thành hôn theo phép của nhà thờ cho những đôi nam nữ yêu nhau. Khi sự việc bị bại lộ, ông bị hoàng đế bắt và giam cầm trong ngục tối. Khâm phục trước việc làm của ông, nhiều người trẻ đã đến thăm và gài rất nhiều hoa vào của sổ phòng giam, trong đó có con gái của một viên cai ngục. Cô và linh mục thường trò chuyện với nhau hàng tiếng đồng hồ và cô hứa sẽ tiếp tục tổ chức lễ cưới cho những người yêu nhau. Khi qua đời trong ngục, linh mục gửi lại cho người bạn bé nhỏ ấy của ông một tấm thiệp nhỏ với dòng cảm ơn: “Tình yêu đến từ tấm thiếp của bạn”. Đó cũng chính là lý do tại sao tặng thiếp đã trở thành một phong tục để mang những thông điệp tình yêu đến cho nhau trong ngày lễ tình nhân 14 tháng 2 hàng năm, để kỷ niệm ngày mất của vị linh mục.
Cũng có giai thoại khác về nguồn gốc ngày lễ này bắt nguồn từ Thánh Valentine, một người La Mã đã tử vì đạo do từ bỏ đạo Thiên chúa nên bị chặt đầu trước công chúng. Ông mất vào ngày 14 tháng 2 năm 269, đúng vào ngày mà trước đó người ta gọi là “Ngày may rủi của Tình yêu”. Nhưng dù là giai thoại nào thì ngày 14 tháng 2 hàng năm vẫn được coi là ngày lễ Tình nhân. Lễ hội Valentine trở thành ngày hội nổi tiếng trên thế giới, vượt qua biên giới mọi quốc gia với rất nhiều phong tục và màu sắc khác nhau. Nếu như trước đây, ngày này chỉ dành cho những người theo đạo Thiên chúa thì ngày nay nó trở thành ngày hội chung của nhiều quốc gia. Trong ngày lễ này, người ta thường trao nhau những bông hồng đỏ thắm, những thanh Sôcôla ngọt ngào, những món quà tinh thần… và đặc biệt không thể thiếu những tấm thiếp với những lời yêu thương, thầm kín.
Ở Việt Nam, trước đây do hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, chiến tranh loạn lac, cùng đó là sự giao lưu quốc tế hạn hẹp mà ít người biết đến ngày lễ Tình nhân. Hoặc có biết cũng không dám tổ chức, thể hiện bởi những quan niệm, suy nghĩ ấu trĩ về văn hóa, thuần phong mỹ tục của thời đại lúc bấy giờ mang nặng tư tưởng phong kiến. Từ khi Việt Nam hội nhập, lễ hội Valentine ngày càng trở nên sôi động và hoành tráng, trước hết là sự sôi động của giới sinh viên và các bạn trẻ sống tại các đô thị. Ý nghĩa nhân văn của ngày lễ này càng ăn sâu vào đời sống của người Việt và bao quốc gia khác trên thế giới. Trong ngày này, trên các phố phường, ta sẽ bắt gặp những đôi tình nhân sánh vai nhau với những bộ trang phục ấn tượng, những bông hoa hay những món quà trên tay với một thái độ hồ hởi hạnh phúc. Không chỉ có lớp trẻ, mà niềm vui ấy gần như đã lan sang cả những người lớn tuổi hơn, đó là những cặp vợ chồng mới cưới, hoặc đã cưới nhau lâu, thậm chí là cả những cặp ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng tình yêu vẫn còn nồng nàn như sắc xuân đang phơi phới. Họ đổ ra đường có khi chẳng phải để mua sắm mà chỉ muốn giữ lại cái không khí của một thời tuổi trẻ với những kỷ niệm nồng nàn.
Trong xu thế phát triển của đất nước, với vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế nên Hà Nội có sự giao lưu rất sớm với nước ngoài, điều đó cũng thể hiện qua việc du nhập các lễ hội của thế giới vào đây. Đồng thời, với những lễ hội hiện đại ngày nay, Hà Nội cũng trở thành nơi đại diện cho cả nước để tổ chức nhiều lễ hội thời hiện đại. Hãy cùng “Tìm hiểu lễ hội Hà Nội” – cuốn sách được nhiều độc giả và nhà nghiên cứu về lễ hội Hà Nội quan tâm, được ấn hành năm 2010 thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Nhà xuất bản Hà Nội, để hiểu hơn về văn hóa lễ hội của Thủ đô ngàn năm tuổi.
Trần Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội