GS Trần Lâm Biền.
Trong một vài năm trở lại đây, những ngày giáp Tết, con phố nhỏ Văn Miếu- Hà Nội nhộn nhịp những người đến xin chữ đầu năm. Người dân Hà thành thường gọi vui đó là “Phố Ông Đồ”. Tuy nhiên thời gian qua sự "nở rộ" của số lượng "ông đồ" tại đây khiến cho con phố trở nên nhốn nháo, tình trạng nhiều ông đồ "rởm" bày hàng kiếm tiền khiến cho nét văn hóa vốn thanh cao trở nên kém thanh cao. Mới đây, Câu lạc bộ thư pháp UNESCO đã tổ chức kỳ thi sát hạch ông đồ, kết quả có tới 70% ông đồ tham gia sát hạch "trượt". Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với GS- Nhà văn hóa Trần Lâm Biền (ảnh).
GS có thể nói gì từ con số có tới 70% ông đồ không qua nổi kỳ thi sát hạch do Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO tổ chức?
Tôi cho rằng con số nêu trên phản ánh đúng thực trạng "lộn xộn" đang diễn ra ở con phố nổi tiếng gắn với truyền thống hiếu học của nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, bên cạnh những nhiều ông đồ thứ thiệt, am hiểu cách thức viết chữ, am hiểu ý nghĩa sâu xa của chữ viết, nét chữ hào sảng, rồng bay phượng múa còn không hiếm có những ông đồ xem việc viết chữ như một cách kinh doanh kiếm tiền. Cuộc thi sát hạch nêu trên chính là phép thử, là sự đào thải cho những người làm công việc văn hóa những lại có mục đích phi văn hóa.
Không thể phủ nhận tục xin chữ đầu năm là một nét văn hóa của người Việt, nhưng phong tục này hiện đã bị biến tướng nhiều, nó dường như là cuộc mua bán trao đổi giữa người bán và người mua, GS có thể nói gì về thực tế này?
Trên con phố được mệnh danh phố "Ông Đồ" mấy năm nay đã trở thành nơi mua bán chữ tấp nập, nhuốm đầy không khí thị trường. Có hàng trăm ông đồ ngồi xếp hàng ngang, bày giấy, bút, mực và cả những xấp chữ viết sẵn: Tâm, Nhẫn, Phúc, Lộc… ai muốn chữ nào thì trả tiền chữ ấy.
Muốn thưởng thư pháp, muốn chơi chữ, tôi cho rằng cả người xin chữ và cho chữ đều phải có hiểu biết nhất định về nghệ thuật thư pháp. Người cho chữ phải là những thầy đồ có tầm kiến thức rộng, cốt cách được mọi người kính trọng. Gương mặt nết người. Nét chữ nết người. Người xin chữ cũng phải có hiểu biết tối thiểu về chữ, phải có lòng, thành tâm, đức mới sáng.
Thực tế hiện nay cho thấy, người đi xin chữ đều mang tâm trạng, thiếu cái gì xin cái đó. Giả sử nhiều người xin chữ Tâm, chữ Đức, vậy câu hỏi đặt ra là những người đó đang thiếu Tâm, thiếu Đức nên mới cần xin? Những người hiểu biết thư pháp họ sẽ xin chữ: Tâm như thủy (tâm rộng như nước), hay Thọ tỷ Lam sơn (thọ như núi sông Lam)...
Vậy theo GS, những cuộc sát hạch này nên tiến hành thường xuyên hơn nữa để "gạn đục khơi trong" chất lượng những ông đồ đang hành nghề?
Tôi cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa không chỉ sát hạch một lần về khả năng viết chữ mà cần sát hạch thật nghiêm về khả năng cảm thụ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của các ông đồ. Nếu làm được như vậy thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa, người cho chữ mới đáng mặt chữ và người xin chữ mới xứng hồn chữ, bằng không cũng chỉ như nước chảy bèo trôi, chữ nghĩa trả thầy, làm xấu đi một nét văn hóa đẹp của người Việt.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Minh Châu (thực hiện)
(Theo baohaiquan.vn)