Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 04/02/2015 08:46
Xuất bản yếu kém do cơ quan chủ quản thiếu trách nhiệm

Năm 2014 được xem là một năm tiếp tục nỗ lực "vượt sóng" của ngành xuất bản, khi những khó khăn, thách thức vẫn bộn bề và không ít sai phạm làm nóng dư luận. Và điều không thể phủ nhận, những hạn chế đó có trách nhiệm rất lớn từ các cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB).

 
Ngành xuất bản có nhiều ấn phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng cũng không ít sai phạm từ sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chủ quản.
Ngành xuất bản có nhiều ấn phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng cũng không ít sai phạm từ sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chủ quản.

Nỗ lực vượt khó

Theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2014, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các NXB đã chủ động khai thác nguồn bản thảo trong nước và ngoài nước, cố gắng huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xuất bản. Về cơ bản, ngành vẫn duy trì được tốc độ và tăng trưởng về số lượng xuất bản so với năm 2013. Các NXB trong nước đã đăng ký 38.108 cuốn sách, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận 37.081 cuốn; tổng số xuất bản phẩm toàn ngành nộp lưu chiểu là 28.322 cuốn với 368,923 triệu bản. Nội dung và chất lượng sách cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc của nhiều tầng lớp xã hội, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Ðảng và Nhà nước, tiêu biểu như kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, 60 năm Giải phóng Thủ đô, việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đặc biệt là tuyên truyền, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo.

Có được những kết quả tích cực đó, cần ghi nhận việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chủ quản NXB. Phần lớn các cơ quan đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động của NXB, đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm. Ða số NXB có trụ sở làm việc tương đối khang trang, hoạt động ổn định. Cụ thể, trong tổng số 63 NXB cả nước, có 46 NXB được đầu tư trụ sở làm việc với diện tích từ 200 m2 trở lên; 50 NXB có đầy đủ chức danh giám đốc, tổng biên tập; một số NXB được bổ nhiệm chức danh phó giám đốc, phó tổng biên tập. Hầu hết cơ quan chủ quản đã có sự phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý kịp thời các sai phạm về hoạt động xuất bản. Trong năm 2014, một số NXB đã nỗ lực vươn lên, đạt doanh thu đáng kể, như NXB Lao động - Xã hội đạt 105 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất bản 13 tỷ đồng, in 17 tỷ đồng, phát hành sáu tỷ đồng; NXB Thống kê đạt hơn bốn tỷ đồng; NXB Thông tấn đạt 2,2 tỷ đồng; các NXB: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đều có doanh thu ổn định. Nhiều NXB đã xây dựng được những bộ sách giá trị mang thương hiệu của đơn vị mình, như: Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Thông tin và Truyền thông, Kim Ðồng... Nhiều NXB đã chủ động đa dạng hóa các loại ấn phẩm, tạo nên sự phong phú về thể loại và đề tài, đáp ứng nhu cầu bạn đọc và tích cực góp phần thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế.

Trách nhiệm lớn thuộc cơ quan chủ quản


Nhìn lại thị trường năm qua, mặc dù số lượng xuất bản phẩm cao hơn năm trước, nhưng chất lượng chưa tương xứng, thậm chí nhiều xuất bản phẩm còn sai phạm. Một số NXB hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả. Tám quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho sáu đơn vị với tổng số tiền phạt 380 triệu đồng; 358 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý, trong đó 129 trường hợp vi phạm về nội dung; 229 xuất bản phẩm vi phạm các quy định khác của Luật Xuất bản bị xử lý... Trong đó, nhiều vụ việc nổi cộm làm dư luận dậy sóng, như chuyện sách sai phạm lại đoạt giải Sách hay; Từ điển tiếng Việt sai lệch tồn tại nhiều năm trong Thư viện quốc gia; bìa sách pháp luật minh họa hình diễn viên hài ăn mặc phản cảm... Nặng nề nhất, hai NXB Thời Ðại và Văn hóa - Thông tin bị đình chỉ hoạt động để thanh tra toàn bộ, xử lý sai phạm và chấn chỉnh hoạt động. Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa thẳng thắn: "Với những sai phạm thời gian qua, các NXB, đối tác liên kết và Cục Xuất bản, In và Phát hành bị lên án. Nhưng đã đến lúc phải nói thẳng về vai trò của các cơ quan chủ quản. Theo quy định của pháp luật, cơ quan chủ quản có phần trách nhiệm rất lớn đối với hoạt động của các NXB, từ việc đầu tư cơ sở vật chất đến bổ nhiệm, đề bạt cán bộ quản lý cho NXB, chịu trách nhiệm khi để NXB có hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích...".

Thực tế, nhiều NXB không được bảo đảm các điều kiện hoạt động theo qui định của Luật Xuất bản. Phần lớn các NXB không được cơ quan chủ quản cấp vốn hoặc đầu tư vốn lớn, vốn để kinh doanh rất ít. Trong tổng số 63 NXB chỉ có 18 NXB bảo đảm điều kiện về vốn theo quy định của Luật Xuất bản (từ năm tỷ đồng trở lên). Có 10 NXB không được cấp vốn và hỗ trợ kinh phí là Lao động, Mỹ thuật, Hội Nhà văn, Tôn giáo, Thông tấn, Tri thức, ÐH Kinh tế quốc dân, ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nghệ An. Ðến nay, nhiều NXB vẫn chỉ nhận được số vốn đầu tư ít ỏi từ ngày đầu thành lập, chưa được bổ sung vốn theo đúng quy định của Luật Xuất bản, cụ thể: NXB Thanh Niên là 650 triệu đồng, NXB Ðại học Thái Nguyên 200 triệu đồng, NXB Ðại học Hàng hải 250 triệu đồng... Trên 50% số NXB hiện có vốn làm sách dưới hai tỷ đồng, tức là chỉ có thể đầu tư được từ năm đến mười đầu sách. Tình trạng thiếu vốn, nhất là vốn lưu động dẫn đến sự phụ thuộc của các NXB vào đối tác liên kết ngày càng nghiêm trọng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm. NXB Văn hóa - Thông tin là một trong những "điển hình" khi hai năm qua rơi vào thảm cảnh không nuôi nổi mình, phải nợ lương và cho nhân viên ở nhà... Hàng chục cuốn sách sai phạm và việc bị đình chỉ hoạt động của NXB này trong năm qua là một hệ quả tất yếu. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự, nguồn nhân lực cũng là nguyên nhân quan trọng, khi ở một số cơ quan chủ quản, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm, chăm lo đúng mức, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lớn về cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên có trình độ cao. Một số NXB thiếu một hoặc cả hai chức danh giám đốc và tổng biên tập; nhiều cơ quan chủ quản còn để tình trạng kiêm nhiệm với hai chức danh này, khiến công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động NXB gặp nhiều vướng mắc, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý sai phạm... Phó Vụ trưởng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn An Tiêm, nhấn mạnh: "Ngoài những khó khăn chung của đất nước và những vướng mắc, thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật, thì sự thiếu quan tâm của cơ quan chủ quản vẫn là nguyên nhân cơ bản; trong đó xuất phát điểm vẫn là vấn đề nhận thức chưa đúng, chưa tới về vị trí, vai trò của NXB trực thuộc trong nhiệm vụ chung của cơ quan chủ quản".

Hội nghị về công tác cơ quan chủ quản NXB mới đây đã đặt ra một số giải pháp quan trọng: cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, vốn, trụ sở, nguồn nhân lực cho NXB; tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định nội dung xuất bản phẩm và chấn chỉnh công tác tổ chức, điều hành hoạt động NXB, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; quan tâm, theo dõi, đôn đốc tiến độ kiện toàn, sáp nhập các NXB, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, tinh gọn và hoạt động có hiệu quả của NXB sau khi kiện toàn, sáp nhập... Về phía NXB, cần chú trọng bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, phục vụ nhu cầu mọi đối tượng bạn đọc; rà soát chấn chỉnh các điều kiện hoạt động để chuẩn bị cho việc cấp đổi giấy phép thành lập theo quy định của Luật Xuất bản; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, biên tập viên phù hợp yêu cầu mới của hoạt động xuất bản và định hướng của cơ quan chủ quản.

Năm 2015 là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, đồng thời cũng là năm ngành xuất bản triển khai mạnh mẽ các quy định mới của Luật Xuất bản sửa đổi vào hoạt động thực tiễn. Vì vậy, việc xác định đúng đắn vị trí, vai trò và tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan chủ quản NXB là hết sức cấp thiết, góp phần đưa hoạt động của ngành ổn định, phát triển.
Kết luận số 102 ngày 22-9-2014 của Bộ Chính trị đã bổ sung công nhận Hội Xuất bản là hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Như vậy, vị thế của Hội, của ngành đã được nâng lên. Từ thực tế yếu kém của hoạt động xuất bản hiện nay, cần đặt ra vấn đề làm thế nào để tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản NXB? Cơ quan chủ quản cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm với NXB, có sự phối hợp các ban, bộ, hội để tạo điều kiện cho NXB hoạt động. Cần tổ chức, cơ cấu lại cả về con người, vốn, cơ sở vật chất và kỹ thuật; giải quyết mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế của NXB sao cho hài hòa. Ðặc biệt, cần quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ làm xuất bản giữ vững lập trường, quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp.

NGUYỄN THẾ KỶ
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư
Các cơ quan chủ quản cần xem xét có nên để NXB của ngành hoặc địa phương mình tiếp tục tồn tại không? Nếu không ổn, có thể tính phương án giải thể hoặc sáp nhập NXB với NXB khác có chức năng, nhiệm vụ tương đồng... Năm 2015, cơ quan chủ quản NXB cần phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo T.Ư và Hội Xuất bản nghiên cứu phương án, giải pháp, cơ chế tài chính để triển khai nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư hằng năm cho xuất bản, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa tư tưởng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định nội dung xuất bản, để hạn chế thấp nhất vi phạm, góp phần lành mạnh hóa thị trường xuất bản. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra chuyên ngành, phối hợp các cơ quan chức năng chỉ đạo, xử lý kịp thời, không để các sai phạm kéo dài gây tác động xấu, nhất là trong hoạt động liên kết xuất bản.

TRƯƠNG MINH TUẤN
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông
Luật Xuất bản quy định rõ các chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của luật, gồm cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản NXB, giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên, đối tác liên kết và những người có liên quan. Do vậy, khi có sự việc xảy ra không chỉ đổ lỗi cho NXB hay biên tập viên... mà phải căn cứ vào trách nhiệm của các chủ thể theo quy định của Luật, trách nhiệm của ai đến đâu thì xem xét xử lý đến đó.

ÐỖ QUÝ DOÃN
Chủ tịch Hội Xuất bản
 
  
NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN
 
(Theo nhandan.org.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)