Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 05/02/2015 04:44
Đôi nét về văn hóa tôn trọng luật pháp ở Việt Nam

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngoài những mặt tích cực mang lại cũng đặt ra cho Việt Nam các thách thức về mặt văn hóa tôn trọng pháp luật.

 
Ảnh minh họa
 
Do vậy, vấn đề xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân là một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề cập đến.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ xin luận bàn sơ lược một số vấn đề liên quan đến xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân.

Hai điều kiện hình thành ý thức tôn trọng luật pháp

Ý thức tôn trọng pháp luật của người dân được hình thành dựa trên một trong những yếu tố cơ bản, đó là nhận thức, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân. Tuy nhiên, nhận thức, trình độ hiểu biết pháp luật của mỗi con người lại không giống nhau.

Người dân ở khu vực đô thị, nơi có trình độ kinh tế-xã hội phát triển thường có sự hiểu biết, nhận thức pháp luật cao hơn so với người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kinh tế phát triển tác động trực tiếp đến việc nâng cao mức sống của người dân ở đô thị và họ có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, nắm bắt thông tin về pháp luật.

Kinh tế phát triển cũng làm nảy sinh nhiều mối quan hệ xã hội đa dạng, phong phú và phức tạp với những khác biệt (thậm chí là đối lập nhau) về lợi ích. Mâu thuẫn phát sinh đòi hỏi phải có pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết một cách có văn hóa, văn minh những khác biệt, xung đột, tranh chấp về lợi ích. Do đó, tìm hiểu pháp luật trở thành nhu cầu nội tại của người dân, là phương thức để họ tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Song ở đây cũng cần phải nhấn mạnh một điều là có sự hiểu biết pháp luật chỉ là điều kiện cần để xây dựng hình thành ý thức tôn trọng pháp luật bởi không phải bất cứ ai có sự hiểu biết pháp luật thì đương nhiên có ý thức tôn trọng pháp luật.

Các vụ án xét xử hành vi vi phạm pháp luật của Dương Tự Trọng - nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, vụ án truy cứu trách nhiệm hình sự để xảy ra chết người của 5 đối tượng nguyên là cán bộ công an thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên)… là những ví dụ minh họa điển hình.

Ý thức tôn trọng pháp luật còn hình thành bởi các yếu tố cơ bản khác như tư cách đạo đức, lối sống, nhân thân, tính tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, sự ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân với các thành viên trong đời sống từ gia đình, nhà trường, cơ quan đến môi trường xã hội… Đồng thời, bị chi phối mạnh mẽ bởi cơ chế thực thi pháp luật với chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm.

Tình trạng tham nhũng, hối lộ, xử lý không nghiêm minh đối với hành vi vi phạm của các cơ quan quản lý, cơ quan và công chức Nhà nước trong thực thi pháp luật vô hình trung đã làm cho người dân có ý thức coi thường pháp luật.

Đơn cử trong lĩnh vực thực thi pháp luật về giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông, một người vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt thì sau đó họ lại tiếp tục lặp lại hành vi này. Đồng thời, một số người khác cũng bắt chước làm theo khiến pháp luật về giao thông không được tuân thủ.

Giáo dục, xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật là một quá trình thực hiện lâu dài, kiên trì, thường xuyên, bền bỉ và liên tục với những hình thức, cách làm đa dạng, phong phú phù hợp với từng lứa tuổi, từng nhóm người trong xã hội.

Đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền

Một trong những giải pháp cần được thực hiện trước tiên là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Theo đó, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua việc tổ chức hội nghị phổ biến, cập nhật nội dung các văn bản pháp luật mới, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền pháp luật được biên tập ngắn gọn, cô đọng, súc tích, xây dựng các câu lạc bộ về đời sống-pháp luật ở các khu dân cư; lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hoạt động của các tổ chức, đoàn thể xã hội, với việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động như phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xóa đói giảm nghèo…

Bên cạnh đó, xây dựng nội dung và đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa môn học về pháp luật trong tất cả các bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân; thường xuyên phát động và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đối với học sinh, sinh viên.

Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tiếp đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước, của công chức, viên chức Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm và triệt để những hành vi vi phạm pháp luật.

Quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật; kiên quyết loại bỏ sự tồn tại của các hình thức “phạt cho tồn tại”, tham nhũng, tiêu cực khi xử lý vi phạm pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, phẩm chất và chăm lo, nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Hơn nữa, Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để xóa bỏ những kẽ hở, lỗ hổng dễ bị lợi dụng để vi phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung hệ thống các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật nhằm giáo dục, răn đe đối với người dân.

Nêu gương để nâng ý thức

Ngoài ra, cần có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật; tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân thì một vấn đề nữa cần quan tâm là người đứng đầu cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước phải nêu cao vai trò gương mẫu, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật nhằm tạo sự lan tỏa, có ý nghĩa giáo dục đối với người dân.

Xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân cần đặt trong chương trình tổng thể về xây dựng văn hóa con người mới với tiêu chí, chuẩn mức về đạo đức, lối sống cụ thể; xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân gắn với việc đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có cơ chế khuyến khích, khơi gợi ý thức tự giác tôn trọng pháp luật của mỗi cá nhân; xây dựng và phát huy xã hội học tập suốt đời.

Nhà nước, gia đình và cộng đồng cần tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, mỗi người dân tự giác phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng về đạo đức, phát huy lối sống lành mạnh; cổ xúy hành vi ứng xử với ý thức thượng tôn pháp luật của người dân…


PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội)
 
 
(Theo chinhphu.vn)


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)