Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 07/02/2015 08:31
Thiếu bột khó gột nên hồ!

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án là hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách nhà nước chỉ chiếm một phần (khoảng 500 tỷ đồng), số còn lại sẽ huy động từ các nguồn xã hội hóa. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, dễ hiểu là sau gần 4 năm kể từ ngày được phê duyệt (28-4-2011), các nội dung của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641) vẫn chưa triển khai được bao nhiêu.

 
Khó khăn nói trên đã được Giám đốc Ban điều phối Đề án 641 Lâm Quang Thành chia sẻ với báo giới bên lề hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri về nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam tổ chức gần đây. Ông Lâm Quang Thành thừa nhận khó khăn về kinh phí đã "tác động phần nào" tới chất lượng triển khai đề án.
 
Một giờ học giáo dục thể chất của học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thái Hiền
 
Đề án 641 hướng tới mục tiêu "phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đây là lần đầu tiên ở nước ta có một đề án mang tính tổng thể nhằm từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ cho người Việt Nam. Đề án bao gồm 4 chương trình thành phần: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam; Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan; Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi; Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

Điểm qua 4 chương trình của đề án, có thể thấy rõ trong giai đoạn đầu, nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, dễ hiểu là dù cả 4 chương trình đều có Ban chủ nhiệm nhưng hầu hết chưa hoạt động, trừ chương trình 4. Trong các hoạt động của chương trình 4, có thể kể đến lễ phát động "Chung tay vì thể lực, tầm vóc người Việt Nam" (tổ chức tối 19-12-2014 tại Hà Nội), các hoạt động khảo sát thực trạng công tác TDTT ở 6% trong tổng số trường học trong toàn quốc, xuất bản một số ấn phẩm, bước đầu triển khai sữa học đường nhờ lồng ghép với các chương trình quốc gia khác…

Quyết định phê duyệt Đề án 641 của Chính phủ đề ra những mục tiêu cụ thể cho chương trình, như tới năm 2020, chiều cao trung bình nam 18 tuổi đạt 167cm, nữ 18 tuổi đạt 156cm (hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam 20 tuổi là 163,7cm, nữ 153cm). Về chỉ tiêu cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh: Chạy tùy sức 5 phút đạt trung bình 1.050m năm 2020; lực bóp tay thuận đạt trung bình 45kg năm 2020 đối với nam, chạy 5 phút đạt 850m năm 2020; lực bóp tay thuận đạt 30kg năm 2020 đối với nữ. Chỉ còn chưa đầy 5 năm để kiểm tra các mốc chỉ tiêu đầu tiên về tầm vóc và thể lực, chắc chắn trong thời gian tới Ban điều phối cần nhanh chóng tìm thêm "bột" để gột "hồ" nhằm sớm triển khai các chương trình còn lại.

Hiện nay, Ban điều phối đề án đã hoàn thành dự thảo thông tư trình Bộ Tài chính về "Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 641", nhưng do văn bản chưa được ban hành nên không có kinh phí của Nhà nước chi cho nghiên cứu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đề án. "Nếu thông tư hướng dẫn sớm được phê duyệt, việc triển khai đề án chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nhiều" - Ông Lâm Quang Thành khẳng định.

Tuy nhiên, như đã phân tích, nguồn kinh phí ngân sách chỉ nên mang ý nghĩa khởi động và hỗ trợ vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian tới, Ban điều phối đề án cần đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là thông qua công tác xã hội hóa. Để có cơ sở làm tốt việc này, GS.TS Dương Nghiệp Chí đề xuất Bộ Tài chính xem xét cho Ban điều phối thành lập Công ty Đầu tư phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, giúp chủ động huy động nguồn ngân sách và ngoài ngân sách để phục vụ đề án

Khuyến khích việc xây dựng cơ sở tập luyện thể thao trong trường học
 
(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Theo đó, UBND các cấp quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động này theo tiêu chuẩn quốc gia; thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng đối với các trường tư thục để các trường này có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu thể thao. Các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai. Nhà nước cũng khuyến khích đầu tư các công trình phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường theo hình thức đối tác công - tư.
 
Khánh Vũ

 
Mai Hoa
 
(Theo hanoimoi.com.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)