Đảng trưởng thành trong lãnh đạo kinh tế
85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa vị thế của nước ta ngang tầm với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời; chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng... vừa là cơ sở khoa học vừa là thực tiễn để khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam. Không chỉ lãnh đạo tài tình công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những sáng tạo, trưởng thành trong lãnh đạo kinh tế. Từ lúc mới sơ khai, trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, năm 1930, về phương diện kinh tế, Đảng ta đã khẳng định: "Thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v..) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh quản lý... Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo... Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo... Mở mang công nghiệp và nông nghiệp".

Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn.
Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối "Kháng chiến, kiến quốc". Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước không thể giành thắng lợi được nếu như chúng ta không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thành tựu trong công cuộc đổi mới gần 30 năm qua gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những đột phá về kinh tế như “khoán 100”, “khoán 10”, “trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp”, “cải cách hành chính”, “cải thiện môi trường kinh doanh”, “hội nhập kinh tế”, “phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”, “tạo môi trường bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp”… đều bắt đầu từ chủ trương, Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Gần 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ một quốc gia thiếu triền miên về lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục cao hơn mức bình quân của thế giới. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Mặc dù cũng còn nhiều điều chưa hài lòng với sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền ở một số địa phương, ngành trong lĩnh vực kinh tế, trong vấn đề phòng, chống tham nhũng, nhưng phải khẳng định rằng, trong gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta có những thay đổi vượt bậc. Bạn bè quốc tế đánh giá cao về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã giảm đáng kể những hộ gia đình đói nghèo, được Liên hợp quốc đánh giá cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đông đảo người dân ghi nhận, tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Việt Nam là đất nước thanh bình, an ninh được bảo đảm, du khách quốc tế đến Việt Nam không lo sợ về tính mạng như ở nhiều quốc gia khác…
Năm 2014, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội trong nước còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 đã đạt được mục tiêu tổng quát, đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%. Mức tăng trưởng năm 2014 cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; khu vực dịch vụ chiếm 43,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2013 là: 18,38%; 38,31%; 43,31%). Dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng. Tình hình vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định hơn. Lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Cầu trong nước đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Cán cân thương mại được cải thiện, trong đó xuất siêu đạt mức cao. Dư nợ tín dụng tăng cao hơn mức tăng của các năm trước. Thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối ổn định. Khó khăn của doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ. Đời sống dân cư ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính có bước tiến bộ. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đạt kết quả tích cực.
Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015 là rõ nét và vững chắc. Sản xuất và tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2015 của cả nước tăng cao, tới 17,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 1-2014 và mức tăng bình quân các tháng năm 2014. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia khẳng định niềm tin kinh doanh và đầu tư được củng cố và duy trì vững chắc, nhờ những cam kết, nỗ lực cải cách hành chính và thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư theo hướng thị trường, bình đẳng, minh bạch hơn. Chỉ số BCI về niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng mạnh kể từ quý IV-2013, đạt 78 điểm tại quý IV-2014. Đây là mức cao thứ hai kể từ năm 2010. Trên thị trường chứng khoán, bất chấp sự kiện Biển Đông và sự bất trắc của kinh tế thế giới, chỉ số VN-Index tăng 8% trong năm 2014. Tính đến 27-1-2015, VN-Index tiếp tục xu thế phục hồi tăng 6%, sự phục hồi này nhờ vào giá xăng dầu giảm, nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu giải ngân trở lại. Dựa trên phân tích định lượng, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng quý I-2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,2% là khả thi.
Trong quá trình lãnh đạo kinh tế, cũng có lúc Đảng ta mắc phải sai lầm, khuyết điểm. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986 là một ví dụ. Giai đoạn này Đảng ta đã bỏ nhiều công sức vào việc tìm tòi một chiến lược kinh tế làm cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng lựa chọn mô hình kinh tế nào để thực hiện mục tiêu đó thì gặp nhiều khó khăn. Đảng đã lựa chọn chiến lược công hữu hóa, nhà nước hóa toàn bộ lĩnh vực kinh tế thông qua cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng mô hình kinh tế 500 huyện, bỏ qua thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh lâu dài. Kết cục là kinh tế trì trệ và suy thoái, đời sống nhân dân nghèo nàn trong cơ chế bao cấp tràn lan. Thế nhưng, ngay sau đó, Đảng ta đã sửa chữa bằng đường lối đổi mới từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986). Từ đó đến nay, đường lối kinh tế do Đảng ta vạch ra và toàn dân ta thực hiện đã đi dần đến mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để tăng cường khả năng tham mưu, đề xuất và giám sát về kinh tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XI này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, sau hơn hai năm tái lập, Ban Kinh tế Trung ương đã làm được khá nhiều việc. Đặc biệt là trong năm 2014 vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung cho tổng kết 30 năm đổi mới về lĩnh vực kinh tế; nghiên cứu tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020; tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị trong việc xây dựng dự thảo báo cáo chính trị và báo cáo phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với quá trình phát triển với nhiều thăng trầm của lịch sử, vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không hề thay đổi. Trong xu thế mới của đất nước và thời đại hiện nay đã và đang đặt ra cho vai trò lãnh đạo của Đảng những nhiệm vụ mới, trong đó có nhiệm vụ lãnh đạo công cuộc phát triển kinh tế hội nhập toàn diện của đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam không giao quyền này cho ai bởi toàn dân tộc Việt Nam đã tin yêu Đảng, đặt trên vai Đảng trọng trách nặng nề đó.
ĐỖ PHÚ THỌ
(Theo qdnd.vn)