Vĩnh biệt Ăng-ri Mác-tanh, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn của những người bạn Pháp. Trong đó phải kể đến những "chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam" như Ray-mông Ðiêng và Ăng-ri Mác-tanh. Họ là những người bạn Pháp tiêu biểu, gắn bó với Việt Nam từ khi còn rất trẻ cho đến ngày nay, từng dũng cảm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Ðông Dương, bị tù đày và chính họ đã góp phần đáng kể làm thức tỉnh nhân dân Pháp, từ đó dấy lên và lan rộng phong trào phản chiến, ủng hộ Việt Nam.
Sinh ngày 23-1-1927, Ăng-ri Mác-tanh là một trong những người đi đầu trong phong trào phản đối chiến tranh của thực dân Pháp tại Việt Nam và Ðông Dương trong những năm 50 của thế kỷ 20. Ðến Việt Nam lần đầu ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, người lính Pháp Ăng-ri Mác-tanh và các đồng đội được điều sang Ðông Dương để giải giáp quân Nhật. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thực tế trái hẳn với những điều mà quân đội Pháp vẫn tuyên truyền trước đó. Ông đã sớm nhận ra thực chất cuộc chiến phi nghĩa của quân đội Pháp. Từ những thông tin của quân lính Pháp trở về tàu sau mỗi trận càn, ông được biết quân đội Pháp đã giết hại nhiều người dân vô tội, đốt phá nhiều làng mạc, cướp bóc nhiều của cải của người dân Việt Nam. Phẫn nộ trước những hành động tàn ác và vô nhân đạo đó, ông đã hai lần làm đơn xin về nước trước thời hạn nhưng không được chấp nhận.
Ông nhiều lần kể lại rằng: "Tôi vẫn nhớ một lần, chỉ huy yêu cầu tôi xuống Hải Phòng sau một trận đánh bom để theo dõi tình hình và tiêu diệt những chiến sĩ Việt Nam còn ở đó, nhưng tôi đã không làm. Tôi nhớ mình đã vui thế nào khi tìm thấy bộ đội Việt Nam và tôi đã chìa tay với những người mà tôi coi là chiến hữu".
Cuối năm 1947, khi trở về Pháp, Ăng-ri Mác-tanh liên lạc với Ðảng Cộng sản Pháp và bí mật kêu gọi các thủy thủ Pháp ở cảng Tu-lông tham gia bãi công, rải truyền đơn kêu gọi nhân dân Pháp ủng hộ Việt Nam chống thực dân Pháp. Sau hàng loạt hoạt động phản chiến, Ăng-ri Mác-tanh đã bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam ngày 13-3-1950, chỉ hai tháng trước khi hết hạn quân ngũ. Mặc dù vậy, đứng trước tòa án binh Pháp, ông vẫn tuyên bố: "Khi người ta yêu tự do, thì người ta yêu tự do của tất cả các dân tộc", đồng thời tố cáo dã tâm của tư bản Pháp kiếm lời từ cuộc chiến tranh xâm lược. Ông bị Tòa án quân sự Pháp kết án 5 năm tù vì tội tuyên truyền kích động cuộc chiến tranh Ðông Dương. Việc Ăng-ri Mác-tanh bị bắt giam và kết án tù gây nên làn sóng phản đối rộng khắp trên toàn nước Pháp. Ðảng Cộng sản Pháp và các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình đã tổ chức các cuộc vận động, biểu tình đòi trả tự do cho Ăng-ri Mác-tanh cũng như Ray-mông Ðiêng, nữ đảng viên Ðảng Cộng sản Pháp lấy thân mình chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam. Trước sức ép của lương tri, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho Ăng-ri Mác-tanh vào ngày 2-8-1953 sau gần ba năm rưỡi giam giữ.
Vụ án xét xử Ăng-ri Mác-tanh cùng những gì người chiến sĩ cộng sản này kiên trì thực hiện đã góp phần thức tỉnh nhân dân Pháp, thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Sau khi được trả tự do, ông lại tiếp tục ủng hộ, đấu tranh vì cách mạng Việt Nam. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Ăng-ri Mác-tanh tiếp tục có những đóng góp vào thắng lợi của nhân dân ta trên mặt trận ngoại giao.
Chiến thắng 30-4-1975 là mốc son sáng ngời trong lịch sử Việt Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất, miền nam được giải phóng, đất nước liền một dải, non sông về một mối. Mỗi khi nhớ lại những giây phút hòa cùng niềm vui sướng tột cùng của người dân Việt Nam trong thời khắc lịch sử đó, Ăng-ri Mác-tanh hồi tưởng những kỷ niệm không thể nào quên với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ mà ông vinh dự được gặp trong lần sang dự Ðại hội lần thứ II Ðoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam cùng Ray-mông Ðiêng năm 1956. Ông từng kể: "Ðiều tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi là được gặp Bác Hồ. Bác thật sự như một người cha, vị lãnh tụ vĩ đại nhưng rất gần gũi. Tôi không có may mắn sát cánh chiến đấu với các chiến sĩ Việt Nam trên chiến trường nhưng chỉ riêng cuộc gặp với Bác Hồ đã để lại cho tôi ấn tượng rất lớn, qua đó tôi hiểu được lòng dũng cảm, khát vọng cao cả và ý chí của dân tộc Việt Nam quyết tâm đấu tranh vì độc lập, tự do".
Trong mấy năm qua, căn bệnh ung thư vòm họng hoành hành liên tục khiến ông rất khó khăn và đau đớn khi nói chuyện với chúng tôi. Giọng nói khản đặc và phải chật vật thốt ra từng lời nhưng ông vẫn cười sảng khoái, ánh mắt sáng ngời khi nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc với Việt Nam. Ăng-ri Mác-tanh lúc nào cũng lạc quan, thể hiện tính cách đặc trưng của ông là dũng cảm, vượt lên trên mọi khó khăn, thách thức. "Tôi là một trong những người Pháp thấy mình rất Việt Nam". Ðó là những lời rất ngắn gọn, vô cùng xúc động mà Ăng-ri Mác-tanh từng nói. Tình yêu với Việt Nam trong ông vẫn luôn sâu đậm, gắn bó. Ông nói rất nhiều về những người Việt Nam thân thiện, về tình yêu ông dành cho Việt Nam trong suốt cuộc đời.
Tuổi cao sức yếu nhưng nhiệt huyết của ông vẫn không phai nhạt để góp tiếng nói vào cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Trước khi đi xa, ông vẫn đau đáu rằng sức mình có hạn nên không thể làm gì nhiều hơn cho đất nước Việt Nam mà ông hằng yêu mến bao năm qua. Không mang dòng máu Việt Nam, nhưng tấm lòng của ông vẫn luôn hướng về Việt Nam cho tới những giây phút cuối cùng...
Ăng-ri Mác-tanh đã đi xa để gặp những đồng chí từng sát cánh đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam, nhưng tình yêu của ông và những chiến sĩ đấu tranh vì Việt Nam là bất diệt, bởi nó đã được truyền tới những người thân, những người bạn của họ. Những gì ông và những người bạn Pháp đã vun trồng, xây đắp cho tình hữu nghị Pháp - Việt Nam sẽ không bao giờ phai nhòa và chắc chắn sẽ được các thế hệ trẻ của hai nước tiếp nối trên con đường đấu tranh vì hòa bình và phát triển.
Ngày 23-2-2015, Ðảng Cộng sản Pháp đã trang trọng tổ chức tang lễ cho người chiến sĩ cách mạng Ăng-ri Mác-tanh tại nhà tang lễ nghĩa trang "Giám mục La-che-dơ" - nghĩa trang lớn của thủ đô Pa-ri, nơi yên nghỉ của nhiều nhân vật nổi tiếng và danh nhân văn hóa Pháp.
KHẢI HOÀN và ÐÌNH TUẤN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp
(Theo nhandan.org.vn)