Hàm lượng axit vượt ngưỡng trong hạt trân châu có thể gây ung thư
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, chất guar gum (tác
dụng làm dày, tạo độ dẻo, nhu hóa) trong các mẫu hạt trân châu nằm
trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng 2/3 mẫu hạt trân châu lại có
hàm lượng axit vượt mức cho phép từ 1,4 – 2,5 lần... Tuy nhiên, hạt
trân châu không chứa chất polimer.
Trước đó, ngày 10.8, đoàn thanh tra Sở Y tế Hà Nội
đã lấy một số mẫu hạt trân châu, bột dưa thơm, bột dưa hấu, thạch
dâu... tại một số cơ sở ở Hà Nội và kết quả kiểm nghiệm cho thấy, các
mẫu kiểm nghiệm đều đạt tiêu chuẩn cho phép về các chỉ tiêu như chất
Guar gum, phẩm màu kiềm, hàm lượng cacbohydrat... Nhưng mẫu hạt trân
châu của một cửa hàng ở Cầu Giấy lại có hàm lượng axit benzoic vượt 2,5
lần hàm lượng cho phép; lượng axit sorbic cũng cao gấp 1,6 lần cho phép
(1.611,1mg/kg so với mức cho phép là 1.000mg/kg). Hạt trân châu DONGHUI
(Trung Quốc) cũng có hàm lượng axit sorbic vượt 1,4 lần, hàm lượng
saccarin (chất ngọt nhân tạo) vượt 4,9 lần cho phép. Bà Lê Thị Hồng
Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia cho biết, hàm
lượng các chất axit như axit benzoic, axit sorbic vượt mức cho phép sẽ
ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người sử dụng. Trước mắt, các chất này
có thể gây dị ứng, gây hiện tượng đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu. Nếu tích
tụ lâu ngày sẽ gây hại cho gan, thận, thậm chí có thể gây ung thư.
Theo Báo Văn Hóa