Xe máy sẽ phải đăng kiểm!
50.000 đồng/xe/năm
Tại Việt Nam, từ ngày 1.7.2007, mô tô, xe máy nhập khẩu và sản xuất
mới trong nước đã được kiểm soát khí thải, tương đương với mức tiêu
chuẩn khí thải Euro 2 của Liên minh châu Âu. Còn mô tô, xe máy đang lưu
hành hiện không phải chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào ngoài việc
đăng ký và được cấp biển số. Trong khi đó, loại phương tiện giao thông
này là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các TP do lưu lượng xe quá
nhiều.
|
“Chúng
tôi sẽ làm thí điểm và thực hiện tại 1 - 2 TP trước khoảng 3 năm đầu,
sau đó mới đến các TP khác (có khuyến khích các TP khác làm sớm). Sẽ
kiểm tra xe cũ trước, xe mới sau với lộ trình phù hợp” - Ông Nguyễn Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm
|
|
Ông Lê Anh Tú (Cục Đăng kiểm), thành viên ban biên soạn Đề án kiểm
soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các TP lớn cho
biết, sẽ chỉ kiểm soát những xe trên 3 năm sử dụng, bởi lẽ xe trong
vòng 3 năm đầu do còn tương đối mới, nằm trong chế độ bảo hành, bảo
dưỡng miễn phí nên đa số đạt tiêu chuẩn khí thải. Do đó, số lượng xe
máy cần kiểm soát trên thực tế sẽ ít hơn nhiều so với số liệu đăng ký
của ngành công an.
Theo Cục Đăng kiểm VN, nếu Chính phủ phê duyệt, Cục Đăng kiểm sẽ
tiến hành việc kiểm tra khí thải định kỳ bắt buộc. Những xe đạt tiêu
chuẩn khí thải được cấp tem và giấy chứng nhận mới được phép tham gia
giao thông. Xe không đạt tiêu chuẩn phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa.
Và những xe khí thải không đạt chỉ được phép tham gia giao thông tại
những địa phương, TP chưa thực hiện việc kiểm soát khí thải.
Số tiền kiểm tra khí thải 50.000 đồng/xe/năm, theo ông Lê Anh Tú, sẽ
là rất nhỏ so với chi phí xăng tốn trung bình khoảng 3 triệu
đồng/xe/năm. Ngoài ra, sau khi bảo dưỡng, sửa chữa tốt sẽ tiết kiệm
được khoảng 15% tiêu hao nhiên liệu, tức là khoảng 450 - 500 nghìn
đồng/xe/năm. Về mặt kinh tế đã thấy có lợi, chưa kể còn nâng cao hiệu
suất, kéo dài được tuổi thọ hoạt động do xe được bảo dưỡng, sửa chữa
tốt hơn. Các nhà sản xuất xe đều khuyến cáo phải bảo dưỡng, sửa chữa xe
trong quá trình sử dụng xe. Về mặt môi trường, việc này còn giảm được
rất nhiều lượng phát thải độc hại và phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ
căn cứ vào tem và giấy chứng nhận kiểm tra khí thải để xử lý các trường
hợp vi phạm. Những trường hợp mô tô, xe máy khi tham gia giao thông bị
lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện mức khí thải vượt tiêu chuẩn cho
phép sẽ bị phạt.
Không gây phiền nhiễu dân!
|
*
Theo Cục Đăng kiểm VN, khí thải của mô tô, xe máy nói riêng và xe cơ
giới nói chung là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các TP, với
nhiều loại chất ô nhiễm có hại cho sức khỏe con người như: chì,
benzene, toluene, xylene, hạt bụi lơ lửng, khí CO, HC, SO2, NO, NO2, ozone và các thành phần gây hiệu ứng nhà kính như CO2, metal và N2O. Vì vậy, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các TP lớn là một yêu cầu bức bách hiện nay.
*
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, khi lập trên 1.000 phiếu thăm dò ý
kiến, có đến hơn 60% người sử dụng xe máy không đưa xe đi bảo dưỡng
thường xuyên đúng chu kỳ 6 tháng/lần như khuyến cáo của các nhà sản
xuất. Việc kiểm tra khí xả xe máy sẽ tạo thêm thói quen phải đưa xe đi
bảo dưỡng, sửa chữa trước khi kiểm tra. Đồng thời sau bảo dưỡng, sửa
chữa giúp tiết kiệm được từ 10 - 15% xăng cho 100 km xe chạy, do vậy
tính kinh tế sẽ đảm bảo hơn, nhất là sẽ giảm thiểu khí xả tại các TP
lớn.
|
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Giao (Cục
trưởng Cục Đăng kiểm VN) nói: “Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là một
vấn đề nhạy cảm, mang tính xã hội rất cao, liên quan đến đa số người
dân đang sử dụng loại phương tiện này ở các TP lớn, nên chắc chắn sẽ có
rất nhiều ý kiến khác nhau. Thực hiện Quyết định 249/2005/QĐ-TTG của
Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Cục Đăng kiểm VN xây
dựng đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại
các TP lớn. Đây là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp do số lượng xe quá
lớn, nhiều chủng loại khác nhau, nhiều xe cũ (có cả phương tiện trước
năm 1975) vẫn được sử dụng. Do vậy, chúng tôi phải tính đến mọi vấn đề
làm sao để ảnh hưởng ít nhất đến người dân đang sử dụng xe mô tô 2
bánh. Chúng tôi sẽ làm thí điểm và thực hiện tại 1 - 2 TP trước khoảng
3 năm đầu, sau đó mới đến các TP khác (có khuyến khích các TP khác làm
sớm). Chúng tôi sẽ kiểm tra xe cũ trước, xe mới sau với lộ trình phù
hợp. Với phương châm như vậy, việc xây dựng các trạm kiểm tra cũng phải
có kế hoạch, quy hoạch từng bước đáp ứng yêu cầu kiểm tra khí thải theo
lộ trình, lấy các đơn vị nhà nước làm nòng cốt và xã hội hóa các trạm
kiểm tra, nhưng phải đảm bảo cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát
được, đồng thời không gây phiền nhiễu đến người dân đưa xe đến kiểm tra
khí thải”.
Trả lời câu hỏi của PV, lực lượng chức năng có kiểm tra, kiểm soát
nổi số lượng xe quá đông đang lưu thông trên đường, ông Giao cho biết:
Khi xây dựng đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Cục Đăng kiểm đã tập
hợp khá nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, các tầng lớp dân cư,
nhất là những người đang sử dụng xe máy. Trên cơ sở sự đồng thuận của
người dân là chính, cộng với sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức
năng (cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, thanh tra giao thông),
Cục Đăng kiểm tin rằng sẽ có nhiều người sử dụng mô tô, xe máy tự giác
đưa xe đến kiểm tra khí thải.
Trước thực tế một bộ phận người dân nghèo sử dụng xe cũ, trong đó
phần đông là từ các vùng quê lên TP mưu sinh, ông Giao giải thích:
“Chúng tôi đã tính toán nhưng không đề xuất loại bỏ xe quá cũ, mà để
người sử dụng xe máy cũ tự chuyển đổi từ TP về nông thôn, vùng sâu,
vùng xa ở những vùng chưa kiểm tra khí thải và có thể tiếp tục sử dụng
thêm một thời gian nữa”.
Theo Báo Thanh Niên