Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể người thân...
Cuốn sách sẽ góp thêm một góc nhìn mới về chân dung các vị tướng trong những khoảnh khắc đời thường, về những điều mà chỉ có người thân của họ mới được chứng kiến.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Thai Ha books cho biết: “Do quỹ thời gian cũng như khả năng còn rất hạn chế, trong lần xuất bản đầu tiên, Thai Ha books quyết định khai thác một khía cạnh nhỏ: Những vị tướng qua lời kể của người thân”.
Tập 1 của bộ sách được xuất bản lần này giúp bạn đọc tìm hiểu về cuộc sống đời thường của 15 trong số các vị tướng, trong đó có 7 vị tướng được phong quân hàm trong đợt đầu tiên năm 1948.
Cuốn sách không chỉ cung cấp nhiều tư liệu quý, mà còn có nhiều nhiều câu chuyện có giá trị được viết trung thực, rõ ràng về thân thế sự nghiệp, thể hiện rõ cốt cách, phương pháp, tác phong của mỗi tướng lĩnh trên từng cương vị công tác.
Được tập trung khai thác sâu về thân thế, sự nghiệp, có điểm nhấn trong quá trình cống hiến của các tướng lĩnh, giúp người đọc thấy được vai trò lãnh đạo, chỉ huy và những công lao đóng góp của các vị tướng lĩnh Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Những câu chuyện được kể thông qua người thân, từ một khoảng cách gần, là những kỷ niệm không quên, ấn tượng sâu sắc, tình cảm thân thương...
Bạn đọc sẽ được biết thêm về Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, vị tướng đầu tiên của quân đội, thời gian hưu trí những năm 1980 đã cần mẫn từ sáng tới tối ngồi dán vỏ bao bì cao Sao Vàng của Nhà máy in Tiến Bộ để phụ giúp cô con gái duy nhất cải thiện cuộc sống.
Chúng ta thường ngưỡng mộ những người thành danh ở tầm xa mà không để tâm đến những điều đời thường nhất. Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ được biết Đại tướng Văn Tiến Dũng thích đi guốc mộc hơn đi giày. Quân nhu phải đóng cho ông đôi giày riêng vì ông có bàn chân Giao Chỉ.
Biết nhiêu khê như thế nên ông càng giữ lắm. Nếu hỏng lại tự sửa, tận dụng đến khi không thể sửa nữa mới thôi.
Hoặc như sự chăm sóc của người vợ với Thiếu tướng Hoàng Sâm được người con trai cả của ông kể lại: “Bố thường thức khuya làm việc và dậy rất sớm nên bao giờ mẹ tôi cũng dậy trước đó đun nước và pha một ấm trà để bố uống, sau đó ăn sáng chủ yếu là bát cơm nếp hoặc cơm rang”.
Người đọc cũng sẽ hiểu thêm vì sao Trung tướng Cao Văn Khánh dù văn võ song toàn, vào sinh ra tử nhiều phen nhưng gần như cả đời chỉ được làm cấp... phó. Bởi vì tin đồn: Cao Văn Khánh là em ruột Đại tướng Cao Văn Viên - Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Thậm chí, con gái ông khi học tiểu học còn lĩnh ngay những dòng chữ trên bàn: Cháu của chó săn...
Những ấu trĩ mang tính thời điểm ấy, nay đọc lại vẫn thấy rưng rưng...
Danh sách 15 vị tướng trong tập 1 “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân” gồm: Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thiếu tướng Trần Tử Bình, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Thiếu tướng Hoàng Sâm, Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Lê Quang Đạo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Cao Văn Khánh, Thượng tướng Vũ Lăng, Trung tướng Phạm Hồng Sơn... |
Khải Đăng
(Theo nongnghiep.vn)