Bảo đảm kỹ thuật trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Lực lượng kỹ thuật Sư đoàn 316 bảo đảm kỹ thuật khí tài thông tin phục vụ trận đánh Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975. Ảnh tư liệu
Chỉ tính riêng việc trang bị và bảo đảm vũ khí cho hoạt động thường xuyên của một đội quân khổng lồ hơn một triệu bộ đội chủ lực, gần 14 vạn bộ đội địa phương và 2,4 triệu dân quân, du kích đã là một khối lượng công việc đồ sộ mà ngành kỹ thuật toàn quân đã giải quyết tốt khi lực lượng phát triển rất nhanh trong giai đoạn cuối của chiến tranh. Khi bước vào các chiến dịch Xuân 1975, yêu cầu bảo đảm kỹ thuật tăng đột biến, tất cả các loại VKTBKT đều được huy động tham gia tác chiến bao gồm: Máy bay, tên lửa, các loại pháo, xe tăng, xe bọc thép, ra-đa, tàu hải quân, thiết bị thông tin, công binh… Trước đó, ngày 10-9-1974, Tổng cục Kỹ thuật đã được thành lập để giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác quản lý và bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự và trực tiếp quản lý các xí nghiệp quốc phòng. Sự ra đời của Tổng cục Kỹ thuật trong giai đoạn cuối của chiến tranh đã giải quyết kịp thời yêu cầu của các chiến trường.
Với phương thức “Kết hợp bảo đảm kỹ thuật tại chỗ với bảo đảm cơ động, hình thành thế trận hoàn chỉnh bảo đảm kỹ thuật cho chiến dịch, theo nguyên tắc cấp trên bảo đảm cho cấp dưới…”, ngay đòn tiến công mở đầu Xuân 1975, Tổng cục Kỹ thuật đã tổ chức các căn cứ bằng lực lượng điều động từ miền Bắc vào kết hợp với Mặt trận Tây Nguyên và lực lượng kỹ thuật các đơn vị để đảm bảo chắc thắng cho chiến dịch mở màn. Trước khi nổ súng, Tổng cục Kỹ thuật đã bổ sung cho mặt trận 1.652 tấn đạn, 29 tấn vũ khí, 5.602 xe ô tô. Quân chủng Phòng không-Không quân huy động 2.034 xe làm nhiệm vụ cơ động lực lượng chiến đấu. Các quân khu dồn xe để vận chuyển bộ đội, VKTBKT cho chiến dịch. Khi chiến dịch mở màn, mặt trận được bổ sung tiếp 2000 tấn đạn, vũ khí và sau khi chiến dịch kết thúc, ta đã thu được 3.855 tấn đạn, 12.853 khẩu súng, 418 xe các loại. Số vũ khí này đã sử dụng trong các trận đánh tiếp theo một cách rất hiệu quả, đặc biệt là góp phần giải quyết tình trạng thiếu đạn pháo lớn ở các trung đoàn pháo chiến dịch. Ở Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, trước khi nổ súng Quân khu Trị-Thiên đã dự trữ 8.145 tấn vật chất, trong đó có 2.400 tấn đạn. Quân đoàn 2 có trong kho 9.004 tấn, trong đó có 5000 tấn ở Cam Lộ và 4000 tấn ở Nam Huế.
Trong thời điểm này, Tổng cục Kỹ thuật cử nhiều đoàn cán bộ, nhân viên kỹ thuật tăng cường cho chiến dịch. Các tổ, trạm kỹ thuật đi cùng các đơn vị để sửa chữa vũ khí trang bị kịp thời cho bộ đội sử dụng. Kết thúc chiến dịch, ta thu được 129 máy bay, 179 xe tăng-thiết giáp, 327 khẩu pháo, 47 tàu xuồng chiến đấu, 1.084 xe quân sự và nhiều khí tài trang bị, cơ sở kỹ thuật của địch. VKTBKT, phương tiện ta thu được, sau khi kiểm tra, sửa chữa đã bổ sung ngay cho các đơn vị, làm cho khả năng chiến đấu của ta tăng lên đáng kể.
Sau thắng lợi của 2 đòn tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Huế-Đà Nẵng, số phận của chính quyền Sài Gòn chỉ còn tính bằng ngày. Cùng với 5 cánh quân của ta đang siết dần vòng vây xung quanh Sài Gòn, lực lượng kỹ thuật cũng hối hả vào trận. Cơ quan bảo đảm hậu cần-kỹ thuật cho chiến dịch được thành lập trên cơ sở lực lượng tiền phương hậu cần-kỹ thuật và lực lượng hậu cần-kỹ thuật Miền ngày đêm đi sát đội hình bộ đội. Đến giữa tháng 4-1975, khi các đơn vị tham gia chiến dịch đã đến vị trí tập kết theo kế hoạch tác chiến thì 58.000 tấn vật chất, trong đó có 24.000 tấn vũ khí trang bị cũng đã đến tay bộ đội. Bộ Quốc phòng còn thành lập Căn cứ Hậu cần-Kỹ thuật liên hợp ở Cam Ranh (Khánh Hòa) do Tổng cục Kỹ thuật chủ trì để thu gom, dồn dịch và sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật bảo đảm cho các đơn vị. Khi các chiến dịch phát triển chiến đấu, lực lượng của Tổng cục Kỹ thuật, của Bộ tư lệnh Miền và của các quân binh chủng luôn bám sát bộ đội, kịp thời bảo đảm cho máy bay, tên lửa, vũ khí, phương tiện, trực tiếp chiến đấu và bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị. Đặc biệt, thực hiện mệnh lệnh “thần tốc” của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Quân đoàn 2 đã tổ chức thọc sâu binh chủng hợp thành gồm lực lượng Lữ đoàn xe tăng 203 với gần 100 xe tăng-thiết giáp, cùng với 2000 quân của Trung đoàn 66, hơn 50 xe ô tô, Tiểu đoàn 4 pháo binh, Tiểu đoàn 7 phòng không, phân đội tên lửa A72, 2 tiểu đoàn công binh và đại đội cầu phà. Đơn vị thọc sâu với hơn 400 xe, pháo các loại chạy theo các trục đường rầm rập tiến vào nội đô Sài Gòn với sức mạnh binh chủng hợp thành không gì cản nổi đã được bảo đảm kỹ thuật tuyệt đối từ vị trí xuất phát cho đến địa điểm cuối cùng là Dinh Độc Lập.
Công tác bảo đảm kỹ thuật chu đáo, kịp thời trong các chiến dịch Xuân 1975 đã làm cho hiệu quả tác chiến của các đơn vị luôn được phát huy cao nhất, góp phần cho chiến đấu thắng lợi. 40 năm đã qua, ngày nay, các lực lượng và kinh nghiệm bảo đảm kỹ thuật trong chiến tranh vẫn là nền tảng để phát triển lực lượng kỹ thuật phục vụ xây dựng quân đội chính quy, hiện đại.
Thiếu tướng NGUYỄN NHƯ HUYỀN
(Theo qdnd.vn)