Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 23/03/2015 04:51
Đọc và …đọc lại

"Đọc, không đủ. Đọc lại - theo tất cả những nhà tư vấn - quan trọng hơn. Và đọc lại, không chỉ riêng những cuốn sách, mà ký ức về chúng đang phai mờ, hay, chúng ta đã không hiểu hết khi đọc lần đầu: mà cả những câu văn, danh từ, động từ và cả chỉ dẫn nữa, những cái xác định một cách cốt tử điều gì đấy trong cuốn sách. Một cuốn sách muốn gì? Nó muốn phải hiểu được nó. Nhưng điều này xảy ra chậm chạp, chậm chạp và rắc rối gần giống như trong cuộc sống vậy. Đối với những cặp vợ chồng, đôi khi họ cần một khoảng thời gian là vài ba chục năm thì người này cuối cùng mới làm kẻ kia hiểu mình được. Sách cũng là người quen biết không dễ nắm bắt như thế. Đọc theo sưu tập, theo mốt, hay theo truyền thống, là thiếu sót; dựa theo bản năng, chúng ta cần tìm đến cuốn sách, cái cuốn sách mà nó có thể nói điều gì đó một cách trực tiếp với chúng ta. Nên thường xuyên đọc, như con người ta thường xuyên ngủ, thường xuyên ăn, thường xuyên yêu và hít thở. Sách, giống như con người vậy, chỉ dâng hiến bí mật, tin cậy của nó cho ta, khi mà ta cũng trao gởi bản thân mình cho sách. Ta không thích đọc những cuốn sách loại khác, chỉ những loại là sở hữu của ta. Chiếm lĩnh được ý nghĩ, kiến thức có trong sách, chưa đủ. Mà, - một cách không khoan nhượng, như con người ta thèm muốn tình yêu - phải là của ta cả bản thân cuốn sách nữa, cái bồ đựng bụi tư duy trần gian này.

 
Mình mọt sách từ ngày nhỏ và sở thích này là do bố mình truyền cho. Mình còn nhớ cuốn sách đầu tiên mình được bố thưởng cho nhân dịp tháng đi học đầu tiên được xếp hạng 6 trong lớp là cuốn truyện tranh Mùa bí đỏ của Nhà xuất bản Kim Đồng (mà thời đó cũng chỉ có Kim Đồng xuất bản sách cho trẻ con). Bây giờ cứ mỗi lần đưa con đi mua sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, lòng  mình lại rưng rưng khi chợt thấy một cuốn sách “quen” bày trên kệ sách…Trẻ con giờ có ai còn thích đọc những truyện hồi nhỏ mình mê mẩn như Nơi xa, Quê Nội không nhỉ? Bọn trẻ nhà mình thì không, có thể xem đi xem lại phim Đất phương Nam mà nhất định không chịu đọc Đất rừng phương Nam mặc cho mẹ ra sức “tuyên truyền” là sách còn hay hơn phim.
 
Đến khi lớn hơn, có thể tự mua sách thì mình thường xuyên nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách. Người mê đọc sách thập kỷ 80 không có quá nhiều chọn lựa như bây giờ. Mình nhớ thời học cấp 3 cũng là lúc trông chờ đón mua những tập mới ra của Sông Đông êm đềm, Tiếng chim hót trong bụi mận gai… Có những cuốn mình đọc, thích và đọc đi đọc lại mà vẫn thấy xúc động như Đồi gió hú, Jenny Gerhardt, Đèn không hắt bóng, Bông hồng vàng …Có những truyện ngắn mình đọc và nhớ mãi những chi tiết trong truyện như Những ô cửa màu xanh (truyện ngắn Nga) hay một truyện nữa cũng của Liên Xô (mình quên mất tên rồi) mà nhạc sĩ Bảo Chấn nói chính truyện này đã tạo cảm hứng cho ông viết ca khúc đình đám một thời Tình thôi xót xa. Có những tiểu thuyết thật ra là quá sức cảm thụ của mình lúc đó như Đỏ và Đen, Quo Vadis, Trăm năm cô đơn
 
Còn nhớ, tuổi 17, mình chưa đủ vốn sống để hiểu hết những gì Erich Maria Remarque muốn chuyển tải qua Một thời để sống và một thời để chết, mà đúng tựa là Một thời để yêu và một thời để chết. Ấy thế nhưng mình lại vô cùng ấn tượng đọan  kết của tiểu thuyết về anh lính Đức Graber bị chính một trong những người Nga bắn chết sau khi anh cứu sống một tù binh Nga nhưng không chịu đi cùng họ. Một kết thúc buồn không chiều lòng độc gỉa với hình ảnh Graber ngã xuống vạt hoa thỏ ti và suy nghĩ cuối cùng của anh là về ngừơi vợ mới cưới Elizabeth. Bây giờ mình tìm khắp các nhà sách mà không ra cuốn này để đọc cho thấu đáo, hỏi thì chỉ được trả lời chung chung là không thấy tái bản. Tìm đọc ebook cũng không có, tra Google từ hoa thỏ ti thì không ra, tiếc quá mình chỉ muốn biết hoa này thực ra tên tiếng Đức là hoa gì. Hay là bao nhiêu năm nay mình cứ nhớ từ này trong đầu sai nhỉ?!
 
Sách thời bao cấp in trên giấy rơm vàng khè, nhưng kỷ niệm thì lại vô cùng quý gía đối với mình. Một cô bé mê sách và mê được đọc sách. Mỗi khi mình giở lại những trang sách cũ đó, mọi kỷ niệm lại ùa về. Đọc và đọc lại vẫn là một chặng đường phía trước mà đi gần nửa mình vẫn chẳng thể nào nguôi ngoai.
 
 
Trần Duy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)