Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 02/09/2009 09:09
Trong nắng Ba Đình
Âm vang trong sớm Ba Đình, ta như nghe rõ mối giao hòa nồng ấm giữa trời đất với lòng người, cho tháng chín này lại đúng mùa lễ Vu Lan - để cháu con thêm một lần được bày tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
 

Con người có tổ, có tông. Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… Ta đã lớn lên từ câu chuyện bát cơm phiếu mẫu, để càng hiểu thêm lòng mẹ bao dung, độ lượng nhường nào. Ta đã lớn lên vững vàng, cứng cáp từ phụ tử tình thâm, để biết đi đúng con đường cha đã dấn thân.

 

Âm vang trong nắng Ba Đình, lời “Tuyên ngôn độc lập” Bác Hồ đọc ngày 2 tháng 9 sáu mươi tư năm trước còn ấm mãi, rung động mãi lòng mỗi người dân nước Việt: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”. Thế giới đã biết đến Việt Nam bởi: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Trong lung linh nắng Ba Đình, đã bừng lên một kỷ nguyên mới trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc - Kỷ nguyên của độc lập, tự do; của nền dân chủ - cộng hòa; của Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

 

Sáu mươi tư năm đã qua, đi trên con đường đã chọn, vượt qua đầy chông gai, thử thách; nhờ bàn tay chèo lái của Đảng, cả dân tộc đã vượt qua mọi gian nan, khốc liệt để có ngày non sông quy về một mối, con cháu Lạc Hồng nối vòng tay lớn xây lại cơ đồ trong niềm hân hoan của độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

 

Rưng rưng trong sớm Ba Đình, ta thêm nhớ ngày Bác đi xa, nhớ và gắng thực hiện cho được Di chúc của Người:“Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng Thế giới”.

 

Hôm nay trong sớm Ba Đình, những đứa con của Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng đang tự nhìn lại mình sau 40 năm thực hiện Di chúc của Người, để biết rằng: “Nhiều điều Bác căn dặn trong Di chúc chúng ta đã làm được, nhưng nhiều điều chúng ta vẫn chưa làm được”.

 

Hà Nội hôm qua, Thủ đô hôm nay đã và đang là nơi hội tụ, kết tinh tinh hoa của dân tộc, đất nước, tạo nên sức lan tỏa đến bốn phương. Thủ đô hôm nay với một diện mạo mới, tầm vóc mới thật sự đòi hỏi một tầm tư duy mới trên tất cả các mặt công tác: Xây dựng Đảng, chính quyền; ở mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quy hoạch và phát triển đô thị, quốc phòng - an ninh.

 

Bốn mươi năm, trọn một tình yêu với Bác, Hà Nội không chỉ là nơi lưu giữ di hài của Người, mà đã luôn gắng thực hiện Lời Người dạy.

 

“Trước hết nói về Đảng…”. Với Đảng bộ Hà Nội, dường như cái ý thức về giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng không hề đơn thuần là kiểu gìn giữ theo cách dĩ hòa vi quý. Chưa phải tất cả mọi cuộc sinh hoạt đảng ở cơ sở đã thật sự hiệu quả, nên đây đó vẫn còn những đảng viên sa sút về phẩm chất, yếu kém về năng lực chuyên môn mà không phải lúc nào cũng bị chỉ việc, đọc tên. Cái bóng của những “chiếc ô quan hệ” vẫn thấp thoáng đâu đó, trong đời sống sinh hoạt. Những khối u nhỏ nhất đã lớn dần trong nhiều năm làm cho: “Sự suy thoái về đạo đức lối sống dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra rất nghiêm trọng, có xu hướng tăng về cả số lượng lẫn phạm vi”.

 

Đoàn kết, nhất trí phải bắt nguồn từ sự tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc. Chưa phải tất cả các cuộc sinh hoạt đảng ở cơ sở đã làm được điều ấy. Im lặng, ngại va chạm để yên thân, để vinh thân, phì gia xem ra đang là cách lựa chọn của không ít cán bộ, đảng viên. Những câu chuyện xoay quanh cái “ghế” nghe mà buồn đến rơi nước mắt.

 

Rồi quan liêu, xa rời dân, thổi phồng thành tích, né tránh sự thật, trù úm người đấu tranh phê bình… chưa phải đã bị hoàn toàn triệt tiêu.

 

Đảng bộ Hà Nội biết điều ấy, nên đã và đang có những biện pháp tích cực, hiệu quả ngăn ngừa những căn bệnh nguy hại này.

 

Làm tốt công tác xây dựng Đảng trước hết là phải xây dựng cho chính mỗi cán bộ đảng viên một lập trường tư tưởng kiên định, có bản lĩnh chính trị, ý thức pháp luật, khả năng tập hợp quần chúng. Nhưng, xem ra những yêu cầu cơ bản ấy không phải tổ chức cơ sở đảng nào cũng thấm nhuần và thực hiện một cách có hiệu quả. Bệnh hình thức trong nghiên cứu, học tập nghị quyết chưa phải đã hết ở nhiều địa phương, cơ sở nên sự hời hợt, nông cạn trong nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên là điều khó tránh.

 

Với Hà Nội, bài học về công tác xây dựng Đảng chưa bao giờ là cũ.

 

Trên các lĩnh vực khác, những con số trong phát triển kinh tế đã dần hài hòa với các báo cáo về văn hóa - xã hội. Tăng trưởng kinh tế đang được điều chỉnh hợp lý với các mục tiêu xã hội. Các khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái, sân gôn… đang được xem xét, cân nhắc, quyết định để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đảng bộ Hà Nội đã chọn phương châm “gần dân, hiểu dân, hỏi dân” để xử lý tốt nhất các mối quan hệ này.

 

Dẫu chưa phải tổ chức đảng, chính quyền cơ sở nào cũng đã có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng bộ mặt nông thôn Hà Nội đã đổi thay nhiều, bà con các dân tộc được về với Thủ đô đã thấy ánh điện sáng bừng.

 

Hôm nay trong sớm Ba Đình, nhìn lại cả một chặng đường xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân” ta mới càng thấm thía hơn điều mà ông cha ta đã dạy: “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”.

 

Sáu mươi tư năm kể từ Ngày Độc lập, Nhà nước ta, các cấp chính quyền cơ sở của ta, trong đó có Hà Nội đã làm được nhiều việc cho dân. Một Hà Nội ngày đầu tiếp quản với 36 phố phường hôm qua, nay đã khác nhiều: Lớn hơn cả về diện tích tự nhiên, lẫn quy mô phát triển. Không chỉ ở nội thành, mà bữa cơm của người lao động nghèo những vùng ngoại thành xa xôi đã thấy đầy hơn. Trẻ em đã có manh áo mới trong ngày tựu trường. Những nhu cầu tối thiểu bảo đảm đời sống dân sinh như điện, nước cũng đỡ chật vật nhiều. Những “túp lều chị Dậu” chỉ còn sót lại trong ký ức.

 

Hà Nội cũng đang gắng làm tốt hơn công tác quản lý hành chính trên địa bàn, bởi mỗi quyết định trong công tác này dù mang tính phổ biến hay cá biệt đều có tác động đến các đối tượng phải thực thi, điều này không dễ tránh khỏi khiếm khuyết. Hà Nội đã thử nghiệm những cách làm mới, để rồi lại tự dẹp bỏ hay chọn cho mình cách nào thích hợp nhất. Ấy là sự dũng cảm, là cái nhìn biện chứng trong sự phát triển.

 

Lung linh trong sớm Ba Đình, một Hà Nội hào hoa và thanh lịch đang tự góp cho mình tất cả những giá trị văn hóa của Đông Đô, của xứ Đoài mây trắng cho ngày Thăng Long ngàn tuổi. Văn hóa Hà Nội hôm nay là những gì được chắt lọc từ sự giao thoa văn hóa bốn phương, để từ đó lắng đọng, kết tinh, tạo ra một Hà Nội đằm thắm mà nồng nàn, hào hoa mà duyên dáng.

 

Đất nước đã nuôi lớn những đứa con của Mẹ. Mẹ đất nước đã dạy các con biết đứng lên trong gian khó, vượt lên qua vấp ngã, để hôm nay trong sớm Ba Đình Hà Nội lại xin thay mặt cả nước thưa cùng Mẹ những đau đáu nỗi niềm, những trở trăn day dứt về bao điều còn phải gắng làm cho một mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

(Theo Hanoimoi.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)