Chúng ta rất mừng không chỉ vì đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế, đã phá được thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch mà hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước ta không ngừng được mở rộng, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta chưa khi nào cao như hiện nay.
Những thành tựu đó là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó "đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để phát triển đất nước” như Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội IX của Đảng đã khẳng định.
Những thành tựu to lớn đó đồng thời là những tiền đề hết sức quan trọng để tăng cường sự đồng thuận và ổn định xã hội, để không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống.
Từ sau Đại hội VI của Đảng – Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và thấm nhuần bài học "lấy dân làm gốc”, Đảng ta đã quan tâm nhiều đến việc củng cố, tăng cường mối quan hệ truyền thống và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ trong điều kiện mới.
Triển khai Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII của Đảng đề ra và các Nghị quyết của các kỳ Đại hội tiếp theo, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo, về các giai cấp, tầng lớp xã hội như: Nghị quyết 22 ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị (khóa VI), "Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”; Nghị quyết 24 năm 1996 của Bộ Chính trị (khóa VI) "Về công tác tôn giáo”; Nghị quyết 25 ngày 9-2-1991 "Về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên”; Nghị quyết 8B ngày 27-3-1990 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) "Về đổi mới công tác vận động nhân dân, củng cố mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân”; Nghị quyết 04 ngày 12-7-1993 của Bộ Chính trị "Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; Nghị quyết 07 ngày 17-11-1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) "Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất”; Ngày 13-1-2003 Ban Chấp hành TƯ (khóa IX) đã ra các Nghị quyết "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, "Về công tác dân tộc”, "Về công tác tôn giáo” và Bộ Chính trị ra Nghị quyết 36 "Về người Việt Nam ở nước ngoài” cùng nhiều Chỉ thị, Kết luận quan trọng khác. Và gần đây nhất, ngày 12-12-2013 Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quyết định số 217 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218 "Về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Những Nghị quyết nêu trên đã từng bước được thể chế hóa thành luật, pháp lệnh, chính sách và ngày càng thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
Nếu như Đại hội IV của Đảng đặt vấn đề đoàn kết những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội nhằm thực hiện mục tiêu chung là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì đến Nghị quyết 07/NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) "Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” ngày 17-11-1993 đã có sự điều chỉnh. Đó là "Nhiệm vụ chung của Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn hiện nay là” phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới” nhằm thực hiện mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX lại xác định rõ hơn: "Thực hiện đại đoàn kết của dân tộc, các tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành phần trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài.
Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai” (1)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định lại nội dung của điểm tương đồng đã được nêu trên và bổ sung: "đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội” (2).
Có thể khẳng định: Qua 30 năm tiến hành đổi mới đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được mở rộng và tăng cường trên cơ sở thống nhất về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ngày càng phát huy tốt hơn vai trò tập hợp xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Nhà nước chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu của đất nước. Đó là nhân tố rất quan trọng, là động lực chủ yếu đảm bảo sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Cùng với những chuyển biến và tiến bộ nêu trên, nhiều vấn đề mới đã và đang nảy sinh trong quá trình đổi mới. Đó là xã hội, giai cấp, tầng lớp, nhóm dân cư vẫn đang trong quá trình phân hóa.
Giai cấp công nhân phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về ngành nghề với hơn hai phần ba đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, một bộ phận đang gặp khó khăn vì những năm gần đây không có việc làm, không có chỗ ở, thu nhập thấp, đối với nữ có gia đình không có nhà gửi trẻ, trường học.
Giai cấp nông dân – lực lượng đông đảo nhất vẫn đang trong quá trình chuyển hóa nhanh chóng. Đời sống đại bộ phận nông dân được cải thiện rõ rệt, song mặt khác cũng cho thấy tuyệt đại bộ phận hộ nghèo là nông dân, đặc biệt là nông dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.
Đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và đa dạng về ngành nghề song đang hẫng hụt nghiêm trọng về trí thức đầu đàn, nhất là những ngành mũi nhọn và những năm gần đây số cử nhân, thạc sĩ mới tốt nghiệp không có việc làm ngày càng nhiều.
Với sự tác động của nền kinh tế nhiều thành phần đã hình thành nhanh chóng và đông đảo đội ngũ dân doanh. Lớp doanh nhân này có vai trò ngày càng lớn trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và góp phần ngày càng có ý nghĩa vào tổng thu nhập quốc dân. Song cũng đã xuất hiện những doanh nhân "ma”, doanh nhân làm ăn bất chính như: lừa đảo, chụp dật, lậu thuế, trốn thuế v.v…
Đối với cán bộ, viên chức, số đông sống chủ yếu bằng đồng lương. Tuy Nhà nước đã nhiều lần nâng lương nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn do giá cả leo thang, đã xuất hiện một bộ phận bằng nhiều việc làm, nhiều biện pháp để có những nguồn thu nhập khác, kể cả những việc làm bất chính, vi phạm đạo đức của người cán bộ và pháp luật của Nhà nước.
Cùng với sự chuyển hóa của các giai cấp và các tầng lớp xã hội là sự chênh lệch ngày càng lớn về mức thu nhập và hưởng thụ giữa các vùng miền, giữa người đương chức và người về hưu, giữa thành thị và nông thôn, giữa các ngành nghề v.v… phân hóa giàu nghèo có chiều hướng gia tăng đã và đang ảnh hưởng lớn đến khối đại đoàn kết.
Những đặc điểm nêu trên đã tác động mạnh đến khối đại đoàn kết. Vì vậy, tuy qua 30 năm đổi mới, đại đoàn kết toàn dân tộc đã không ngừng được mở rộng song chưa vững chắc và đang đứng trước những thách thức mới không thể xem thường.
Như Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) đã từng nhận định: Lòng tin của một bộ phận nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và khả năng quản lý của Nhà nước có phần giảm sút. Nhân dân, nhất là nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ về hưu, những người sống chết vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cả đời phấn đấu cho độc lập, tự do rất bất bình trước những bất công xã hội, trước tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xa dân, trước tình trạng kỷ cương, phép nước không nghiêm; đạo đức có lúc, có nơi, có bộ phận xuống cấp; tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông không giảm; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách không đến nơi đến chốn; nói nhiều làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm v.v…
Các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục khai thác những thiếu sót, yếu kém của ta hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định xã hội.
Để đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng thực sự là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp Đảng đang tiến hành đại hội các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, cần làm cho cả hệ thống chính trị, từng cán bộ đảng viên và mọi người dân quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Kiên trì thực hiện mục tiêu: "Giữ vững độc lập thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” lấy đó làm điểm tương đồng, làm chất kết dính, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội thành một khối thống nhất, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ v.v…
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết nhân nghĩa, khoan dung của tổ tiên, cùng nhau phấn đấu xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển nhanh và toàn diện đất nước trong vài thập kỷ tới.
Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)
__________
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 123 - 124
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 48.
(Theo daidoanket.vn)