Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 27/03/2015 11:45
Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945 - bộ tư liệu quý, đồ sộ khắc hoạ bức tranh đa chiều về Hà Nội trước năm 1945

Chiều ngày 26/3/2015, Ban Quản lý Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến – Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức nghiệm thu bản thảo “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ là chủ biên. Đây là một công trình đồ sộ cung cấp nguồn tư liệu quý được biên dịch sát với tư liệu gốc, được lựa chọn và dịch phủ hết các mặt lịch sử, văn hoá, sự kiện và nhân vật lịch sử, tình hình chính trị, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, cảnh quan và quy hoạch đô thị của Thăng Long – Hà Nội và các vùng phụ cận nay thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng, giới hạn trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

 
Trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội, với tư cách là kinh đô lớn, phát triển tương đối liên tục và lâu đời nhất ở Đông Nam Á, kinh đô Thăng Long tự thân nó đã chứa đựng một chiều sâu lịch sử và nguồn tư liệu phong phú đa dạng. Có thể thấy, trong quá trình lịch sử đó, từ thế kỷ XVI – XVII trở đi, dưới thời chính quyền Lê - Trịnh và sau đó là thời Nguyễn, Thăng Long là nơi đón tiếp các sứ đoàn, thương nhân các nước châu Á, châu Âu. Tư liệu dịch của đề tài này gồm hai giai đoạn: trước 1884 và từ năm 1884 đến năm 1945 được chọn lọc, rút gọn danh mục tư liệu có trọng tâm và đảm bảo tính cân đối giữa hai giai đoạn trước vào sau năm 1884. Những tài liệu được chủ biên chọn lọc và dịch đều trực tiếp nói về Hà Nội, Hà Nội mở rộng và những tài liệu ở góc nhìn rộng liên quan đến Hà Nội, tức là Hà Nội nằm chung trong một phông rộng của Bắc Bộ và An Nam. Những tư liệu mang tính chuyên đề, chuyên sâu và những văn kiện chính thức của nhà nước (mà cụ thể là nguồn tư liệu của chính quyền Pháp) vẫn chưa được nghiên cứu, giới thiệu một cách hệ thống. Điều này cho thấy các nguồn tư liệu đó chắc chắn sẽ góp phần bổ khuyết nhiều thông tin quan trọng cho công tác nghiên cứu và quản lý đô thị cũng như phát triển ngành đô thị học ở Việt Nam. Vì thế trên cơ sở lựa chọn và tuyển dịch những tư liệu, tài liệu về Thăng Long – Hà Nội giai đoạn trước 1945 góp phần lấp đi một khoảng trống trong nhận thức của chúng ta về Thăng Long – Hà Nội trước những thăng trầm, biến thiên của lịch sử.


GS.TS. Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Bản thảo gồm: Tổng luận; Phần 1: gồm 6 đầu tài liệu dịch với gần 300 trang; Phần 2: gồm 16 đầu tài liệu dịch với gần 700 trang. Về cơ bản đây là cấu trúc khoa học và hợp lý. Về nội dung, rõ ràng bản thảo đã chọn lọc, giới thiệu tư liệu nhằm bảo đảm tính toàn diện trên các nguyên tắc:

+ Toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế xã hội, văn hoá

+ Toàn diện, cân đối giữa các thời kỳ lịch sử

+ Toàn diện giữa các nguồn tư liệu chính thức và không chính thức (những nguồn tư liệu của nhóm, cá nhân)

+ Toàn diện về các giai tầng xã hội…

Hội đồng nghiệm thu bản thảo gồm các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hoá, văn học nghệ thuật do GS.TS. Đỗ Thanh Bình chủ trì. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu GS.TS. Đỗ Thanh Bình đánh giá cao phần tổng luận Tư liệu phương Tây về Thăng Long – Hà Nội trước năm 1945 đã khái quát được lịch sử và tư liệu lịch sử về Thăng Long – Hà Nội, khảo sát tác giả và văn bản trước thời Pháp thuộc và thời Pháp thuộc viết về Thăng Long – Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Sự khái quát này giúp cho người đọc nắm bắt được một cái phông chung về tư liệu của các học giả phương Tây nói về Thăng Long – Hà Nội.


Bà Nguyễn Thị Bình, thay mặt nhóm biên soạn trình bày khái quát nội dung đề tài trước Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Về chất lượng bản thảo, theo ý kiến của Hội đồng, đây là một bản dịch tốt, rất Việt hoá, dễ đọc, dễ hiểu, sắp xếp logic theo từng nội dung một cách khoa học. Tính thực chứng của văn bản, nguồn gốc xuất xứ, tác giả, nơi xuất bản được xác định rõ sẽ là những tư liệu được ưu tiên lựa chọn. Có những tài liệu về Đời sống trong xã hội An Nam xưa; Tên gọi Tunkin và các xứ khác nằm dưới quyền cai trị của hoàng đố Tunkin… giúp người đọc có một sự hiểu biết rộng rãi về người Việt Nam, về người Bắc Bộ mà Thăng Long – Hà Nội là một bộ phận gắn bó chặt chẽ và tiêu biểu. Có thể khẳng định, bản dịch là tư liệu nhưng khi đọc như một cuốn sách được viết có đầu có cuối, chặt chẽ nội dung như một cuốn truyện cuốn hút người đọc để hình dung và có cái nhìn cụ thể về xã hội Việt Nam với một bức tranh toàn cảnh về Thăng Long – Hà Nội thời trước năm 1945. Điều này thể hiện tính logic của đề cương và lựa chọn tư liệu tuyển dịch của nhóm biên dịch. Qua cuốn tư liệu này, khi chúng ta nghiên cứu và đối chiếu với thời bây giờ về một số vấn đề như cách quản lý xã hội, hay cách giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến con người, đến người dân thì chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều để suy ngẫm.

Với uy tín về chuyên môn và năng lực ngoại ngữ cùng đội ngũ cộng sự nhiệt huyết và trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học, bản thảo này sẽ là một sản phẩm khoa học chất lượng cao, công phu, đồ sộ. Hội đồng đã nhất trí thông qua bản thảo và đề nghị chủ biên cùng nhóm biên soạn tiếp thu ý kiến của Hội đồng, hoàn thiện bản thảo để cuốn sách được biên tập, xuất bản đúng tiến độ đáp ứng sự mong mỏi của bạn đọc và người nghiên cứu về lịch sử Hà Nội, nhất là nghiên cứu về đô thị cổ Hà Nội. Bản thảo sẽ sớm ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất!


Gia An

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)