Lễ ra mắt tuyển truyện - ký “Mưu sinh” - Cuộc hội ngộ văn chương bình dị và đầy xúc động.
Buổi lễ ra mắt có sự tham dự của ông Nguyễn Phú Bình - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội; Dịch giả Đoàn Tử Huyến - Chủ tịch Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây; Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội; Nhà thơ Vũ Quần Phương cùng rất nhiều gương mặt tiêu biểu, nổi bật trong đời sống văn học nước nhà dưới sự dẫn dắt của Nhà lý luận, phê bình văn học Văn Giá.
Như chính tác giả Nguyễn Huy Hoàng tự nhận định, đến với ông trong buổi ra mắt có những anh em bạn bè thân hữu, sống và gắn bó với ông trong nhiều năm qua; có những người luôn quan tâm, hướng về nước Nga và chắc hẳn trong đó và thêm nữa đều là những “tín đồ” văn chương. Những mối quan hệ ấy, những sự đồng cảm ấy, tất cả đã tạo nên một không gian rất văn chương, rất bình dị và cũng rất xúc động trong một buổi chiều cuối tháng 3 Hà Nội.
Nhà văn, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng - tác giả tập tuyển ký "Mưu sinh"
“Mưu sinh” là cuốn sách mới nhất trong gia tài văn chương dày dặn và đa dạng về thể loại của tác giả Nguyễn Huy Hoàng. Tác phẩm tập hợp 54 bài viết theo thể loại truyện, ký viết về cuộc sống của cộng đồng người Việt tại nước Nga sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ - “một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở Liên bang Nga, dạt trôi, co cụm, tồn tại và bắt mầm, bén rễ”. Đó là một cuộc sống cơ cực, lầm than, nhiều đau khổ, đầy máu và nước mắt mà những người Việt phải gánh chịu, nếm trải trong một xã hội Nga hỗn loạn đầy nhiễu nhương, tiêu cực sau khi Liên Xô sụp đổ. Bằng ngòi bút chân thực, hướng đến cuộc sống bằng cái nhìn âu lo nhưng cũng đầy niềm tin tưởng, “Mưu sinh” của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng chính là “biên niên” ghi lại một chặng hành trình đầy giông bão của cộng đồng người Việt nơi miền băng tuyết suốt mấy thập kỷ qua.
Một hiện thực bộn bề, ngổn ngang và đầy xúc động và đầy tính nhân văn - đó là ấn tượng chung về tuyển tập truyện - ký “Mưu sinh” của tất cả những người đọc tham dự lễ ra mắt.
Đọc cuốn sách gần 600 trang trong thời gian chỉ vài ngày trước khi diễn ra buổi lễ ra mắt, PGS.TS. Tôn Phương Lan chia sẻ những cảm nhận về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Hoàng. Đó là nỗi ám ảnh về những số phận, những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, tủi nhục; những cảnh ngộ đôi khi khiến người ta phải bật cười nhưng là cái cười chua xót, cười ra nước mắt. Là nỗi xúc động bởi thực trạng chân thực, trần trụi về cuộc sống của những người Việt Nam xa xứ mà nói như Nhà thơ Vũ Quần Phương, đó có thể coi là “dấu tích”, là “tang chứng” về một thời không thể quên được tác giả viết nên bằng chính vốn sống, trải nghiệm của một người trong cuộc, một người đã lăn lộn trên mọi miền đất nước Nga, đã kinh qua trong mọi hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo, đã nếm trải đủ dư vị cuộc sống ở xứ người với những nỗi đau của riêng mình. Không chỉ vậy, sự xúc động còn đến từ điều khác. Rằng vượt lên trên những màu sắc u ám của xã hội Nga lúc bấy giờ, lên trên cả những sự “vỡ mộng” về một nước Nga vĩ đại trong quá khứ, cuốn sách vẫn thấm đượm những tình nghĩa, sự tri ân mà tác giả dành cho những con người Nga tốt bụng, nhân hậu.

Tác giả ký tặng sách tại lễ ra mắt
Với PGS.TS. Phạm Quang Long - người đồng nghiệp, người bạn hữu gắn bó lâu năm với tác giả, khi đọc tác phẩm “Mưu sinh” ông như gặp lại cuộc sống trước đây mình cũng đã từng trải qua, từng chứng kiến trong những năm tháng sống tại nước Nga. Cũng một cuộc sống với nhiều thái cực, nhiều đắng cay, tủi nhục nhưng cũng đầy nồng ấm, chân tình. PGS.TS. Phạm Quang Long cho rằng trong “Mưu sinh”, tác giả đã viết về mảnh đất đã cho anh nhiều thứ và cũng lấy đi của anh rất nhiều nhưng anh vẫn viết về đó bằng tất cả sự yêu thương; viết về cái xấu cái ác không bằng sự thù hận mà bằng cái nhìn muốn thay đổi. Và một cảm nhận khác của ông về cuốn sách, đó là sự song hành của hai không gian, hai nền văn hóa Việt - Nga. Tác giả dù đứng trên nước Nga, viết về cuộc sống Nga nhưng hình ảnh của Việt Nam, của quê hương, gia đình vẫn luôn đậm nét. Người Việt dù đi bất cứ nơi đâu vẫn luôn hướng về nguồn cội, đó cũng là điều mà nhà văn luôn tâm niệm, gửi gắm trong tác phẩm của mình.
Là biên tập viên của cuốn sách, người đồng hành cùng tác giả từ những khâu đầu tiên của bản thảo, bà Hoàng Châu Minh đã có những chia sẻ về tác giả và tác phẩm. Bà cho rằng tác giả Nguyễn Huy Hoàng là một nhà văn có sức viết dồi dào, bền bỉ. Không những thế qua tác phẩm mới này, ở ông còn toát lên những phẩm chất nổi bật của một người làm báo thể hiện ở khả năng quan sát, ngòi bút nhạy bén, xông xáo trước những vấn đề hiện thực nóng hổi, sự cố gắng tìm tòi rốt ráo đến tận cùng bản chất của vấn đề… Được viết ra bằng sự trải nghiệm, văn của tác giả Nguyễn Huy Hoàng nhiều cảm xúc, và cũng vì thế khó có thể phân biệt một cách rạch ròi giữa hai thể loại truyện và ký trong tác phẩm của ông. Bà Hoàng Châu Minh nhận định sự thiếu chặt chẽ về mặt thể loại là một hạn chế nhưng ở một góc độ khác lại là thành công khi tác phẩm đã truyền tải đến cho người đọc những cảm xúc chân thực và những dư vị rất riêng.
Ở một phương diện của một người làm công tác ngoại giao, ông Nguyễn Phú Bình bày tỏ sự cảm kích trước tình cảm mà tác giả vẫn dành cho đất nước Nga, con người Nga vượt lên trên những thành kiến về sắc tộc. Và ông nhấn mạnh, tình cảm của hai nước Việt - Nga vẹn nguyên, bền chặt một phần rất lớn cũng bắt nguồn từ chính những người trong cuộc như tác giả, như rất nhiều người khác trong cộng động người Việt ở Nga mà ông gọi họ là những “nhà ngoại giao nhân dân”.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội chúc mừng tác giả.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội chúc mừng nhà văn Nguyễn Huy Hoàng đã ra mắt cuốn sách vào một dịp đầy ý nghĩa. Ông cho rằng tác phẩm đã tạo ra ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi chính sự chân thực của ngòi bút, sự tâm huyết của nhà văn.
Với sự góp mặt của những khách mời đặc biệt, buổi lễ ra mắt còn là nơi những người đồng nghiệp, những người bạn gắn bó lâu năm, những mối quan hệ thân hữu đặc biệt như Nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm), Nhà thơ Văn Giá, Nhà thơ Vũ Quần Phương… cùng tác giả ôn lại những hồi ức, những kỷ niệm đẹp và cùng lắng đọng trong sự chia sẻ với những nỗi đau, mất mát mà tác giả và gia đình đã trải qua.
Nhưng như chính tác giả đã viết “dù nghiệt ngã, dù lên thác xuống ghềnh, dù rụng rơi, mất mát thì những gì đi qua sẽ trở thành kỷ niệm, mà kỷ niệm thì bao giờ cũng quý giá và đẹp đẽ”. Mong rằng những mất mát, chia ly, những vốn sống được đánh đổi bằng cả nụ cười, nước mắt sẽ lại là những chất liệu, chất đời quý giá cho một tác phẩm mới hơn, lớn hơn mà nhà văn Nguyễn Huy Hoàng vẫn đang ấp ủ.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bàn Hà Nội