Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 01/04/2015 02:50
Mưu sinh - Một cách nhìn về nước Nga và cộng động người Việt

Cuốn sách có thể có ích cho những ai đã đến Nga, sắp đến Nga và dự định sẽ đi Nga. Rất có ích nữa cho những ai chưa từng đi và cũng sẽ chẳng có điều kiện để đến Nga nhưng từ trong sâu thẳm, văn hóa Nga đã tồn tại, đã ăn sâu vào nếp nghĩ, vào tâm hồn họ, như một mặc định.

 
Nhiều người trong số chúng ta đã từng yêu nước Nga, yêu nền văn hóa Nga từ những tác phẩm từ văn học văn học Nga đến văn học Xô viết được chuyển ngữ của Leb.Tolstoi, Turghênhep, Puskin, Lermoltob, Tsêkhôp, Gôgôn… rồi M.Gorki, A. Tolstoi, Fadeeb, C.Ximonob, những bài hát như Cachiusa, Đôi bờ, Cây thùy dương, Cánh đồng, Chiều hải cảng… Những văn hóa phẩm đó một thời đã như một món ăn tinh thần của cả một thế hệ. Nguyễn Huy Hoàng là một cán bộ giảng dạy ở khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp. Anh được tuyển chọn đi Nghiên cứu sinh ở Liên xô. Sau biến cố về gia đình và Liên xô, anh ở lại nước Nga làm ăn, sinh sống. Ngoài mười một tập văn thơ đã xuất bản, Mưu sinh ra đời khi ngót ba mươi năm anh sống ở Nga với bao nhiêu công việc, bao nhiêu niềm vui nỗi buồn, bao nhiêu trải nghiệm. Tôi nhận ra ở đó một tinh thần lao động bền bỉ và trách nhiệm của Nguyễn Huy Hoàng cùng cuộc sống của hơn mười vạn người Việt Nam làm ăn sinh sống và bầu khí quyển nước Nga trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
 
Tôi đã đọc Địa tầng đứt gẫy của Nguyễn Tiến Hóa, cuốn tiểu thuyết viết về thân phận của những người lao động Việt Nam ở Nga sau khi Liên Xô tan rã. Tôi cũng được biết văn xuôi viết về cuộc sống của những người Việt Nam ở nước ngoài gần đây đang được nhiều người quan tâm. Những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài là một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Văn chương của họ là một bộ phận của văn chương Việt Nam. Người đọc muốn biết ra đời trong cái nôi của những lý thuyết mới, văn chương của người Việt ở nước ngoài giống và khác với văn chương trong nước thế nào? Cuộc sống của người Việt xa xứ ra sao? Không chỉ là làm ăn mà còn là tình cảm, là tâm hồn, là suy nghĩ?
 
Mưu sinh có thỏa mãn tôi một phần nào đó. Điều trước tiên tôi muốn nói đó là tình cảm, là cách suy nghĩ của Nguyễn Huy Hoàng qua những điều mắt thấy tai nghe được thể hiện trong phần .
 
Cái tình người, niềm ân nghĩa, vâng, đó là những nổi trội nhất trong Mưu sinh. Khi gặp tai nạn lạc mất đứa con gái trong một kỳ cháu đi nghỉ ở Xôtri, anh đã nhận được không chỉ sự chia sẻ mà là cả sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có những người bạn Nga. Đó là vào thời điểm mà nhiều người Nga đã bộc lộ sự hạch sách, nhiễu nhương của những kiêu binh ở những nơi có người Việt làm ăn, sinh sống. Anh khẳng định “xung quanh tôi có biết bao là người tốt, có rất nhiều bạn bè, những người đồng cảm rất đỗi chân thành” mà trong cơn hoạn nạn anh mới hiểu tấm lòng bè bạn. Nét hồn hậu trong tính cách người Nga mà chúng ta từng cảm nhận trong nhiều tác phẩm văn học, báo chí trước đây đã xuyên suốt trong Mưu sinh, từ Những ngườì Nga, Người đồng hành, Những người phụ nữ Nga, Nghề chưa có trong từ điền… đến loạt bài viết về các thầy giáo của anh ở Trường Tổng hợp, trong số đó phải kể đến bài viết về Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - Nhà Ngữ học lừng danh có vợ là một nhà khoa học Nga - người phụ nữ mà “những gì thầy Nguyễn Tài Cẩn làm được một phần chính là nhờ bà Nona Xtankevits”. Nước Nga không chỉ có những con người tốt mà anh đã khắc họa chân dung họ như Tiến sỹ Đubiaghin - Giám đốc Trung tâm tìm kiếm trẻ lạc, hoặc những người Nga bình thường “thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, căng thẳng của những người dân Việt Nam nhỏ bé đang sống trên đất nước họ” mong muốn những người dân lao động Việt “được an cư ở nước Nga”. Đấy là một đất nước có thiên nhiên đẹp, có kiến trúc hoành tráng và sang trọng. Chỉ cần Một giờ trên sông Maxcova cũng đủ cho chúng ta biết được sự hấp dẫn, đẹp đẽ của thành phố này.
 
Tuy nhiên, ấn tượng đậm hơn trong Mưu sinh là bầu không khí xã hội Nga, sự xuống cấp của mức sống, của đạo đức, của tình người, cuộc mưu sinh khốn khó của những người Việt ở đây sau khi Liên xô tan rã. Thất nghiệp không chỉ với người người lao động nước ngoài. Những người Nga hoang mang không biết đất nước họ sẽ đi về đâu khi việc làm không có vì rất nhiều nhà máy đóng cửa. Giá cả leo thang, hàng hóa khan hiếm, xã hội loạn lạc. Trong tình cảnh đó, những lưu học sinh, cán bộ và đặc biệt là những người công nhân sang hợp tác lao động ở Nga rơi vào tình trạng khốn khó. Họ sang Nga không hề có ngôn ngữ, không hiểu biết gì về văn hóa sở tại, không có tiền bạc với mong muốn tìm đến mảnh đất hứa này để ngay trở về gia đình thoát khỏi đói nghèo. Hầu hết những người này không có tiền mua vé máy bay để về nước, không có tiền để trả món nợ trước khi đi nhưng cũng hầu hết họ tìm cách ở lại để tiếp tục tìm cơ hội phát triển. Họ đã làm đủ nghề, cực khổ nhất là trong các xưởng may mặc, sản xuất giày dép, trên các công trường xây dựng và trong các trang trại sản xuất nông nghiệp. (Ở Nga có ba nghề cực nhọc). Còn những người “chuyển nghề” chạy chợ để mưu sinh thì đỡ hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn. Trong điều kiện các hợp đồng lao động bị hủy và sống chui lủi vì hộ chiếu không còn hạn thì mọi kiểu sống, dù là lao động chân chính, cũng trở thành bất hợp pháp. Đấy chính là xuất phát điểm của mọi vấn đề.
 
 Nguyễn Huy Hoàng đã lắp ghép những câu chuyện từ nhiều nơi, nhiều cảnh ngộ, ở các lĩnh vực khác nhau để cho chúng ta hình dung ra một cuộc mưu sinh đầy nguy hiểm và nhọc nhằn. Từ bình đẳng trong quan hệ hợp tác, người Việt bị chuyển sang một đẳng cấp khác mà trong cái nhìn của những người Nga làm việc ở sân bay, ở đồn cảnh sát… là đối tượng để họ kiếm ăn, để hành hạ, sách nhiễu, thậm chí dồn họ vào đường cùng. Tất cả đều được “quy ra thóc”. Tất cả các loại phạt tiền đều trao tay. Cơ chế thị trường đã tạo ra một loại người thi hành công vụ kiểu mới. Họ - đặc biệt là lính OMÔN như một ám ảnh ghê sợ đối với bất cứ cư dân Việt nào. Nguyễn Huy Hoàng đã có những bài viết về chuyện người chuyện ta, về sự nổi chìm của những nhà hàng Việt, về những người buôn bán và cuộc sống đầy may rủi, nguy hiểm của cộng đồng Việt… với một thái độ trân trọng, thương cảm và chia sẻ. Nhiều số phận đau xót, tội nghiệp của những người tha hương đã được anh ghi lại. Anh viết về những tên OMÔ, những kẻ đầu trọc chuyên cướp bóc tiền của, chụp giật người buôn bán Việt với một nỗi căm ghét và anh coi họ là “cặn bã của nước Nga”.
 
Một thời gian khá dài trong buổi đầu của thời mở cửa và kinh tế thị trường, Matxcơva thật hỗn độn. Tuy nhiên, công bằng, anh cũng cho thấy, chính cách đầu cơ tích trữ gây tình trạng khan hiếm hàng hóa, thói dùng tiền để đút lót để trốn thuế, để làm luật và một số người coi việc kiếm được nhiều tiền là mục đích cao nhất, bất chấp mọi quy định, luật pháp, danh dự cá nhân và quốc thể cũng là một trong những nguyên nhân làm mờ nhạt hình ảnh Việt Nam trong mắt nhìn một số người, góp phần làm thoái hóa, hư hỏng không ít cán bộ, hải quan và công an Nga. Đó là chưa kể một số người Việt cũng tham gia vào các băng đảng bất chính.
 
 Đương nhiên, bên cạnh những mặt chưa tốt, cảm thông với những việc buộc phải làm để mưu sinh và tồn tại, Nguyễn Huy Hoàng cũng cho thấy được những phẩm chất đáng quý khác của cộng đồng Việt ở Nga. Đó là truyền thống lá lành đùm lá rách, là khả năng thích nghi để tồn tại, là giữ gìn bản sắc, văn hóa Việt trong những dịp lễ Tết, là những hoạt động tích cực của các Hội của người Việt ở Nga như một hình thức kết nối cộng đồng hướng về nguồn cội. Những người Việt hoạn nạn đã nhận được ở cộng đồng sự giúp đỡ tận tình (Suýt thành xác vô thừa nhận, Trở về từ địa ngục, Có qua cơn hoạn nạn mới hiểu thấu lòng nhau…) 
 
Xã hội Nga rồi cũng đi dần vào nề nếp, ổn định và lành mạnh hơn. Nhất là những năm đầu thế kỷ mới. Cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân Nga được nâng lên. Cuộc sống của cộng đồng Việt cũng được cải thiện.
 
Mátxcơva đã càng ngày càng trở thành một thành phố hiện đại. Tuy nhiên sau vụ sát nhập Krưm vào lãnh thổ Nga, với đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây, đất nước Nga và nhân dân Nga lại bước vào một thử thách mới. Bản lĩnh của một dân tộc từng làm nên những trận đánh huyền thoại, từng sản sinh ra những vĩ nhân và một nền văn hóa lớn đang tỏ ra vững vàng như hơn bảy mươi năm về trước họ đã từng chiến đấu và chiến thắng phát xít. Sau bao nhiêu biến thiên và thăng trầm, Nguyễn Huy Hoàng vẫn tin vào phía trước của nước Nga. Anh hiểu về tầm vóc, tính cách và những phẩm chất của họ để có cách giải thích riêng của mình về nước Nga, về mối quan hệ Việt Nga trong quá khứ và hiện tại.
 
Viết về xã hội Nga, về cộng đồng người Việt, về những chuyến đi của bè bạn đến Nga và những chuyến đi của mình ra các nước khác, Nguyễn Huy Hoàng đã có một cái nhìn khách quan, chừng mực đủ để cho người đọc hình dung ra một chặng đường không thật sáng sủa trong buổi giao thời của lịch sử nước Nga, về biên niên một chặng hành trình của cộng đồng người Việt ở Nga. Giữa bốn bề giông bão (Thay lời kết) là một cài nhìn toàn cảnh về nước Nga, về cộng đồng người Việt khá khách quan của một người sống lâu, sống kỹ, của một con người luôn quan sát và suy ngẫm, một người yêu nước Nga sâu sắc.
 
 Có thể nói chỗ mạnh của Mưu sinh là phần ký. Truyện của anh cũng nặng chất ký. Anh vốn là nhà giáo, nhà thơ, cũng lại không còn trẻ nên đòi hỏi một cách tân nghệ thuật nào là hơi khe khắt. Những tư liệu trong Mưu sinh chắc chắn là cần thiết cho thế hệ sau anh dựng lại cuộc sống, chân dung của cộng đồng Việt ở Nga vào một thời điểm đáng nhớ. Xuyên suốt trong cuốn sách là hình bóng một số phận vừa may mắn, vừa bất hạnh nhưng đã biết đứng vững trong nỗi đau, tìm cho mình một bản lĩnh sống để làm được nhiều việc có ích cho bản thân và bè bạn, cũng là thể hiện tình yêu đất nước của mình khi sống xa Tổ quốc. Đó là điều rõ nhất mà tôi nhận được từ Mưu sinh.
 
Quan Nhân, tháng 3.2015
 
 
Tôn Phương Lan (Viện văn học)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)