Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 07/04/2015 09:21
Kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) Hà Nội chi viện và "chia lửa" với chiến trường miền Nam

LTS: Hậu phương và tiền tuyến có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Hậu phương mạnh thì tiền tuyến mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, hậu phương miền Bắc và Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ chi viện sức người, sức của… mà còn "chia lửa" với miền Nam ruột thịt. Hà Nội nói riêng và hậu phương lớn miền Bắc nói chung có vai trò quyết định đối với sự phát triển của cách mạng cả nước và sự nghiệp thống nhất đất nước.

Bài 1: Dồn sức cho miền Nam ruột thịt

Một trong những bài học quan trọng rút ra từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là sức mạnh của hậu phương quyết định sức mạnh của quân đội, là nhân tố quan trọng góp phần quyết định thắng lợi. Cùng với các tỉnh miền Bắc - hậu phương lớn - nói riêng - cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội tự hào đã có những đóng góp to lớn cả về sức người, sức của vì miền Nam ruột thịt để ngày 30-4-1975, Tổ quốc vang khúc ca khải hoàn, non sông thu về một mối.

Bộ đội miền Bắc, trong đó có hàng vạn người con Thủ đô, vượt dãy Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam.  Ảnh tư liệu
Bộ đội miền Bắc, trong đó có hàng vạn người con Thủ đô, vượt dãy Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

Hà Nội góp sức xây dựng hậu phương lớn

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá hậu phương là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi. Ngay từ tháng 7-1954, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có chủ trương tranh thủ hòa bình, quyết định tập kết lực lượng từ miền Nam ra miền Bắc, xây dựng thành hậu phương của cách mạng cả nước, làm hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Tháng 9-1960, Đại hội III của Đảng chủ trương xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Ở miền Nam, về chính trị, Đảng ta đã sớm chủ trương xây dựng hậu phương tại chỗ.

Thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng (10-10-1954), vừa khôi phục vừa phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... với vai trò trung tâm của hậu phương lớn miền Bắc, nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn sát cánh, thể hiện tình cảm sâu nặng đối với đồng bào miền Nam thông qua những cuộc đấu tranh chính trị phản đối Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Geneve, tàn sát người yêu nước; đòi tiến tới hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Thực hiện chủ trương của Đảng, đầu năm 1961, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ II đã xác định những nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô, trong đó nhấn mạnh ra sức thi đua sản xuất, góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Từ giữa năm 1964, Hà Nội dấy lên phong trào thi đua mạnh mẽ: Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt. Đặc biệt, ngày 9-8-1964, thanh niên Thủ đô đã phát động phong trào Ba sẵn sàng với 260.000 đoàn viên thanh niên tham gia, mở đầu làn sóng thanh niên miền Bắc lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang được thực hiện thì Thủ đô lại cùng cả nước chuyển sang thời kỳ mới. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 11, Hội nghị Thành ủy Hà Nội họp giữa tháng 6-1965 xác định: Nhiệm vụ cấp bách của nhân dân Thủ đô, cũng như nhân dân miền Bắc, là cùng đồng bào miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược; đồng thời, tiếp tục xây dựng Chủ nghĩa xã hội với phương châm vừa sản xuất vừa chiến đấu. Yêu cầu lúc này là chuyển hướng xây dựng kinh tế từ tập trung sang phân tán, bảo đảm phát triển sản xuất và tăng cường khả năng phục vụ quốc phòng. Đồng thời, thành phố khẩn trương xây dựng thế trận phòng không nhân dân... Trong tình hình thời chiến, thực hiện chủ trương chú trọng xây dựng kinh tế trung ương, lấy xây dựng kinh tế địa phương làm trọng tâm của Đảng và Bác Hồ, Hà Nội tiếp tục dấy lên những phong trào thi đua lớn như Ba đảm đang, Ba quyết tâm... Công nhân các nhà máy hăng hái làm thêm giờ, thêm việc với tinh thần chắc tay búa, vững tay súng... Hàng vạn thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ và chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam: Năm 1965, thành phố động viên được 15,3 nghìn người vào quân thường trực; năm 1968, Hà Nội giao số quân bằng tổng số cả hai năm 1966-1967. Cùng với sức người, đã có hàng nghìn tấn hàng vì đồng bào miền Nam được làm ra bởi công sức công nhân, lao động Thủ đô. Tháng 1-1969, Thành ủy Hà Nội xác định nhiệm vụ trong giai đoạn mới là tập trung đẩy mạnh xây dựng kinh tế địa phương, góp phần củng cố hậu phương miền Bắc, bảo đảm phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam... Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu ra đi, thực hiện Di chúc của Người, nhân dân Thủ đô đẩy mạnh phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực. Nêu cao tinh thần yêu nước, Hà Nội nỗ lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Lớp lớp thanh niên lại tiếp bước lên đường vào Nam; tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học... phong trào thi đua ngày càng sôi nổi, mạnh mẽ...

"Chia lửa" với miền Nam

Không chỉ đóng vai trò trung tâm của hậu phương lớn miền Bắc, Hà Nội còn trực tiếp "chia lửa" với chiến trường miền Nam. Từ tháng 4-1966, Hà Nội ở trong tình thế trực tiếp chiến đấu chống máy bay Mỹ. Ngày 17-4-1966, một tốp máy bay F.105 bắn phá trận địa tên lửa Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì). Ngày 12-6-1966, ta bắn rơi một máy bay trinh sát 147J tại Trung Hòa (Từ Liêm). Đây là chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên trên đất Hà Nội. Ngày 29-6 năm đó, địch sử dụng hàng chục máy bay đánh phá kho xăng Đức Giang. Đầu tháng 7-1966, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang đánh phá Hà Nội.

Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần quyết thắng. Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 12-1966, Hà Nội liên tục lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen, tặng cờ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Trong thư, Bác viết: "Quân và dân Hà Nội càng đánh càng giỏi... Hà Nội vừa chiến đấu khá, vừa sản xuất khá...".

Bước sang năm 1967, đế quốc Mỹ mở rộng quy mô đánh phá Hà Nội nhưng càng leo cao, giặc Mỹ càng nhận nhiều kết quả thảm hại... Đặc biệt, trước nguy cơ thất bại, để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ quay trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc: Tháng 4-1972, chúng huy động máy bay, tàu chiến đánh phá nhiều khu vực từ Quảng Bình ra Lạng Sơn mà Hà Nội là một trong những trọng tâm nhưng không thể làm nao núng ý chí của cán bộ, đảng viên, nhân dân và bộ đội Thủ đô. Và một trong những mốc son chói lọi là thắng lợi Điện Biên Phủ trên không: Trong 12 ngày đêm, quân và dân Thủ đô dũng cảm, kiên cường cùng với nhân dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ. 12 ngày đêm, quân và dân Hà Nội bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 pháo đài bay B.52 và 2 chiếc F111. Đây là một trong những nhân tố quyết định góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lãnh thổ nước ta.

40 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng bài học về phát huy sức mạnh hậu phương vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với hậu phương lớn miền Bắc sôi nổi thi đua, đẩy mạnh sản xuất, không tiếc sức người sức của; cùng với hậu phương tại chỗ miền Nam can trường, Thủ đô Hà Nội tự hào đã nỗ lực, tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt; tự hào đã góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975. Và hôm nay, Thủ đô anh hùng vẫn vẹn nguyên tinh thần ấy với phương châm: Hà Nội sẵn sàng vì cả nước.
 
 
Trung Nguyên
 
(Theo hanoimoi.com.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)