Ảnh tư liệu.
Có lẽ chẳng mấy ai không hiện lên trong đầu hai chữ “giá mà” - Giá mà Việt Nam được thống nhất trong hòa bình - Giá mà không phải mất mát, hy sinh bao xương máu đó. Nhưng lịch sử lại không cho phép tồn tại hai chữ “giá mà”, mà chỉ chấp thuận được nhìn nhận ngày càng sòng phẳng hơn bởi những cặp mắt không bị tác động trực tiếp của khói súng khi cuộc chiến đang một lùi xa. Nếu thừa nhận thực tế đó thì sẽ thấy rõ hơn ước vọng thống nhất trong hòa bình không phải hôm nay mới xuất hiện, mà nó chính là khát vọng của hàng chục triệu người Việt Nam từ năm 1954.
2. Ngày hôm nay thật khó hình dung khi mô tả Quảng Trị là miền đất từng thấm đẫm nước mắt chia ly. Cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải, được phục dựng với hai nửa cầu có màu sơn khác biệt mới chỉ nói lên một phần rất nhỏ của nỗi đau khi Tổ quốc bị chia cắt.
Năm 2009, Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội đã đi thăm tỉnh Quảng Trị. Tới vĩ tuyến 17, đa số các nhà ngoại giao đều vui vẻ bước hết cây cầu Hiền Lương nối Bắc-Nam liền một dải. Nhưng không cần tinh ý lắm cũng có thể thấy ánh mắt trĩu nặng suy tư của vị Tổng lãnh sự Hàn Quốc. Không sáo rỗng khi nói rằng thống nhất, hòa bình luôn là khát vọng chính đáng nhất, cao cả nhất của bất kể dân tộc nào.
Thế nhưng, cái khát vọng luôn được đặt trên bệ thờ của mọi dân tộc ấy đã từng bị vùi dập bởi tính toán chiến lược sai lầm của một cường quốc. Vô tình nhầm lẫn hay cố tình nhầm lẫn, các nhà hoạch định chính sách ở Oa-sinh-tơn đã đánh đồng khát vọng thống nhất, hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam như một bộ phận của cuộc đối đầu ý thức hệ; coi Việt Nam là điểm nóng của Chiến tranh lạnh. Trong cuộc họp báo ngày 24-7-1954, tức là chỉ vài ngày sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles tuyên bố: “Điều quan trọng kể từ bây giờ không phải là đau buồn với quá khứ mà nắm lấy cơ hội của tương lai nhằm ngăn chặn việc mất Bắc Việt dẫn tới sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản khắp Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương”. (Embers of Wars, trang 624)
Trong cuốn Embers of Wars (tạm dịch: Than hồng chiến cuộc-được giải Pulitzer năm 2013), sử gia Fredrik Logevall thuộc Đại học Cornell viết rằng, CIA từng báo cáo về Oa-sinh-tơn rằng, nếu cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào đúng thời hạn năm 1956 như quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ thì lực lượng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ gần như chắc chắn giành thắng lợi trước lực lượng mà chính quyền Mỹ dồn tiền, dốc sức dựng lên ở miền Nam Việt Nam. Với thực tế như vậy nên không lạ khi sử gia Fredrik Logevall khẳng định, Oa-sinh-tơn đã tìm mọi cách để ngăn cuộc Tổng tuyển cử diễn ra.
Thời hạn hai năm của Hiệp định Giơ-ne-vơ trôi qua, những lời yêu cầu thực hiện Tổng tuyển cử ngày càng bị bạt đi bởi sự tàn bạo của Luật 10/59, Việt Nam lại bắt buộc phải bước vào một cuộc chiến tranh gian khổ kéo dài. Tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện vẫn còn lưu lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đúc kết khi về thăm Quảng Trị, miền đất từng là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong chiến tranh, rằng: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng, mà chính chúng ta là những con người, những con người thực sự, những con người Việt Nam với truyền thống bốn ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trước Tổ quốc, trước thời đại”.
3. Ở Oa-sinh-tơn, có lẽ chỉ vào dịp thời tiết quá khắc nghiệt thì mới vãn người tới thăm viếng Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial). Đây là một bức tường màu đen, trên đó khắc tên hơn 58 nghìn binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam, có hướng đi sâu vào lòng đất. Không hiểu kiến trúc này ẩn chứa điều gì, nhưng người ta vẫn quen gọi đây là Bức tường chiến tranh.
Ở Quảng Nam, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng mới được hoàn thành sau 7 năm thi công. Chắc chẳng bà mẹ nào ở Việt Nam muốn trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng, song biết bao bà mẹ đã nuốt nước mắt vào lòng động viên con ra trận chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước thiêng liêng.
Khi đón hai tàu chiến Mỹ thuộc Hạm đội 7 vào thăm Đà Nẵng những ngày đầu tháng 4 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu: “Hai nước chúng ta vẫn có chung những vết sẹo từ quá khứ, nhưng chúng ta đã và đang làm việc, sát cánh cùng nhau, để đưa mối quan hệ của chúng ta tiến về phía trước theo hướng tích cực”. Không biết phía Mỹ ra sao chứ khó thể nói Việt Nam nuôi lòng hận thù, nghi kỵ khi cùng thời điểm đó, một sĩ quan Việt Nam vừa tới Pennsylvania nhập học vào Trường Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ (U.S Army War College). Cũng khó thể nói Việt Nam không có trách nhiệm với hòa bình khi Việt Nam đã và đang tích cực cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
4. Cuối tháng 4 này, kênh truyền hình PBS của Mỹ lên lịch phát sóng bộ phim Last days in Vietnam (Những ngày cuối cùng ở Việt Nam). Đây là bộ phim tài liệu lịch sử được thực hiện khá công phu, được đề cử giải Oscar. Thế nhưng, chỉ cần tìm hiểu kỹ lịch sử một chút thôi thì quả thật bộ phim có hạt sạn không thể nhằn nổi. Last days in Vietnam đã mô tả lại những nỗ lực di tản của Mỹ trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975. Phải nói rằng đạo diễn rất tài năng nên những thước phim về cuộc di tản khá cuốn hút. Tuy nhiên, đạo diễn đã dẫn dắt khán giả đi chệch hướng lịch sử khi khẳng định rằng, cuộc di tản bắt buộc phải diễn ra nếu không sẽ xảy ra một cuộc "tắm máu" ở Sài Gòn.
Thật lấy làm lạ khi cuộc chiến đã qua đi được mấy chục năm mà giả thuyết về “cuộc tắm máu” vẫn còn đất sống ở Mỹ. Trong khảo cứu công bố năm 2010, mang tên RAND in Southeast Asia: A History of the Vietnam War Era (RAND tại Đông Nam Á: Một thiên lịch sử của kỷ nguyên chiến tranh Việt Nam), tác giả Mai Elliot, một nhà nghiên cứu từng làm việc nhiều năm cho RAND ở Việt Nam, đã nêu rõ sự ra đời oái oăm của lý thuyết “cuộc tắm máu”. Thực tế đã chứng minh lý thuyết này hoàn toàn sai nếu không muốn nói là bịa đặt. Chẳng có cuộc "tắm máu" nào cả! Ngay từ năm 1975, Việt Nam đã công chiếu bộ phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông, mô tả sinh động, chân thực Sài Gòn những ngày đầu giải phóng.
Cũng trong tháng 4 này, cũng là tài liệu lịch sử, nhưng có lẽ triển lãm ảnh đang diễn ra ở Hà Nội của Catherine Karnow, đáng xem hơn Last days in Vietnam nhiều. Catherine, là con gái của nhà báo Mỹ Stanley Karnow, người mà tên tuổi đã gắn liền với cuộc chiến tranh Việt Nam, đã tinh tế lưu lại những khoảnh khắc của Việt Nam trong 25 năm qua. Các bức ảnh chụp Việt Nam từ những năm đầu thập niên 1990 của Catherine mang tính thâm trầm về một đất nước tươi đẹp nhưng chịu đau thương trong chiến tranh. Các tác phẩm thời kỳ Đổi mới phác họa đất nước Việt Nam mở cửa, hướng tới thương mại quốc tế. Nối dài hình ảnh về Việt Nam hiện đại là các bức ảnh về tuổi trẻ với phong cách sống mới, thế giới thời trang và tiêu dùng của một đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng.
Hy vọng 25 năm sau, Catherine Karnow sẽ lại làm một cuộc triển lãm nữa với những bức ảnh đẹp về một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng.
Bảo Trung
(Theo qdnd.vn)