Và thật sự, chiến tranh chỉ còn là ký ức...
Nhà văn Minh Chuyên và một cựu binh Mỹ ở Boston. Ảnh: TL
Tác giả đã dành hơn 3 năm ấp ủ kịch bản với những cuộc hành trình xuôi ngược Bắc - Trung - Nam - nơi ghi dấu các chiến trường xưa, và xuyên qua 5 tiểu bang nước Mỹ, thực hiện hàng trăm cuộc gặp gỡ, đối thoại, phỏng vấn với các nhân vật ở cả hai phía (gần 200 ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu, cựu binh, quan chức Mỹ và tướng lĩnh dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa); tham khảo hàng ngàn thước phim tư liệu, với sự cố vấn của các tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy và tham chiến các chiến trường: Đại tướng Lê Văn Dũng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Một góc nhìn về cuộc chiến tranh Việt Nam
25 tập phim, có lẽ còn ít - như chia sẻ của đạo diễn Minh Chuyên với giới truyền thông, ông muốn làm tới 50 tập. Phim đã cho khán giả thêm một góc nhìn về cuộc chiến tranh với nhiều chiều, được nhìn từ hai phía, cho nên khách quan hơn, chân thực hơn, không còn phiến diện hay áp đặt cảm xúc người xem ở một phía như từ trước tới nay.
Tập đầu tiên “Vượt nửa vòng trái đất, người Mỹ đến Việt Nam” hay “Mưu đồ người Mỹ” bắt đầu từ cuộc tham quan Dinh Độc Lập của đoàn cựu chiến binh Mỹ. Cựu binh cả hai phía nhìn ngược lại ký ức chiến tranh, những năm tháng khốc liệt, đau thương và tội ác…, với những cảm xúc khác nhau, song đều hướng về một hiện thực: Cả hai phía cùng khép lại cuộc chiến, nhìn đến tương lai để trân trọng cuộc sống hòa bình. Tập phim đầu tiên cũng là tập giới thiệu sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam với những hình ảnh lính Mỹ tại chiến trường tràn ngập, đi kèm theo đó là những trận chiến tàn sát sự sống bằng mọi thứ vũ khí của Mỹ… Tiếp theo là các tập: “Vượt nửa vòng trái đất, người Mỹ đến Việt Nam”, “Mặt trận trên bầu trời, Lam Sơn - Những cuộc hành quân không đích đến”, “Chiến sự Tây Nguyên - từ Dốc Miếu - Cồn Tiên đến chiến dịch “Trâu rừng”, “Hồi ức cựu chiến binh Mỹ”… Tất cả như một hồi ức chiến tranh.
“Cuộc chiến tranh này, số phận con người ở cả hai đất nước đều đau đớn như nhau - nhà văn Minh Chuyên nói - với người VN, đó là đau thương mất mát, di chứng “hậu chiến đến suốt đời, di hại cả đến mấy thế hệ sau. Còn với người Mỹ - nó như một ám ảnh tội ác đeo bám trong từng cá nhân tham chiến ở VN, trở thành một di chứng thần kinh hậu chiến...”.
Điều hấp dẫn ở bộ phim tài liệu này là các trận đánh được cả 2 phía nhìn nhận, đánh giá kết quả một cách xác thực hơn. Đại tướng Lê Văn Dũng - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - nói: “Trên chiến trường mình cũng chịu tổn thất lớn, nhưng chúng ta đánh bại ý chí xâm lược của quân Mỹ”. Đối phương cũng thừa nhận những thất bại của họ một cách công bằng, như ý kiến của tướng Lê Minh Đảo (Quân đội VN Cộng hòa)..., hay của cựu binh Mỹ Preton Wood (tiểu bang Maine): “Bên cạnh thành công, Quân giải phóng cũng mắc sai lầm trong kế hoạch tác chiến. Họ đánh giá không đúng tình hình, nhận định thấp về đối phương, không lường hết sức mạnh của vũ khí mới…”.
Đạo diễn Minh Chuyên tâm đắc nhất hai tập “Trận đánh không cân sức”, “Những anh hùng ở lại Khâm Đức”. Những hình ảnh khốc liệt ở chiến trường Khâm Đức (Quảng Nam) được tái hiện qua những thước phim do Christopher Jensen - cựu binh Mỹ, cũng là nhà báo - quay. Tuy nhiên, đạo diễn đã phải lược lại, cắt nhiều hình ảnh đẫm máu...
Khép lại đau thương và sám hối
Đạo diễn Minh Chuyên đã gặp những cựu binh Mỹ sang VN trong một vai trò mới, là những nhà văn, nhà thơ Mỹ thuộc Trung tâm William Joiner, dùng văn chương để làm sứ giả hòa bình như: Bruce Weigl, Kevin Bowen, Wayne Karlin, Paul Atwood… Đặc biệt nhà văn Wayne Karlin đã viết cuốn “Linh hồn Việt Cộng” cực kỳ xúc động. Chính những sứ giả hòa bình này đã tạo điều kiện giúp đạo diễn băng qua 5 tiểu bang nước Mỹ để có tư liệu cho cuốn phim. Trong mỗi tập phim, có ít nhất 3 ý kiến của đối phương, và những lời sám hối của họ như một chất xúc tác làm dịu đi nỗi đau của chiến tranh... GS sử học Paul Atwood - cựu Giám đốc Trung tâm William Joiner - thừa nhận: “Tôi đã thấy tội ác ở Việt Nam. Những gì chính quyền chúng tôi nói là dối trá, số lượng binh lính chết không đúng”. Và họ (người Mỹ) đã bằng nhiều cách của mình khép dần đau thương chiến tranh VN do họ gây ra, để có những hành động thiết thực hơn trong sự hàn gắn và sám hối. Trong phim, cách nhìn, lời bình đã dùng những từ ngữ không mang tính miệt thị phân cách như ở các phim khác khi nói về “đối phương”, không dùng những từ như “kẻ thù” mà thay bằng “người Mỹ”, “phía Mỹ”, “phía thua trận”, hay không dùng chữ “ngụy” mà dùng đúng với tên gọi: “Quân lực VN Cộng hòa”, “Chính phủ VN Cộng hòa”…
Xem “Ký ức chiến tranh - nhìn từ hai phía”, cảm xúc đau thương có lẽ đã dịu đi. Và thật sự, chiến tranh chỉ còn là ký ức....
(Theo laodong.com.vn)