Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 20/04/2015 09:20
Tháng Tư đồng đội, tháng Tư ân tình

Tháng Tư năm nay có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong không khí vui tươi đó, nhiều cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh (CCB), nhiều chuyến hành hương về thăm lại chiến trường xưa được tổ chức với tình cảm thực sự sâu nặng.

 
CCB Chu Văn Thịnh của Đoàn Pháo binh miền Đông Nam Bộ năm xưa không bao giờ quên giọng nói, tiếng cười, ánh mắt của má Bảy bên dòng kênh Tè của đất Long An. Sau giải phóng miền Nam, anh Thịnh trở về miền Bắc, từ đó đến nay không gặp lại má Bảy, nhưng những kỷ niệm về thời má và gia đình chịu bao hiểm nguy che chở, nuôi giấu bộ đội vẫn in sâu trong tâm khảm ông. Mới đây, ông đã trở về thăm lại má Bảy, thăm nơi từng có căn hầm bí mật mà ông cùng đồng đội ẩn náu suốt những mùa mưa.

Bên dòng sông Cầu cũng vừa diễn ra cuộc gặp mặt của các CCB Tiểu đoàn Tên lửa 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361-đơn vị đã bắn rơi tại chỗ ba chiếc B-52 trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không". Cả tiểu đoàn giờ còn 23 đồng chí, người ở xa nhất là CCB Trần Đại Dưỡng cũng đi xe gắn máy từ Hải Hậu, Nam Định tới. Những người làm nên lịch sử ấy, giờ gặp nhau thường nói nhiều về chuyện gia đình, chuyện của cháu con. Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, giờ được giới báo chí biết nhiều với thành tích giữ gìn nghề rối nước của làng Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội); sĩ quan thông tin Đặng Chí Hùng nổi tiếng với ổi siêu sạch; Khẩu đội trưởng khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ tên lửa Nguyễn Văn Khương thì được biết đến với tài ươm cây… Những người anh hùng một thuở giờ mới rõ nét đích thị “con nhà nông”.

Các CCB Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 về thăm lại chiến trường xưa.

Trời tháng Tư trong vắt, bên Di tích lịch sử Dinh Thống Nhất, chúng tôi gặp nhiều đoàn hành hương. Hình ảnh những CCB ở mọi miền quê tụ hội về cùng nhau thăm lại chiến trường xưa, ôn kỷ niệm cũ, tri ân Tổ quốc và đồng đội đã thành thân quen với người dân Sài Gòn. Nhiều bạn trẻ đã tình nguyện làm hướng dẫn viên cho các bác, các chú CCB. Họ đưa các bác, các chú đi thăm Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay và được “trả công” bằng những câu chuyện kể về thành phố của mình. Ngọc Anh, nữ sinh  Trường THPT Lê Hồng Phong nói: “Em thật sự xúc động khi biết được nhiều câu chuyện về cuộc chiến đấu trước cửa ngõ Sài Gòn năm xưa. Giờ mỗi lần đi qua các con phố, em lại thấy có tình cảm thiêng liêng, tự hào”. Tôi không biết bình luận gì về tình cảm ấy, chỉ thấy trong lòng dâng lên một niềm xúc động thật lớn lao. Mỗi bước chân trên đường phố, mỗi giờ mỗi khắc trôi qua trên Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay dường như có nốt nhạc du dương trong lòng.

Thật dễ hiểu khi nhiều cuộc hành quân thăm lại chiến trường xưa, gặp mặt giao lưu đồng đội diễn ra trong thời điểm tháng Tư này, tôi chỉ thắc mắc duy nhất một điều: “Các bác cảm thấy gì trong ngày toàn thắng?”. Nhiều CCB nhớ lại: Đó là cảm giác bâng khuâng. Chiến thắng đến quá bất ngờ, dù đó là điều đã được báo trước. Chúng tôi nghe tin miền Nam đã giải phóng thì nhớ đồng đội, nhớ nhà, nhớ cha mẹ vô cùng.

Chiến sĩ Chu Văn Thịnh nghe tin giải phóng Sài Gòn khi đang trên đường tiến xuống Vũng Tàu. Đơn vị của anh được lệnh hành quân gấp về Sài Gòn tham gia bảo vệ thành phố, bảo vệ tài sản nhân dân. Cả đại đội reo lên sung sướng, rồi tất cả lại chùng xuống, phía trước còn bao điều phải lo, chiến tranh kết thúc rồi, nợ nước thù nhà đã báo đáp xong xuôi... Trên chuyến xe về lại Sài Gòn, anh nghe được bao mơ ước, dự định của đồng đội. Ấy vậy mà đến cuối chặng đường vào Sài Gòn, trên xe của đơn vị anh vẫn có người hy sinh vì bị bắn tỉa, vì những quả lựu đạn ném vào đội hình… Những người trai trẻ, đồng đội anh đã ngã xuống, nằm lại Sài Gòn đúng vào ngày toàn thắng! Niềm day dứt ấy, nỗi đau này vẫn còn đeo đuổi mãi trong tâm khảm người lính già.

Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203-đơn vị có chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng sắt của dinh Độc Lập báo hiệu cuộc chiến tranh đã chấm dứt-thì được lệnh bảo vệ cảng Sài Gòn. Đêm mồng 1 tháng 5, cả đơn vị đã bắn pháo sáng để ăn mừng chiến thắng. Kỷ niệm về màn pháo sáng rực rỡ Sài Gòn đêm đó sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí chiến sĩ lái xe Nguyễn Khắc Nguyệt. Ông nhớ lại: “Lúc chiếc xe tăng của anh Thận dừng lại bên cổng phụ của dinh Độc Lập thì xe tôi chạy cách sau đó hơn 100 mét. Tôi thấy anh Thận cầm lá cờ vọt ra từ tháp pháo, tôi nghĩ chiến thắng rồi đây, chiến tranh chấm dứt rồi đây, nhưng lại thấy lo cho anh Thận quá. Giờ phút đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Đến bây giờ tôi vẫn không quên cái cảm giác lo lắng ấy”. Sau những giờ khắc gian nguy, cuối cùng thì Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Quang Thận, Đại đội 4 anh hùng đã có một "cái kết đẹp", để bây giờ mỗi lần gặp đồng đội cũ, mọi người lại cùng nhau ôn lại và mỉm cười tự hào với con cháu: Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…

“Tháng Tư đồng đội, tháng Tư ân tình”. Đó là điều tôi và nhiều người thuộc thế hệ trẻ cảm nhận được qua những lần tham dự các cuộc gặp mặt, các cuộc hành quân về nguồn của các CCB.


Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ
 
(Theo qdnd.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)