Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 22/04/2015 11:56
Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015): Bốn mươi năm, nhớ lại…

Ngày 30-4-1975, tôi không được may mắn có mặt ở Sài Gòn. Vài tuần sau tôi mới đến thành phố này. Tới nơi, gặp ai tôi cũng muốn chào, muốn nói một câu gì đó cho thỏa những ngày mong đợi. Ánh mắt, nụ cười, dáng đi, giọng nói… của người Sài Gòn như thân quen, như đã gặp nhau một lần nào, mặc dù quê tôi ở tít tận Mũi Cà Mau.

 
Người dân Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đón đoàn quân giải phóng, ngày 30-4-1975

Tôi nhớ, lúc bấy giờ đối với cách mạng, nhiều người vừa sợ, vừa cảm tình, vừa thấy gần gũi nhưng cũng vừa xa lạ. Không ít người gọi anh em cán bộ, bộ đội bằng "ngài”, bằng "ông”. Có người còn gọi "phía bên này”, "phía bên kia”, "ngoài họ”, "trong mình” (ý chỉ miền Bắc, miền Nam)… Thật ra, trong những ngày vui lớn này, chẳng mấy ai có ý chống đối cách mạng, chia rẽ Bắc - Nam. Nhưng vì quá ngỡ ngàng trước một chiến thắng chói lòa, những từ ngữ quen thuộc bình thường trước đây, ít ai kịp sửa. Người ta trao đổi với nhau một cách quen miệng, hồn nhiên như thế.

Tôi được phân công về ở khu tập thể của báo Giải Phóng (tiền thân của báo Đại Đoàn Kết sau này), ở đường Hai Bà Trưng, gần cầu Kiệu, quận I. Đây là tòa nhà bốn tầng, vừa ở vừa làm việc của Thành Thái kỹ nghệ công ty (gọi tắt là Thathaco), do ông Nguyễn Thành Đào làm chủ, chuyên sản xuất dây điện và đồ gia dụng bằng điện, có nhà máy ở khu công nghiệp Biên Hòa, nghe nói khá lớn (vì lý do tế nhị, tôi xin thay đổi tên công ty, tên người). Trước ngày 30-4-1975, gia đình ông Nguyễn Thành Đào di tản ra nước ngoài, bỏ cả gia sản lại. Đây thuộc diện nhà vắng chủ. Được phép của Ban Quân quản thành phố, báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam sử dụng căn nhà này làm khu tập thể cho anh em trong cơ quan. Đến đây ở trước tôi có nhiều gia đình nhà báo từ chiến khu về như Nguyễn Hồ, Hải Nam, Đậu Hùng, Hữu Lễ, Thanh Đông, Năm Luận, Hồng Kỳ, Phan Nam. Ở miền Bắc vào có gia đình nhà báo Phan Đắc Lập, Huỳnh Tám, và tôi. Ở lầu I, có gia đình ông Tam, Giám đốc tiếp quản Công ty Thathaco. Mỗi gia đình và người độc thân đều được ở một phòng riêng, tiện nghi khép kín. Vợ chồng tôi ở một phòng gần 20 mét vuông, lầu hai cùng gia đình Nguyễn Hồ, Hữu Lễ và Phan Nam. Phòng tôi ở là phòng con gái thứ của chủ nhà, tên Hải Liên. Trong phòng còn nhiều thư từ, hình ảnh, giấy tờ, sách vở của cô sinh viên này. Phần lớn những bức thư của chị dâu gửi từ Mỹ, viết trong năm 1972. Thư nào cũng kể "con cà con kê” chuyện sinh hoạt, và việc học hành ở bên ấy, đọc rất vui. Nghe nói có mấy cuốn nhật ký của Hải Liên rất hay, nhưng người đến trước tôi đã giữ làm tư liệu để viết văn. Trong nhà này còn lại nhiều gạt tàn thuốc lá bằng gốm có in hàng chữ Thathaco, gồm hai màu: màu xanh lá cây và màu hồng. Chúng tôi giữ mỗi nhà vài cái, dùng mãi đến năm 2000 vẫn còn. Còn nhiều những mô hình bằng mẫu là những cuộn dây điện, dây đồng ngắn gần gang tay, nặng, dáng vẻ vui mắt, dùng để chặn giấy tờ trên bàn làm việc rất tuyệt. Và rất nhiều tờ giấy màu xanh, hồng khổ tập học sinh, in sẵn mẫu lý lịch công nhân, trong đó có những xấp đã ghi đầy đủ lý lịch công nhân làm việc trong công ty.

Chỉ có một thứ quý mà chúng tôi giao cho Nguyễn Hồ giữ là chiếc máy chiếu phim 8 ly và nhiều bộ phim gia đình Nguyễn Thành Đào đi du lịch nước ngoài quay được. Sau bữa cơm tối, chúng tôi được quây quần bên chiếc máy này xem phim, thích nhất là những phim cá heo làm xiếc và chơi bôlinh. Đặc biệt, phòng tôi có cây đàn piano hiệu Yamaha đen bóng, gần như còn mới nguyên, đặt bên góc cửa ra vào, thật sang trọng. Tiếc là mọi người trong nhà không ai biết đàn, nên không ai muốn giữ, dù đây là món đồ quý. Đến năm 1977, chúng tôi chuyển đi nơi khác, giao căn nhà này cho Công ty Thathaco quản lý, cơ quan cho tôi chuyển cây đàn theo, nhưng đây là tài sản công, mà tôi lại không sử dụng. Cuối cùng, đại diện báo Giải Phóng và tôi chuyển đến tặng Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố để phát huy tác dụng của nó trong việc dạy nhạc cho các em.

Các nhà báo trong khu tập thể rất vui vì về sau, được đón tiếp nhiều nhà báo, nhà văn và anh chị em văn nghệ sĩ Sài Gòn đến chơi hoặc trao đổi bài vở như: Sơn Nam, Kiên Giang, Vũ Hạnh, Ngô Công Đức, Huỳnh Bá Thành, nghệ sĩ Kim Cương… , các nhà văn ở chiến khu về, ở miền Bắc vào: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương, Đoàn Giỏi, Thép Mới, Bùi Kinh Lăng, Lê Văn Thảo, Cao Xuân Hạo, Hoài Vũ, Chim Trắng…và rất nhiều bạn trẻ khác mà nhiều người sau này trở thành những người có tên tuổi.

Cũng tại đây, tôi có ý tưởng sưu tầm bút tích và chân dung nhà văn Việt Nam. Người đầu tiên là nhà thơ Huy Thông (Phạm Huy Thông). Ở đường Hai Bà Trưng, đối diện với khu tập thể chúng tôi, có hiệu thuốc cam gia truyền Hàng Bạc, Hà Nội, chủ hiệu là bà con với tác giả bài thơ Tiếng địch sông Ô. Biết tôi là nhà báo, bà tin tưởng đưa cho tôi xem tấm ảnh nhà thơ và cả bản chữ nhà thơ viết bài thơ mà bà giữ gìn hàng chục năm nay. Sau đó biết tôi từng là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà giáo sư Phạm Huy Thông làm Hiệu trưởng, bà vui vẻ tặng tôi ảnh và bút tích của nhà thơ.

Lại nói về tòa nhà của ông Nguyễn Thành Đào. Khi chúng tôi đến tiếp quản, người duy nhất còn lại giữ nhà là ông Năm, độ ngoài 50 tuổi, làm quản gia. Gặp chúng tôi, ông vừa sờ sợ, vừa ngỡ ngàng, lúng túng như người có tội. Ông nói: "Xin quý ông, quý bà đừng bắt tôi! Tôi chỉ là người làm thuê, làm mướn cho ông bà chủ ở đây. Tôi không có tội chi”. Chúng tôi nói với ông rằng, chúng tôi là nhà báo cách mạng, nhà báo giải phóng. Biết tòa nhà này vắng chủ, cấp trên đồng ý cho chúng tôi đến tá túc một thời gian. Kể từ hôm nay, cái nhà lớn này  là của chúng ta, trong đó có bác Năm. Bác Năm là chủ nhà, chúng tôi là chủ nhà. Bác cứ ở tầng trệt này, vẫn trông coi ngôi nhà này như trước. Hòa bình rồi, không còn địch , không phân biệt Bắc Nam gì cả. Chúng ta thương nhau, bảo vệ nhau…”. Bác Năm thở phào như trút gánh nặng, nở nụ cười hiền.
Ngay buổi chiều hôm đó, chúng tôi làm bữa cơm gọi là để mừng miền Nam giải phóng, Sài Gòn giải phóng. Bữa cơm có bác Năm là người cao tuổi, người "tại chỗ” theo cách nói lúc bấy giờ. Bữa ăn gồm những món đơn sơ, gần như "dã chiến” trên đường hành quân nhưng rất ngon và rất vui. Chỉ có món bia là lạ - bia BGI chai lớn, uống với đá cục mua ở tiệm tạp hóa người Hoa bên cạnh. Bác Năm nói: trong két bia BGI 24 chai, chỉ có một chai ngon nhất, đó là chai in nhãn hiệu hình con cọp màu trắng. Không biết có đúng không, nhưng trong suốt bữa ăn, anh nào cũng tranh tìm cho được chai con cọp trắng!

Bác Năm có cuộc đời  thật cảm động. Bác kể: Hồi ấy, đã lâu lắm rồi, vào khoảng cuối trào Ngô Đình Diệm, ở vùng chợ Tân Định, Sài Gòn có hai chú cháu người thợ hồ. Đó là bác Năm và người cháu trai tên Quốc Toàn, gọi ông Năm bằng chú. Chú cháu thương nhau như cha con. Thằng Toàn thiếu tình cảm cha khi nó bắt đầu cắp sách tới trường. Cha nó bị cơn cảm lạnh đột ngột rồi chết. Mẹ nó còn trẻ. Ba năm sau bà đi bước nữa. Chẳng hiểu sao từ đó thằng Toàn không ở với mẹ và cha ghẻ. Nó sống với chú Năm, chú cháu thương nhau vô bờ bến... Ông Năm rơm rớm nước mắt, kể tiếp: Một gia đình giàu có ở gần đây, mướn chú cháu tôi và vài người thợ hồ  xây một bệ xi măng, khảm gạch hoa ở lầu 3 để trồng cây cảnh. Chẳng ngờ tai họa đến với tôi. Thằng Toàn đang trát vữa, té nhào xuống. Người ta lập tức đưa đi nhà thương. Nhưng xích lô chở nó đến cửa phòng cấp cứu thì nó cũng trút hơi thở cuối cùng. Tôi như cái cây bị trốc gốc. Bán hết đồ nghề, uống một trận rượu thật say rồi bỏ nghề thợ hồ. Một hôm đọc báo thấy có mẩu rao vặt cần người đứng tuổi trông coi tư gia. Tôi tìm đến địa chỉ này và gắn bó với ông chủ Công ty Thathaco đến nay…

Cái ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình trong những ngày cuối tháng 4-1975 với bác Năm thật đặc biệt. Bác nói chưa bao giờ được sống những ngày lạ  lùng như vậy. Mấy tầng lầu của Thành Thái kỹ nghệ công ty như chao đảo, rối tung rối mù gần vỡ tung ra. Người ta chạy lên chạy xuống liên tục, điện thoại reo không ngớt. Chiếc xe hơi của ông chủ chốc chạy đi, chốc chạy về. Vẻ mặt ai cũng biến đổi. Mọi thứ đảo lộn. Họ chuẩn bị cho một chuyến ra đi?

Riêng bác Năm thì nghĩ mình đã luống tuổi, chữ nghĩa không có bao nhiêu, bác muốn giữ lại những gì mình trông thấy nhiều điều trong cuộc đời cũng là một cái hay. Đó là chứng kiến được cuộc chiến này đã kết thúc như thế nào mà ông chủ, bà chủ đã vội vã bỏ nhà cửa, bỏ xứ ra đi vội vã? Rồi bác nhớ lại mùa xuân 1968, bác gặp mấy chiến sĩ Quân giải phóng ở cầu Kiệu có hứa với bác, với bà con Sài Gòn rằng "chúng con sẽ trở lại”. Bác tưởng đó chỉ là một câu chào bình thường. Nhưng nay họ trở lại thật, trở lại vĩnh viễn như những đứa con hiếu thảo trở về với gia đình!
 
 
Trần Thanh Phương
 
(Theo daidoanket.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)